Bài 3: Lĩnh 7 năm lương không cần đi làm, Phó Bí thư xã vui vẻ nhường 'ghế'

Thứ bảy - 15/08/2020 07:40
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp bộ máy sau sáp nhập, nhiều lãnh đạo xã đương chức đã gương mẫu, tình nguyện viết đơn xin nghỉ việc, nhường "ghế" cho lớp trẻ.
“7 năm không đi làm vẫn nhận lương”

Những ngày đầu của chủ trương sáp nhập xã ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Việc sắp xếp lại 80 xã để hình thành 34 xã mới không phải là việc dễ dàng. Một lượng lớn cán bộ dôi dư với gần 2.000 người sau sáp nhập thực sự là thách thức cho việc sắp xếp.
 
T20200081503 1
Xã Lưu Vĩnh Sơn sau khi sáp nhập từ 3 xã

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp bộ máy, nhiều cán bộ xã gương mẫu, tình nguyện viết đơn xin nghỉ việc.

Ở huyện Đức Thọ có 300 cán bộ xã dôi dư sau khi sáp nhập 21 xã để hình thành 9 xã mới. Nhiều cán bộ ở huyện Đức Thọ đã viết đơn xin “nghỉ hưu non”, nhường chỗ cho cán bộ trẻ làm việc.

Ông Võ Trọng Hưởng, Phó Bí thư xã Đức Thanh cho biết, 3 xã Đức Thanh, Thái Yên, Đức Thịnh sáp nhập và đổi tên thành xã Thanh Bình Thịnh. Để ủng hộ chủ trương, ông đã tình nguyện viết đơn xin nghỉ việc.

“Tôi có 30 năm công tác và còn 9 năm nữa mới nghỉ hưu. Tuy nhiên, tôi đã viết đơn xin tình nguyện nghỉ việc để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ cống hiến và để huyện nhà dễ sắp xếp ổn định bộ máy. Nếu tôi không tình nguyện viết đơn thì cũng không ai bắt ép tôi nghỉ việc cả”, ông Hưởng nói.
 
T20200081503 2
Ông Võ Trọng Hưởng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy xã Đức Thanh (Đức Thọ)

Ông Hưởng cho hay, trước khi đặt bút ký đơn xin nghỉ việc, bản thân ông cũng đã trăn trở nhiều.

“Để ký đơn xin nghỉ việc trăn trở, tâm tư nhiều lắm chứ. Tôi đang ở vị trí này bỗng nghỉ việc. Mình là trụ cột của gia đình, nghỉ việc thì lấy gì để đảm bảo cuộc sống cho cả nhà. Nhưng sau khi tính toán lại, thấy chính sách hỗ trợ phù hợp nên tôi nhất trí ủng hộ chủ trương”, ông Võ Trọng Hưởng nói.

Ông Hưởng đã nhận được số tiền 670 triệu đồng sau khi viết đơn xin nghỉ việc và cảm thấy hài lòng về chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh nhà.

“Mức lương của tôi thời điểm chưa nghỉ việc là 8,8 triệu/tháng. Tôi nghỉ việc được nhận 670 triệu đồng. Nếu tôi lấy số tiền này về thì coi như gần 7 năm tôi không đi làm vẫn nhận đủ lương. Còn lại 2 năm công tác nữa thì thời gian không nhiều nên tôi xin nghỉ. Việc tôi nghỉ tạo điều kiện cho tổ chức sắp xếp cán bộ. Hiện tại tôi thấy rất hài lòng về quyết định của mình”, ông Hưởng nói.

Nhường chỗ cho lớp trẻ

Theo chủ trương, ở huyện Nghi Xuân có 4 xã, thị trấn sẽ sáp nhập. Đó là xã Tiên Điền và thị trấn Nghi Xuân sáp nhập thành thị trấn Tiên Điền; xã Xuân Đan và xã Xuân Trường sáp nhập và đổi tên thành xã Đan Trường.
 
T20200081503 3
Trụ sở xã Tiên Điền, nơi ông Phạm Đức Trung, nguyên Bí thư xã công tác

Việc sáp nhập 4 xã, thị trấn thành 2 xã, thị trấn như trên, cũng sẽ khiến cán bộ, công chức bị thừa.

Nhắc đến gương điển hình xin nghỉ việc do dôi dư sau sáp nhập, phải kể đến ông Phạm Đức Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân).

Thời điểm ông Trung đương nhiệm, nếu tiếp tục làm việc, ông vẫn được sắp xếp vào vị trí cao nhất ở xã trong nhiệm kỳ tiếp theo. Thế nhưng ông đã viết đơn xin nghỉ, làm gương cho các cán bộ khác.
 
T20200081503 4
Sau khi nghỉ chức vụ Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Tiên Điền (Nghi Xuân), ông Phạm Đức Trung trở về với cuộc sống người nông dân làm vườn cần mẫn

Ông Trung cho biết, sau 8 tháng nghỉ việc, ông ở nhà làm những công việc “không tên” như phụ giúp vợ làm nông nghiệp, làm vườn.

Nguyên Bí thư xã Tiên Điền cho hay, trên cơ sở chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về tinh giản biên chế, sáp nhập đơn vị hành chính, lượng cán bộ dôi dư rất nhiều, bản thân ông công tác 31 năm, có thời gian đóng bảo hiểm khá lâu nên ông đã tình nguyện viết đơn xin nghỉ việc.

“Tôi suy nghĩ rất nhiều, nếu tôi ở lại thì một số các em, các cháu đang trẻ sẽ bị loại ra khỏi vòng. Thậm chí có một số cháu đã phấn đấu thời gian dài khoảng 10 năm, ước mơ sẽ có ngày được làm lãnh đạo, nhưng nếu tôi chưa về thì chưa thể bố trí được, phải dẫm chân ở đó. Tôi muốn các cháu phát huy hết năng lực, khả năng của mình. Tôi làm đơn xin nghỉ việc là vì thế”, ông Trung nói.

Ông Trung cũng cho hay, khi còn trẻ, thế hệ trước tạo điều kiện, cơ hội cho bản thân ông phát triển trên tinh thần tự thân vận động và cố gắng. Bản thân ông luôn ghi nhớ thế hệ trước đã giúp đỡ mình.

“Lương tâm tôi được đánh thức, nên tôi viết đơn xin nghỉ việc, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ phát triển, thế hệ tiếp cận thời đại 4.0 để các bạn có công ăn việc làm. Còn bản thân tôi, dù sao cũng đã có chính sách hỗ trợ, nhận được 760 triệu đồng giống với hình thức về hưu non”, ông Trung nói.
Lĩnh 7 năm lương không cần đi làm, Phó Bí thư xã vui vẻ nhường 'ghế'
Ông Cù Huy Cẩm

Ông Cù Huy Cẩm, Trưởng phòng công chức viên chức, Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, những cán bộ xã tình nguyện xin nghỉ việc là hành động rất đáng để biểu dương.

“Bí thư xã này nghỉ việc nhường chỗ cho bí thư xã khác nên năng lực, trình độ của cán bộ nghỉ và chưa nghỉ là tương đương nhau. Những cán bộ nghỉ sẽ có những thiệt thòi nhất định như về sự nghiệp chính trị, quyền lợi của công chức viên chức hiện hành sẽ không được hưởng nữa.

Dù vậy họ sẵn sàng nghỉ việc để nhường chỗ cho người khác, để thuận lợi trong việc sắp xếp lại xã theo chủ trương là việc làm rất đáng khen ngợi”, ông Cẩm nói.
Thiện Lương

Theo vietnamnet.vn

Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/linh-7-nam-luong-khong-can-di-lam-pho-bi-thu-xa-vui-ve-nhuong-ghe-665195.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây