Vụ xâm chiếm rừng của Công ty Cao su Hương Khê: Cần xử lý dứt điểm và nghiêm minh theo quy định của pháp luật

Thứ tư - 07/06/2017 04:25
Gần ba năm trôi qua kể từ vụ một số bà con xã Hương Giang (Hương Khê) tự ý vào xâm chiếm rừng và đất rừng của Công ty Cao su Hương Khê để trồng keo một cách trái phép tại hai Tiểu khu 200 và 195, cùng các vụ việc liên quan tới ông Lê Hữu Chí và Công ty. Đã nhiều lần báo chí lên tiếng, biết bao cuộc họp bàn diễn ra từ cấp tỉnh, huyện đến cơ sở. Song đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, làm thiệt hại đáng kể về kinh tế cho doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là làm xói mòn lòng tin của nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.

Dân coi thường phép nước

Tiếp theo vụ dân xã Hòa Hải giữa năm 2012 tự ý xâm chiếm 273/274 ha đất rừng và trồng keo tại Tiều khu 192 do công ty quản lý, từ ngày 4/3 đến tháng 5/2013, tại Tiểu khu 200 và Tiểu khu 195 thuộc xã Hương Giang, 91 hộ dân đã ngang nhiên vào rừng sẻ, phát, xâm chiếm 218,35 ha của Công ty để trồng keo. Họ còn tự ý sẻ, phát sang cả rừng phòng hộ đến hàng chục ha rồi trồng keo lên trên toàn bộ diện tích nói trên.
Dư luận cho rằng, đây là hệ quả của sự buông lỏng về quản lý nhà nước trên địa bàn. Trường hợp ông Lê Hữu Chí khá điển hình, có thể coi là “ngòi nổ” cho hàng loạt hành động mang tính tự phát của một số không ít người dân về sau này.

Tháng 12/2003, ông Lê Hữu Chí ngụ tại xóm 3 xã Hương Giang hợp tác với Công ty trồng rừng nguyên liệu trên diện tích 7,74 ha tại Tiểu khu 215, thuộc xã Hương Giang theo dự án của TCT Lâm nghiệp Việt Nam. Đến hạn khai thác từ năm 2010 -2011, Công ty đã nhiều lần mời ông lên để làm việc nhưng ông không lên. Thậm chí 3 lần Công ty gửi thông báo cho ông, ông vẫn không đến mà không có lý do gì. Buộc Công ty phải báo cáo và thống nhất với UBND xã Hương Giang thành lập hội đồng định giá, bán đấu giá lô rừng trên để thu hồi vốn trả cho chủ đầu tư.

Hơn 300 ha rừng cây của Công ty Cao su Hương Khê tại Tiểu khu 192 bị người dân Hòa Hải ngang nhiên xâm chiếm và tự ý trồng keo từ giữa năm 2012.

Tháng 3/2009, ông Lê Hữu Chí tự tiện xâm chiếm 7 ha đất rừng và trồng keo trái phép tại lô 17, khoảnh 6, Tiểu khu 200 của Công ty. Công ty đã nhiều lần gặp làm việc, hòa giải nhưng ông Chí không chấp nhận, buộc phải kiện ông ra tòa án. Từ cuối năm 2011 đến năm 2014, Tòa án nhân dân các cấp đã liên tiếp xử sơ thẩm và phúc thẩm, tuyên cáo buộc ông Chí phải di dời toàn bộ số cây cối đã trồng trái phép, trả lại đất cho công ty, song đến nay bản án vẫn không được thi hành.

Cũng là ông Chí, ngày 22/2/2010, ông đã để đàn gia súc của mình vào lô 16, khoảnh 6, tiểu khu 200 của Công ty, phá hại đến 1.130 cây cao su. Lực lượng bảo vệ của Công ty phối hợp với chính quyền xã Hương Giang vây bắt, lập hồ sơ tạm giữ số bò, bê nói trên. Tổng giá trị thiệt hại do đàn gia súc của ông Chí gây ra đối với vườn cây cao su của Công ty là 136.890 ngàn đồng, cộng với công công nhân phải bỏ ra chăn nuôi, chăm sóc, bảo vệ 5 tháng số bò, bê của ông lên tới số tiền 135 triệu đồng. Công ty và UBND xã Hương Giang 5 lần mời ông đến trụ sở để giải quyết sự việc nhưng ông Chí không hợp tác. Ông còn viết đơn kiện Công ty lên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Viện chuyển đơn cho Công an huyện Hương Khê giải quyết. Sau khi xác minh sự việc một cách cẩn trọng, khách quan, Công an Hương Khê đã có văn bản trả lời, khẳng định việc ông Chí, bà Thu (vợ ông Chí) khiếu nại, đề nghị xử lý vụ việc theo tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân” theo Điều 137 – Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam là không có cơ sở.

Chính quyền và cơ quan thi hành án chưa làm hết trách nhiệm

Chiều ngày 16/7/2015, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 -2016, vấn đề này đã thật sự “nóng lên” tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hầu hết ý kiến của các đại biểu cho rằng, việc để xảy ra tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trước hết thuộc về ngành nông nghiệp. Với chức năng là đơn vị chủ trì nhưng đã không tham mưu, giải quyết tình hình mà để kéo dài trong nhiều năm, kế đó là sự thiếu kiên quyết của chính quyền các cấp.
Đồng chí Lê Đình Sơn- Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh, tháng 7/2015, khi đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã vào tận nơi gặp mặt, trao đổi với cán bộ và bà con địa phương. Đồng chí cho rằng, việc bà con tự ý vào xâm lấn, sẻ, phát đất của Công ty và trồng keo lên là “trái pháp luật”. Đồng chí khẳng định, “Đây là hậu quả của sự non yếu của các cấp chính quyền địa phương”.

Trong 3 vụ việc có liên quan tới ông Chí thì vụ tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp giữa ông Chí với Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê là ví dụ điển hình nhất. Tại bản án sơ thẩm được tuyên ngày 27/5/2001, Tòa án nhân dân huyện Hương Khê nêu rõ: buộc bị đơn ông Lê Hữu Chí và bà Phan Thị Thu phải di dời toàn bộ số cây keo đang trồng trên diện tích 7 ha tại lô 17, khoảnh 6, Tiểu khu 200 để trả lại mặt bằng cho Công ty. Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã xử phúc thẩm ngày 26/8/2011, bác bỏ nội dung kháng cáo của ông bà Chí và tuyên y án nội dung bản sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hương Khê.

Ngày 02/6/2014, Tòa án nhân dân Tối cao ra thông báo số 435/TB- DS giải quyết đơn đề nghị của ông bà Chí, đồng thời kết luận nhất trí với nội dung quyết định của hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Khê ra văn bản yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hương Khê ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thi hành án với ông bà Chí.Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản số 508/ HĐND-PC gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh để chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc theo kết luận của Tòa án. Ngày 17/12/2014 Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện họp để giải quyết vụ việc, đồng thời bàn kế hoạch tổ chức cưỡng chế theo bản án dân sự phúc thẩm số 13-DSPT ngày 26/8/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh. Thời gian thi hành án quy định sau tết âm lịch (tức ngày 26/3/2015), thế mà đến nay sau hơn 4 năm khi bản án đã có hiệu lực và sau quyết định cưỡng chế của huyện đã gần 8 tháng mọi việc vẫn đâu hoàn đấy.

Cần một giải pháp tháo gỡ hữu hiệu

Để giải quyết dứt điểm các vụ việc này, dự luận đồng tình cao với phương án đề xuát của đại diện Sở NN &PTNN, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Hương Khê và lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê tại cuộc họp bàn ngày 2/10/2015.

– UBND tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Hương Khê lập Hội đồng kiểm tra, đánh giá và định giá toàn bộ diện tích 238,8 ha rừng keo do các hộ dân trồng trên đất xâm lấn của công ty tại Tiểu khu 195 và 200. Công ty có trách nhiệm hỗ trợ các hộ theo thống nhất định giá của hội đồng và tiếp nhận toàn bộ diện tích đất, tài sản trên đất về quản lý, sử dụng.

– Để giúp Công ty có nguồn hỗ trợ cho dân, UBND tỉnh nên xem xét cho phép Công ty được chuyển đổi rừng từ quy hoạch trồng cao su sang trồng rừng nguyên liệu trên toàn bộ diện tích 238,8ha.

– Cho phép Công ty rà soát lại các diện tích chưa trồng cao su tại Tiểu khu 199 ở xã Hương Giang do công ty quản lý, sử dụng để cắt chuyển về địa phương quản lý và xây dựng phương án giao đất giao rừng cho các hộ dân nhằm đảm bảo nhu cầu và hài hòa lợi ích của người dân trên địa bàn.

– Riêng các vụ việc liên quan tới ông Lê Hữu Chí, cần có sự vào cuộc một cách tích cực, hiệu quả hơn của chính quyền và cơ quan chức năng, nhằm giúp tháo gỡ sự mắc mớ kéo quá dài giữa Công ty và ông Chí.

Theo chúng tôi, đây là phương án khả thi nhất, vừa có lý có tình, bảo dảm quyền lợi cho các bên, vừa giữ nghiêm được kỷ cương, phép nước.

Theo Khắc Hiển báo Nhà báo và Công luận

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây