Từ năm 2007 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm địa phương tự đề ra các loại phí, áp đặt các khoản thu sai quy định cũng như từ chối cung cấp dịch vụ công dân đối với những người chưa nộp tiền. Tuy nhiên thực tế tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh lại không phải như vậy.
Loạn phí
Mấy ngày nay người dân thôn Trà Dương, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bàn tán xôn xao chuyện địa phương đưa ra nhiều khoản thu khiến người nông dân khốn đốn. Bà Nguyễn Thị Tỵ ở xóm Trà Dương, xã Quang Lộc là một trong những hộ nghèo khó của xã, tất cả các khoản tiền sinh hoạt chủ yếu dựa vào 4 sào ruộng, nhưng mỗi năm gia đình phải đóng hơn 2 triệu tiền phí các loại.
Bà Tỵ sụt sùi: “Chồng bị bệnh não, hai đứa con đang học đại học, gia đình rất khó khăn, vậy mà đợt này lại phải nộp 750.000 đồng cho xã, hơn 200.000 đồng cho hợp tác xã nông nghiệp, hơn 400.000 đồng cho xóm. Đến đợt hai, hết vụ hè thu xã không thu nhưng xóm và hợp tác xã lại đè vào khẩu và sào thu”.
Nhiều khoản thu được công khai dán lên tường hội quán thôn như xây dựng cơ bản mỗi khẩu 150.000 đồng, Quỹ An ninh quốc phòng 40.000 đồng/hộ, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 15.000 đồng/lao động, Quỹ Chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em 5.500 đồng/lao động, Quỹ Thiên tai 5.500 đồng/lao động, Quỹ Khuyến học 5.500 đồng/khẩu, Quỹ Tiêm phòng ngoài thu 25.000 đồng/con đối với trâu bò, 10.000 đồng/con lợn xã còn thu 17.000 đồng/hộ và Quỹ Hỗ trợ phụ cấp cán bộ đoàn thể xã, xóm ngoài thu đầu khẩu 15.000 đồng/sào còn thu 15.000 đồng/khẩu.
Mặc dù biết những khoản thu vô lý nhưng ai cũng còng lưng đóng nộp nếu không khi đi làm giấy tờ sẽ bị gây khó. Bí thư Đảng ủy xã Quang Lộc - ông Ngô Đức Chương lý giải: Ngoài các quỹ thu đúng chủ trương của Nhà nước thì địa phương có đề ra một số quỹ đã được thông qua hội đồng nhân dân. Còn những khoản thu của xóm hay các HTX đều được họp, bàn bạc, lấy ý kiến của dân.
Không chỉ ở xã Quang Lộc, tại xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) người già còn phải è cổ đóng phí làm đường giao thông. Vợ chồng ông Trần Đình Tâm (73 tuổi) và bà Nguyễn Thị Cháu (74 tuổi) ở thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng đang đau đầu khoản phí 3 triệu đồng nộp cho thôn làm đường giao thông (số tiền trên được chia 3 lần nộp trong 3 năm).
Giảm tối đa nguồn thu của người dân
Ông Võ Hữu Hào - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, trước vấn đề này huyện đã làm việc với địa phương yêu cầu thu đúng khuôn khổ; giao cho phòng tài chính huyện soát xét lại những gì tồn tại, không để tình trạng lạm thu. Những tồn tại phải bỏ ngay.
Đối với những khoản phí trời ơi như phí nuôi vịt được báo chí phản ánh sẽ giao cho tài chính kiểm tra. Ai sai sẽ xử. Ngoài ra, huyện cũng đã giao cho các phòng ban kiểm tra xem có gì vướng mắc không để tháo gỡ. Ông Hào cũng nói thêm, tình trạng chung của cả nước hiện nay là phí phụ cấp cho cán bộ thôn, xóm quá thấp. Đối với huyện Can Lộc đã chấn chính 2-3 năm nay.
Trước thông tin cho rằng một số xã xây dựng nông thôn mới (NTM) phải tăng các khoản thu, trả lời về vấn đề này ông Trần Huy Oánh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết:
Xây dựng NTM là giảm thu tối đa của người dân và khi người dân không có năng lực thì không được ép dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng. Quan điểm chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh Hà Tĩnh là không ép xã nào về đích nông thôn mới mà tự các xã đăng ký, nếu thời gian 1 năm chưa được thì lên 2-3 năm sau. Nếu xã nào chưa đủ lực thì phải tập trung xây dựng mạnh về phát triển sản xuất tăng nguồn thu cho dân, lúc đó mới có cơ sở xây dựng NTM bền vững. Còn một số địa phương xảy ra tình trạng lạm thu không phải vì mục tiêu xây dựng NTM.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn