Không riêng người tàn tật, việc thu tiền ngoài khả năng của người bình thường đã vi phạm chủ trương
Thưa ông, với vụ việc chính quyền cơ sở lạm thu tiền xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Về phương diện pháp lý, có những sai phạm gì?
Theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15.7.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tại khoản b mục 3 ghi rõ: "Trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không yêu cầu dân đóng góp bắt buộc. Việc huy động đóng góp phải trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của dân tại từng địa bàn, trong mọi trường hợp không được huy động quá sức dân".
Như vậy, không riêng gì người tàn tật hay người bị nhiễm chất độc màu da cam, mà bất cứ người dân nào cũng không thuộc đối tượng bị bắt buộc đóng góp trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ngay cả với người bình thường mà không có khả năng tài chính nhưng vẫn bắt buộc đóng là đã vi phạm chủ trương rồi.
Cụ thể, hành vi của các cán bộ nêu trên là vi phạm những gì và xử lý ra sao?
Tôi cho rằng đó là lạm quyền. Chưa tính đến yếu tố luật pháp, việc bắt buộc người dân đóng góp như vậy là trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tùy theo tính chất mức độ, các cán bộ có liên quan có thể bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, Công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại nghiêm trọng.
Có một điều đáng nói. Người dân khi không đóp góp bị kêu tên tuyên truyền trên loa phát thanh. Đó có phải là hành vi xúc phạm quyền của người khác?
Đúng vậy. Làm như vậy là ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người khác. Ở đây, cán bộ là đối tượng vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính và buộc phải bồi thường, nếu có thiệt hại thực tế xảy ra. Ví dụ, thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng uy tín, thu nhập và thiệt hại tinh thần.
Như đã thông tin, mặc dù Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đã có văn bản yêu cầu không “cào bằng” đối tượng đóng góp nhưng chính quyền cơ sở vẫn không thực hiện. Theo ông, mức độ sai phạm là như thế nào?
Đây cũng là hình thức cố ý làm trái với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không tuân theo chỉ đạo của cấp trên.
Từ vụ việc này có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh nhà, gây mất niềm tin của nhân dân. Về phương diện hành chính, UBND là cấp trực tiếp thanh tra và xử lý theo quy định.
Chưa hết thưa ông, người dân có tố cáo chính quyền xã “móc ngoặc” với doanh nghiệp, đẩy giá làm đường. Nếu có bằng chứng thì theo luật xử lý thế nào?
Nếu có cơ sở, người dân cần làm đơn tố cáo kèm theo chứng cứ nếu có, gửi đến UBND cấp huyện để được thanh tra, làm rõ. Nếu kết quả thanh tra cho thấy, nội dung tố cáo của bà con là có cơ sở, huyện sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền.
Hành vi này có thể bị truy cứu về Tội Tham ô quy định tại điều 278 Bộ luật Hình sự.
Xin cảm ơn ông!
theo MTG