|
Ngân HCSXH huyện Hương Sơn. |
Đã nghèo lại lắm tai ương!
Sơn Hàm là một xã được xếp theo diện 135 (xã nghèo-PV) của huyện Hương Sơn, cho nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong xã chiếm một phần khá lớn.
Để tạo điều kiện cho các hộ nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế, Chính phủ đã có rất nhiều chủ trương cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những đối tượng này. Trong các chủ trương và chính sách, thì việc tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi ở Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để phát triển kinh tế là một trong những chủ trương được ưu tiên hàng đầu.
Từ phải sang, ông Hồ Đình Giáo (Bí thư xóm 2), chị Trần Thị Quy, bà Đoàn Thị Châu (bà châu vay 25 triệu chỉ nhận 5 triệu, chị Quy vay 30 triệu chỉ nhận 5 triệu. Số còn lại do ông Ngư cầm rồi cho người khác vay). |
Mặc dù được ưu tiên trong việc vay vốn ở NHCSXH để phát triền kinh tế, nhưng có rất nhiều hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo ở xã Sơn Hàm đã không làm thủ tục để vay, mà theo họ là do chưa có như cầu hoặc lo sợ sau khi vay không có khả năng hoàn lại.
Nắm được việc vay vốn này là một ưu đãi đặc biệt, nên ông Hồ Đình Ngư, PCT Hội nông dân xã Sơn Hàm đã tìm đến một số gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo để "xin" họ đứng tên ra vay để cho mình hưởng lợi.
Trước sự "nài nỉ" của ông PCT Hội nông dân xã, rất nhiệu hộ vốn không có nhu cầu vay hoặc sợ không dám vay nay cũng đành "chấp nhận" đứng tên lên ngân hàng nhận tiền rồi giao cho ông Ngự.
Khi được sự đồng ý của các hộ, mọi thủ tục giấy tờ, làm hồ sơ, xin xác nhận của xã đều một mình do ông Ngự "đạo diễn". Những hộ nghèo này chỉ làm một việc duy nhất là lên NHCSXH kí tên, nhận tiền rồi giao lại cho ông Ngự khi ông này gọi.
Để có được sự đồng ý của những hộ này, có những gia đình ông Ngự phải đích thân "Tam cố thảo lư" đến 3 lần.
Anh Đào Trương Thông, ở xóm 2, xã Sơn Hàm ngán ngẫm: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Mặc dù là hộ nghèo nhưng vì chưa cần đến tiền để sản xuất nên gia đình chưa có nhu cầu vay vốn ở NHCSXH. Ông Ngự đã đến nhà tôi nhờ tôi đứng ra vay dùm. Vì không muốn nên tôi nói với ông là giấy CMND đã mất nên không được. Đến lần thứ 3 ông ấy sang nhà tôi kể lễ đủ thứ khó khăn, thấy nể nên vợ tôi đã đồng ý để cho ông vay. Mọi thủ tục giấy tờ tự ông ấy làm hết. Khi làm xong ông ấy gọi chúng tôi lên ngân hàng kí tên, nhận tiền rồi giao lại cho ông".
Tháng 10/2010, khi ông Ngự qua đời trong một tai nạn thì cũng là lúc hàng chục hộ dân ở các xóm thuộc xã Sơn Hàm rơi vào cảnh trở thành con nợ của NHCSXH ở chi nhánh huyện Hương Sơn.
Hộ nghèo vay tiền quá dễ?
Trong khi những người không có nhu cầu vay vốn để sản xuất thì "qua tay" ông Ngự đều có thể vay với số tiền lên tới 30 triệu đồng, không cần thế chấp; không có sự kiểm tra của NHCSXH là hộ vay đó kinh doan sản xuất cái gì, có khả năng để hoàn lại vốn hay không. Ngược lại có những hộ thuộc diện nghèo, cần vay với số tiền 5 triệu đồng để chăn nuôi khi đến ông Ngự xin làm thủ tục vay vốn thì bị chối đây đẩy.
Những "biên lai" nhận tiền từ hộ nghèo của ông Ngự. |
Bà Đoàn Thị Châu thuộc diện nghèo, cần vay 5 triệu đồng để chăn nuôi. Khi đến ông Ngự làm thủ tục thì ông Ngự nói vay với số tiền 5 triệu là không được. Nếu bà muốn vay thì phải làm hồ sơ vay với số tiền 25 triệu, bằng cách cho một số người khác vay ké vào. Còn cách làm như thế nào là mặc ông.
Trước yêu cầu trên, bà Châu đành nhắm mắt vay với số tiền 25 triệu. Khi lên ngân hàng lấy tiền bà Châu cầm 5 triệu, số tiền còn lại ông Ngự cầm hết.
Sau khi ông Ngự qua đời được một tháng, đã có 4 người gồm: Nguyễn Thị Hà, Lê Thị Phong, Phan Thị Ngân và Nguyễn Thị Hoàng đến trả cho bà Châu mỗi người 2,5 triệu đồng. Từ đó bà Châu mới biết là những người này đã vay ké tiền ở NHCSXH từ sổ của bà thông qua ông Ngự. Hiện tại số tiền còn lại của bà Châu là 10 triệu đồng đến bây giờ bà vẫn chưa biết được ông Ngự đã cho những ai vay.
Tương tự như trường hợp của bà Châu là trường hợp của chị Trần Thị Quy.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy bi đát nhất là trường hợp của anh Hồ Đình Chính. Vốn là một hộ cận nghèo, không dám vay vốn vì sợ sẽ không hoàn lại được nên hai vợ chồng đã chối lần chối lượt khi ông Ngự đề xuất. Thế nhưng, sau ba lần đến năn nỉ với tình cảm chú cháu nên vợ chồng anh Chính cũng đã đứng tên cho ông Ngự vay 30 triệu đồng.
Khi ông Ngự qua đời, ngân hàng đến thu tiền lãi thì anh Chính mới phát hoảng là số tiền từ sổ của mình vẫn còn nguyên 30 triệu.
Tâm sự với chúng tôi chị Thơm - vợ anh Chính nói trong nước mắt: "Nhà nghèo, hai vợ chồng tui phải nuôi 4 người con ăn học. Toàn bộ ruộng vườn chỉ có 3 sào. Vì ông Ngự van xin mãi, hơn nữa lại là chú cháu nên chúng tôi đã đưa sổ cho ông vay. Bây giờ thì kiếm đây ra tiền để trả".
Quá sốc với số tiền do người cháu để lại, cộng với cuộc sống khó khăn, cho nên kể từ khi biết mình phải chịu món nợ quá lớn từ ngân hàng hai vợ chồng anh Chính, chị Thơm hễ sáng ra là vác rạ vào rừng đào măng, chặt nứa vừa để kiếm tiền cho con ăn học vừa tránh ngân hàng đến đòi nợ.
Khi biết chúng tôi là PV muốn tìm hiểu về vấn đề này ông Hồ Đình Giáo- Bí thư Chi bộ xóm 2 cho biết: "Những gì người dân phản ánh là đúng. Ngay trước đây khi làm hồ sơ vay vốn cho một số hộ dân chính tôi đã phát hiện là vay sai mục đích, sai đối tượng; tôi cũng đã nói mà họ không tin".
Theo Tamnhin.net