30 năm chưa được về quê hương
Những ngày tháng 7 này, những người cựu chiến binh Sư đoàn 356 - sư đoàn bộ đội chủ lực trong cuộc chiến tranh biên giới khi xưa - đã nhiều lần quay trở lại chiến trường, nhìn lên các điểm cao, hướng vọng về nơi đồng chí đồng đội của mình nằm lại. Họ cùng ôn lại kỷ niệm về “đường hào mùa xuân”, về suối Gọi Hồn, về chòm Yên Ngựa...
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đệ vạch lá rừng, dẫn tôi tìm vào căn hầm chữ A hai cửa nay đã bị cây rừng che khuất, nơi ông và đồng đội từng đóng quân, kể: “Bình thường căn hầm chứa được 6 - 7 người, nhưng có lúc cao điểm phải chứa cả gần hai chục người. Tất cả phải vào hầm tránh pháo”. Địa danh suối Gọi Hồn cũng được các cựu binh nhắc đến trong đau đớn: “Đó là con suối mà đơn vị vận tải đi qua, rồi tắm rửa cho thi thể đồng đội chúng tôi trước khi đưa các anh về tuyến sau. Nước ở thác Gọi Hồn làm cho linh hồn các anh được mát mẻ” - giọng ông Đệ nghèn nghẹn.
Cựu chiến binh Hoàng Thế Cương - Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 356 tại Hà Giang - tổng kết: “Rạng sáng ngày 12.7.1984, gần 600 chiến sĩ của Sư đoàn 356 đã hy sinh trong trận đánh chiếm điểm cao 772. Đây là trận đánh khốc liệt nhất tại mặt trận Vị Xuyên. Hết năm 1988, trong con số gần 3.000 thương binh liệt sĩ, có đến 1.200 liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Số liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang chưa được một nửa. Số còn lại vẫn nằm trên chiến trường”.
Các cựu chiến binh Sư đoàn 356 coi ngày 12.7 là ngày giỗ của cả sư đoàn. Đó là ngày “vào trận”, cũng là ngày các chiến sĩ của sư đoàn ngã xuống nhiều nhất, trong những trận đánh khốc liệt nhưng anh dũng nhất.
Lặn lội từ Yên Bái sang Hà Giang thắp hương cho đồng đội tại nghĩa trang Vị Xuyên trong đêm thắp nến tri ân liệt sĩ, anh Nguyễn Văn Kim - cựu binh Sư đoàn 356 - kể: “Tiểu đoàn 3 của tôi có 187 người hy sinh trong một buổi sáng, từ lúc 3h đến khoảng 8h sáng. Đánh D3, đỉnh 772. Chúng tôi đã chiếm được mục tiêu rồi. 11h thì các đơn vị của ta bị phản kích lại, mỗi tiểu đoàn 3 chiếm được mục tiêu, nhưng mà không giữ nổi, phải rút. Trong số 187 người hy sinh thì chỉ lấy được xác ra có 43 đồng chí thôi. Còn 144 người đến giờ vẫn nằm hết trên cao điểm đấy”.
Khi quay trở lại chiến trường xưa, thắp những nén nhang nghi ngút khói trên cây hương nhỏ vừa mới được xây dựng, đặt trên sườn tây của cao điểm 468 (thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang), các cựu chiến binh đầm đìa lệ ướt mà gọi tên đồng đội: “Chúng ta gặp nhau tại đây, tay bắt mặt mừng, mời các anh vui một chén chè, một điếu thuốc, cái kẹo cái bánh, một chén rượu. Xin mời các anh uống một hớp rượu. Để rồi, sau cái tuần nhang này, anh em chúng tôi lại phải trở về với gia đình, quê hương. Hẹn một ngày khác chúng tôi lại quay lại”. Rồi họ đốt thuốc lá, rót rượu bày biện ra bốn bề xung quanh, mời những linh hồn đồng đội.
Một cựu chiến binh của Sư đoàn 356 nghẹn ngào: “30 năm qua, nhiều đồng chí của tôi ở đây chưa một lần được người thân, gia đình, đồng đội thắp cho một nén nhang. Thể theo nguyện vọng chung, chúng tôi đã hoàn thành cây hương này, đây là nơi đi về giữa những người còn sống và những người vì tổ quốc đã nằm lại chiến trường này. Cây hương này nằm tại cao điểm 468, nơi mà khi xưa mỗi người lính chúng tôi đều hành quân qua. Đứng đây, chúng tôi có thể nhìn thấy tất cả các cao điểm ở chiến trường”.
“Nếu tôi chết, hãy đưa tôi về quê nhé”
Câu nói ấy của liệt sĩ Phạm Văn Đồng trước lúc hy sinh đã xoáy vào tâm can người cựu binh Lưu Thành Trì (phường Minh Khai, thành phố Hà Giang), khiến anh đau đáu suốt 30 năm nay. Trong 2 ngày 7 và 8.7.1984, sau khi đi trinh sát địa hình, 3 người lính gồm có anh Trì - Trung đội trưởng tiểu đội 12 ly 7, anh Vị - hậu cần của trung đoàn và anh Đồng tiểu đoàn DKZ. Bên bếp lửa đỏ rực trên nhà sàn của người dân tại thôn Tha (xã Phương Độ, huyện Vị Xuyên), anh Đồng ngậm ngùi nói với anh Trì: “Tôi biết vào trận này là tôi sẽ hy sinh. Nhưng đã ra đến đây là tôi nhất quyết không chùn bước. Đồng hương nhớ đưa tôi về quê nhé...”.
Anh Trì nhớ lại: “Tối 10.7 phải hành quân thì chiều hôm đó nhà bếp nấu cơm khê, không ai dám ăn. Trung đội phát gạo về các chiến sĩ tự nấu cơm, ăn khẩn trương rồi đi, pháo bắn chặn đường, chúng tôi vẫn đi. Đến chiều tối 11.7, anh liên lạc hứng nước mưa vào bi đông, đổ vào ngâm gạo cho chín. Tôi gọi anh Đồng sang, đục thịt hộp mời anh ăn cơm. Không hiểu sao, mặt anh buồn rầu, anh nói tiếp một lần nữa: “Đồng hương, tôi tin là ta sẽ thắng, nhưng tôi sẽ hy sinh. Anh nhớ đưa tôi xuống đường để vận tải chuyển tôi về đằng sau...”.
Những câu nói như có dự cảm chẳng lành của anh Đồng khiến anh Trì mất vài phút hoang mang. Sau khi bình tĩnh lại, anh Trì đã dùng hết lời động viên anh Đồng. Rạng sáng ngày 12, liên lạc báo tin anh Đồng đã hy sinh khi đang chiến đấu, chống trả lại đạn pháo quyết liệt của địch tại chiến hào.
Đốt thuốc mời gọi linh hồn các đồng đội trên cao điểm 468. |
30 năm đã trôi qua, gia đình của liệt sĩ Phạm Văn Đồng (SN 1956) vẫn chưa biết anh đang yên nghỉ cùng đồng đội tại nghĩa trang Vị Xuyên. Đăm đắm, nghĩ ngợi rất nhiều về lời trăng trối của đồng đội, anh Trì luôn lưu tâm tìm địa chỉ, thân nhân của liệt sĩ Đồng. Nhưng bao năm qua, những thông tin anh có được chỉ vẻn vẹn có mấy dòng chữ: Liệt sĩ Phạm Văn Đồng, quê quán Thanh Chương, Nghệ An. Anh Trì mong muốn sớm gặp được gia đình của anh Đồng, hoàn thành tâm nguyện của đồng đội trước lúc hy sinh.
“Người ta nói em trai tôi chết vì ăn quả độc”
Chiều 26.7, tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, một gia đình thân nhân liệt sĩ đang khóc nức nở, đốt khói hương nghi ngút cho người thân của mình. Nỗi đau của họ không chỉ là nỗi đau mất người thân, mà họ còn đeo đẳng một nỗi đau suốt gần 30 năm - nỗi đau khi gia đình liệt sĩ không được công nhận. Đó là trường hợp liệt sĩ Lưu Mạnh Cường (SN 1963), hy sinh ngày 6.12.1984. Bao nhiêu năm nay, phần mộ của liệt sĩ Cường vẫn an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Trong khi đó tại quê nhà, bố mẹ, anh em của liệt sĩ bao nhiêu năm trời đã phải chịu tai tiếng rằng con em mình chết vì ăn quả độc, họ mang hồ sơ liệt sĩ đi khắp các cơ quan để mong người ta công nhận con, em mình là liệt sĩ mà không được. Gia đình không được hưởng bất cứ một chế độ chính sách gì trong suốt gần 20 năm qua.
Đến khi, người chị từ miền Nam trở về mới quyết tâm đi làm sáng tỏ chế độ cho gia đình liệt sĩ. Ông Hiền (phường Đồng Tâm, Yên Bái), em của liệt sĩ Cường, bức xúc nói: “Tôi tìm 2 ngày mới thấy bộ hồ sơ của anh tôi, trong đó ghi rõ: Cán bộ, liệt sĩ Lưu Mạnh Cường hy sinh ngày 6.12.1984 khi đang chiến đấu. Tôi mang hồ sơ lên chính quyền, họ bảo gia đình đừng có đi làm nữa, chúng tôi đã điều tra rồi, anh của anh chết vì ăn quả độc. Em tôi hy sinh khi đang chiến đấu mà họ lại nói là em tôi chết vì ăn phải quả độc. Bố mẹ tôi lúc còn sống đã uất hận, đau đớn đến lúc chết. Bố tôi 4 lần về quân khu cũng không được giải quyết. Tôi mang hồ sơ về quân khu, họ bảo do bàn giao giữa người cũ và mới bị sót. Đến cuối năm 2012, em tôi mới được công nhận là liệt sĩ”.
Các liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, thân nhân gia đình liệt sĩ chưa được hưởng chế độ của Nhà nước, thậm chí có cả những người cựu chiến binh bị thương trong chiến tranh đã 30 năm chưa được “nhớ đến”... Đó là những khoảng lặng vô cùng đau đớn tồn tại sau cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm xưa. Họ vẫn đang từng ngày từng giờ đợi chờ, mong mỏi một sự lưu tâm. Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn nhận lại cuộc chiến bi hùng năm xưa để không phải hổ thẹn với những người anh hùng xả thân vì biên cương, vì quê hương xứ sở.
theo Giang Thùy Linh /laodong.com
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn