Không rõ ngọn nguồn từ đâu, nhưng cứ nhắc đến con gái Hà Tĩnh thì cánh mày râu đất Bắc Hà lại có thêm một chủ đề để thành chuyện rôm rả, thậm chí có những anh chàng chưa một lần đến Hà Tĩnh cũng tuyên bố nghe như rất từng trải rằng: "Con gái Hà Tĩnh đa tình lắm!".
Có lần đi công tác ở thành phố Ngã ba sông, khi đến thăm gia đình anh bạn làm việc ở Công an tỉnh, biết tôi quê ở Hà Tĩnh nên anh và bạn bè cùng trong mâm rượu cũng cứ oang oang giống nhau: "Con gái quê ông đa tình lắm, mà vượng phu ích tử, nên ở đây có phong trào động viên con khi đi học đại học thì cứ tìm cô bé quê Hà Tĩnh mà yêu rồi lấy làm vợ, vì điểm lại tay nào lấy vợ Hà Tĩnh cũng thành đạt cả".
Là người trong nhà nên tôi chả có gì bình luận, chỉ có điều hình ảnh người con gái quê tôi làm cho tôi đã xa quê mấy mươi năm nhưng không sao quên nổi, họ đẹp và rất đẹp, thậm chí đẹp nhất chính là khi họ đang lao động, trên người còn vương đầy... bụi lá.
Ấy là cứ buổi chiều tà, dưới ánh hoàng hôn có màu lửa của mùa hè, những cô gái làng tan tầm đồng áng, người thì cầm dao, mang liềm, người thì gánh đôi bó cỏ trện, họ không về thẳng nhà mà rủ nhau ra bờ sông La để thả bớt cái oi bức và bụi bẩn. Ai cũng tóc dài, cả một khoảng bờ sông bập bềnh những làn tóc đùa chơi trong nước sông trong vắt, ánh nắng cuối chiều rọi vào càng làm cho vẻ đẹp của những người con gái vừa kiêu sa vừa mềm mại thôn quê. Có cô đang xoã tóc trôi theo làn nước thì bất ngờ ngửa người hất đầu ra phía sau, làm cả vầng tóc tung lên kéo theo làn nước toả sắc cầu vồng trong nắng xế, nét mặt hồng tươi hoà vào hoàng hôn làm cho hình ảnh đó in đậm nét đẹp của người con gái sông La.
Và đến giờ, người nhạc sĩ tài hoa An Thuyên gọi dòng sông ấy là dòng sông đa tình, bởi "suốt tháng năm sông La cứ gọi núi Hồng". Ông cho rằng không phải con gái Hà Tĩnh đa tình mà "chỉ tại dòng sông đa tình", mà đa tình là vì cũng giống như các chàng trai đi tìm con gái Hà Tĩnh để mà yêu, mà thương là vậy. "Chỉ tại dòng sông đa tình" cũng là tên bài hát của An Thuyên đã làm cho ca sĩ Tố Nga, người con gái Hà Tĩnh chợt bừng tỉnh sau một thời gian khá dài gần như "im hơi lặng tiếng".
Ở quê hương Hà Tĩnh có biết bao thay đổi, Thị xã trở thành Thành phố, rồi một số các trường chuyên nghiệp sáp nhập thành Đại học Hà Tĩnh. Nên tháng 7/2007 quê hương mời Tố Nga về biểu diễn nhân những sự kiện trọng đại này. Bài hát "Hà Tĩnh quê mình" (của Ngọc Thịnh) chị đã thể hiện rất nhiều lần trên sân khấu, đã từng đoạt Huy chương Vàng hội diễn, nhưng chưa bao giờ Tố Nga lại thấy thăng hoa cùng ca khúc này đến thế.
Biểu diễn xong chị như bừng tỉnh sau một thời gian khá dài ẩn mình vì sinh đẻ và lo chuyện gia đình. Hơi thở của quê hương, tình thương của đất mẹ cứ lan toả từ trong những câu hát làm cho chị thấy niềm tin được nhân lên gấp nhiều lần, để cần phải tiếp tục phấn đấu, tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp cũng như cuộc sống.
Mặc dù trước đó, khi đứa con nhỏ còn quá thơ dại thì chị lại đổ sụp vì chuyện hôn nhân, nhiều khi rất sợ ánh sáng, sợ gặp người thân, sợ ra chỗ đông người và sợ nhất là lên sân khấu, vì hình như ai cũng biết chuyện trớ trêu mà khổ đau của mình vậy... Rồi cũng vào dịp về quê biểu diễn này thì cuộc thi Sao Mai trên sóng Truyền hình đã vào hồi kết, ngồi ở nhà mẹ đẻ xem một thí sinh nữ hát bài: "Chỉ tại dòng sông đa tình" của nhạc sĩ An Thuyên mà Tố Nga thấy trong người cứ như "lên đồng" để nhập vai, khi thí sinh kết thúc phần thi thì chị khẽ khàng thảng thốt: "Dòng sông đa tình của mình đây rồi!".
Hà Tĩnh quê mình vừa bồi đắp niềm tin và tình thương, thì dòng sông đa tình lại vô tình bắt gặp để giao lưu xúc cảm của nữ ca sĩ: "Em chỉ có đôi môi hồng mà sông thì dài mà mây nước bao la...". Thế rồi, ra Hà Nội chỉ với thời gian rất ngắn Tố Nga đã hoàn thành Vol 4 với tên gọi "Dòng sông đa tình". Trong đó chị như đang chảy miết, đang đắm mình để hoà quyện cùng dòng sông La đa tình của quê hương Hà Tĩnh. Với CD thứ 4 này, cũng như 3 Album trước đó, Tố Nga chỉ thể hiện những ca khúc về miền Trung yêu thương như: Chỉ tại dòng sông đa tình; Câu đợi câu chờ; Núi Hồng sông Lam; Ai vô xứ Nghệ; Gửi sông La; Câu hát quê hương... Dàn dựng và phối khí cho chị cũng là một nhạc sĩ trưởng thành từ quê hương bên dòng sông La thơ mộng, nhạc sĩ Xuân Thuỷ.
Mơ ước có một cuộc sống ổn định và giản dị là điều mà ca sĩ Tố Nga luôn hướng tới, ngay cả trong công việc cũng vậy. Chính thế mà chị luôn hướng tới những cái hay, cái đẹp một cách trung thực. Tuy còn trẻ nhưng chị đã sớm vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Rồi với thời gian công tác chưa phải là dài nhưng đã có tới 4 album ra đời cũng là một thành quả phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp cống hiến cho nghệ thuật.
Còn tôi, cứ mỗi lần nghe giọng hát Tố Nga, tôi lại nao nao nhớ đến tiếng võng tre đu đưa dưới mái lá cọ trong từng hiên nhà của miền quê Hà Tĩnh. Mặc dù vẫn biết rằng, trong thời buổi hiện đại hoá này chiếc võng đan bằng tre ở quê tôi đã mai một thất truyền.
Theo Điện ảnh Kịch trường
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn