12 năm đến trường bằng đôi chân của mẹ
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Võ Thị Miền (18 tuổi, trú tại thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) được xem là một thí sinh rất “đặc biệt” ở Hà Tĩnh. Cô gái với dáng người nhỏ bé, chân và tay khuyết tật nhưng lại có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Với Miền, để có thể bước tiếp giảng đường đại học, đó là cả gian nan, thử thách, bởi nhà em có 5 người nhưng có tới 3 người bị tật như em, không thể đi lại, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mọi gánh nặng đè nặng lên vai bà Cao Thị Vân (SN 1965, mẹ Miền). Người phụ nữ ấy cũng là người đồng hành, cõng ước mơ của Miền trong suốt 12 năm đi tìm con chữ.
12 năm đèn sách, đôi chân mẹ Vân cũng là đôi chân của em Miền trên con đường tới trường.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Miền chỉ rộng chừng 30 mét, không có thứ gì đáng giá, ngoài tập sách cũ, cùng những tấm giấy khen của 3 chị em treo ở góc tường.
Đặc biệt góc học tập, nơi mở những câu chuyện từ sách vở ra thế giới bên ngoài của Miền được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Nếu như nhìn thấy những nét chữ ngay ngắn, mềm mại trong quyển vở ở bàn, thì không ai nghĩ đó là dòng chữ được viết từ bàn tay dị tật của một cô bé nặng chưa đầy 30kg.
Nhà miền có 5 người, nhưng 3 người bị khuyết tật tứ chi, không đi lại được. Mọi gánh nặng đè lên vai người mẹ.
Gặp Miền, cô gái hay cười có ánh mắt đẹp, ẩn chứa nỗi buồn nhưng đầy sức sống. Miền, là cô con gái thứ 2 trong gia đình bần nông, thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhà Miền chỉ có mẹ và cô em út lành lặn, còn bố Võ Duy Tùng (SN 1972) và chị gái Võ Thị Trinh (SN 2000) và Miền mắc dị tật chân, tay không thể di chuyển trên đôi chân của mình.
Ngoài việc không đi được, Miền còn gặp khó trong việc ghi chép bài.
Từ nhỏ, Miền sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác. Niềm hạnh phúc nhân đôi khi vợ chồng ông Tùng, bà Vân thấy những bước đi chập chững của cô gái nhỏ. Thế nhưng, lên 4 tuổi, chân, tay Miền bắt đầu có hiện tượng teo dần như bố và chị gái. Với mong muốn cứu lấy đôi chân cho con gái, bà Vân đã vay tiền khắp nơi, làm thuê đủ nghề để kiếm chữa trị cho con.
Tưởng chừng đôi chân Miền vẫn có thể cải thiện, nhưng tình trạng càng ngày nặng dần. Từ bước đi khập khễnh, có thể tự đứng dậy, đến đầu năm lớp 10 thì Miền không thể đứng và đi lại trên đôi chân của mình nữa.
Mọi sinh hoạt của Miền đều trên tay mẹ Vân.
12 năm qua, Miền luôn theo chân mẹ để đến trường học cùng các bạn trang lứa. Ngày nào cũng đều đặn 4 lần chở con đi và về trên chiếc xe đạp cọc cạch. Cũng trên chiếc xe đạp ấy, có những thời điểm bà Vân cùng lúc chở Miền và con gái Trinh đến lớp để tìm con chữ. Năm lên lớp 6 Trinh nghỉ học do sức khỏe yếu, chỉ còn Miền viết tiếp và theo đuổi ước mơ.
“Em không thể tự đi, nên 12 năm qua em đến lớp trên đôi chân của mẹ. Mỗi lần trời nắng, nhìn mẹ khổ sở, về nhà thấy chị, bố nằm ở giường em lại muốn bỏ học. Nhưng rồi khi nghĩ đến mẹ, em lại cố gắng và tự động viên bản thân phải học để sau này tìm được một công việc ổn định giúp đỡ gia đình”, Miền nói trong ánh mắt rưng rưng.
Vượt lên số phận!
Đôi chân đi lại hằng ngày là điều bình thường đối với nhiều người, nhưng với Miền thì đó là cả ước mơ lớn lao mà Miền sẽ không bao giờ có cơ hội thực hiện. Dẫu bao nhiêu nghiệt ngã đối đè nặng xuống bản thân và gia đình nhưng Miền vẫn cho rằng mình còn may mắn khi được bạn bè, thầy cô thương mến giúp đỡ rất nhiều.
Miền luôn hi vọng những mong ước của bản thân sẽ thành hiện thực.
Trong suốt nhiều năm học, nhờ việc chăm chỉ và thông minh nên Miền đạt được thành tích cao trong học tập, nhiều năm đạt học sinh giỏi. Miền chia sẻ, em tự học là chính, không đi học thêm. Ở lớp, Miền nghe giảng, về nhà làm bài tập nhiều hơn.
Đặc biệt bàn tay què quặp cầm bút rất khó, Miền tự tập luyện chữ để có thể viết theo kịp bạn bè. Nhưng khả năng viết rất chậm, phải nắn từng nét chữ, nên đối với những môn học về xã hội em nghe, đọc nhiều hơn là viết. Đó cũng là khó khăn nhất em đang gặp phải trên con đường học tập.
Miền trên chiếc xe lăn được một nhà tài trợ mua cho em để hỗ trợ trong việc di chuyển.
“Cũng có không ít người từng khuyên nên nghỉ học vì người lành lặn đi học còn thất nghiệp, huống chi em bị tật nguyền. Nhưng em nghĩ giờ mình mà bỏ cuộc thì không biết tương lai sẽ như thế nào. Em sẽ chấp nhận và đối diện với chính cuộc đời mình”, Miền nói.
Với mong muốn trở thành một nữ giáo viên Tiếng Anh, năm nay Miền đăng ký vào Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Vinh. Đó là hi vọng và ước mong hiện tại của Miền trên con đường vượt khó để tìm hướng sống, lý tưởng cuộc đời mình. Miền cũng chia sẻ, trong hai môn thi đầu em làm tốt ở môn Toán, còn Ngữ Văn do tay không viết được nhanh nên chưa tốt ở môn này.
Tay em bị teo tóp, các ngón quặp lại nên vệc ghi chép rất khó khăn.
Dù bao khó khăn, gánh nặng đè lên vai, nhưng khi hỏi đến các con, ánh mắt bà Vân hiện lên tia hi vọng, tự hào: “Nếu Miền đậu đại học mà ra Vinh học, tôi sẽ ra đó cõng con đi học tiếp, không để nó một mình bơ vơ ngoài đó. Còn ở nhà đây, có con út chăm bố và chị được, chỉ có hiện tại lo nhất là vấn đề tiền đâu để cho các con ăn học đây. Tôi muốn cho con học để không khổ như bố mẹ chúng. Muốn sau này khi cha mẹ già, mất đi các con vẫn tự chăm lo được cho bản thân mình”.
Để nuôi chồng, cùng 3 người con, bà Vân làm đủ nghề, ai thuê gì làm nấy, miễn sao kiếm được tiền. Người phụ nữ tuổi 55 gầy gò, xanh xao, khuôn mặt khắc khổ vì gia đình nhưng không ngừng hi vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp đến với các con.
HOÀI NAM
Theo tienphong.vn
Link gốc: https://www.tienphong.vn/giao-duc/12-nam-thuc-hien-giac-mo-giang-duong-tren-doi-chan-cua-me-1705001.tpo?fbclid=IwAR1E279hEufpXLnAYQcRYYlvYDeV_cejEmDRixWzBqGpnE0gPgZBw-_aEs4