Theo danh sách do Trung tâm LĐ ngoài nước cung cấp, tổng số LĐ bất hợp pháp của Hà Tĩnh trong 2 năm 2011 và 2012 là 668 người, đẩy tỷ lệ LĐ cư trú bất hợp pháp của Hà Tĩnh lên tới 60%. Đây cũng là nguyên nhân khiến Hà Tĩnh có 3/23 xã phường của cả nước bị nằm trong danh sách đen “cấm cửa” XKLĐ sang Hàn Quốc. Cùng về Cương Gián, điểm sáng về XKLĐ, đồng thời cũng là điểm nóng nhất về tình trạng cư trú bất hợp pháp của huyện Nghi Xuân cũng như cả nước.
Nỗi buồn người ở lại
Xã giàu nhất nước; làng Hàn Quốc; làng triệu phú; xã tiêu ngoại tệ; mảnh đất của những tỷ phú... Đó là “lý lịch trích ngang” đầy ấn tượng khi người ta nói về Cương Gián, xã dẫn đầu cho phong trào XKLĐ suốt nhiều năm qua. Cũng chẳng phải mường tượng nhiều, chỉ cần lia tầm mắt, cái sự giầu có của xã sống chủ yếu nhờ nguồn ngoại hối cũng đã rờ rỡ. Nào những ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự ngày càng ken dày, những chiếc xe máy đời mới lượn khắp xóm thôn... khung cảnh đó tạo nên cái sự viên mãn, giàu có của một làng quê, nhưng phía sau nó lại ẩn chứa biết bao tâm sự.
Những ngày qua, ít có đêm nào bà Hồ Thị Hòa ở thôn Song Hồng có được giấc ngủ ngon. Đứa cháu nội mới được 2 tháng tuổi bị dứt hơi mẹ quấy khóc nhiều hơn. Cách đây đúng 10 ngày, chứng kiến cảnh cô con dâu Hoàng Thị Trang Nhung bị rịn ôm ấp con gái vừa tròn 2 tháng tuổi lần cuối trước lúc chia tay để quay trở lại Hàn Quốc làm việc, bà và những thành viên trong gia đình không giấu nổi tiếng nấc nghẹn. Hôm nay, ngồi ôm con trẻ trên tay, rạng rỡ nụ cười nhưng lòng bà lại đau đến quặn thắt. “Hôm mẹ nó ra đi thương khiếp, khóc hết nước mắt. Bé hôm nay mới được 2 tháng 10 ngày. Thôi thì cũng vất vả nhưng vì tương lai của con cái phải hy sinh. Ông bà cam chịu hết chỉ mong sao con lại được quay trở lại Hàn Quốc làm việc là được”.
Bà Hồ Thị Hòa: Tròn 2 tháng là mẹ đi rồi, thương lắm |
Gia đình có được ngôi nhà khang trang, những vật dụng hiện đại, đắt tiền cũng là nhờ cả vào 2 cậu con trai và cô con dâu đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Vì vậy, dẫu tuổi đã cao song điều bà mong mỏi lúc này không phải là cô con dâu chóng về nước đỡ đần gánh nặng cho bà mà là các con có thêm cơ hội được làm việc ở xứ sở Kim Chi.
Ở thôn Song Hồng, nhà nào ít thì 2 người, nhà nào nhiều cũng có tới 3-5 người đi XKLĐ tại xứ Hàn nên những ngôi nhà bề thế như nhà bà Hòa, thậm chí hoành tráng hơn nhiều lăm lắm. Ngôi nhà 2 tầng đẹp đẽ của chị Lê Thị Trâm vừa được đại tu, khoác lên mình chiếc áo mới để đón Tết. Nguyên tiền chỉnh trang cũng đã mất vài trăm triệu. Nhà cửa thì thênh thang, đồ đạc thì hiện đại nhưng khuất sau nét cười tưởng như viên mãn của chị Lê Thị Trâm lại là những khoảng trống, những nỗi buồn khó đong đếm. Hơn 10 năm qua, anh Trần Văn Hương đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Họ chấp nhận cảnh ly tán cũng chỉ mong cuộc sống đỡ nghèo, đỡ khổ hơn “Anh đi năm 2001, chi phí hết 60 triệu, cũng phải vay mượn nhiều. Nói chung thu nhập không ổn định. Đi 12 năm nay mà chưa về lần nào, cũng là sự hy sinh cho gia đình, vợ con. Biết là cư trú bất hợp pháp nhưng về xã thì không có nghề chi mà đủ sống được”- Chị Trâm nói.
Chồng, con đi XKLĐ HQ, căn nhà trở nên quá rộng đối với chị Lê Thị Trâm |
Hơn 10 năm, một quãng đời đã trôi qua, những khi nhớ chồng chị cũng chỉ biết ngước nhìn khung ảnh treo trang trọng nơi phòng khách. Năm nay là cái Tết thứ 13 anh xa quê. Và năm nào cũng vậy, những ngày này, chị lại ngong ngóng sự trở về của anh “Nhắn chồng tiền của ăn cũng hết mong anh về. Ước chi năm nay Tết anh về để sum họp gđ, vợ chồng sớm tối có nhau thì vui biết mấy”.
Ở Cương Gián, không hiếm những người có thâm niên cư trú bất hợp pháp như chồng chị Trâm, thậm chí có những người đi tới nay đã gần 20 năm mà vẫn chưa một lần trở về. Với hơn 1.200 LĐ hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, phần lớn trong số đó là những LĐ thâm niên hết hạn không chịu về. Căn bệnh này đang phát tác mạnh mẽ khi Cương Gián thực hiện chương trình EPS. Hoang mang, sốc- đó là tâm trạng của người dân cũng như chính quyền Cương Gián khi một năm rưỡi trước họ tiếp nhận “hung tin” không được tham gia chương trình EPS. Thời điểm đó, số LĐ cư trú bất hợp pháp theo chương trình EPS cũng chưa nhiều, nhưng vụ việc LĐ Cương Gián cùng với 1 số địa phương khác bỏ trốn tại sân bay đã khiến giọt nước tràn ly, cánh cửa EPS chính thức khép lại với người dân Cương Gián. Một năm rưỡi qua đã có nhiều bận cơ quan quản lý từ trung ương về đây tổ chức hội thảo, tuyên truyền, vận động, rồi chính quyền cũng đưa ra nhiều giải pháp nhưng xem ra chẳng mấy ăn thua. Theo quy định, xã nào có 5 LĐ cư trú bất hợp pháp trở lên sẽ bị cấm, thế nhưng đến thời điểm này, con số mà ông Hoàng Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã đưa ra khiến tôi không khỏi bất ngờ: Cả xã có hơn 110 người đi theo chương trình EPS, nhưng riêng trong năm 2012 đã có tới 47 em hết hợp đồng nhưng không chịu về, và hơn 40 con em khác sẽ hết hạn vào tháng 6/2013...
Băn khoăn chuyện đi -về
Những ngày này, câu chuyện chống trốn, cư trú bất hợp pháp lại được xới xáo. Đồng thời với chỉ thị số 04/ CT-UBND về Tăng cường biện pháp chỉ đạo thực hiện Chương trình hợp tác LĐ VN-HQ và vận động LĐ hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn còn tươi nét mực, ký ngày 07/01 thì 02 hội nghị qui mô về nội dung này cũng được triển khai ở 2 điểm nóng là huyện Nghi Xuân và xã Cương Gián với đầy đủ thành phần từ lãnh đạo trung ương, địa phương cho đến đại diện Hàn Quốc.
Ký cam kết giữa chính quyền và người nhà LĐ trong việc vận động con em trở về |
Hơn 8h nhưng hội nghị vẫn thưa thớt người đến tham dự. Trong tổng số gần 100 hộ cần phải vận động, tuyên truyền, chỉ có hơn 20 hộ tham gia, không ít người đến rồi lại bỏ về. Cầm trên tay bản cam kết giữa chính quyền địa phương và gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc mà ông Nguyên Xuân Hòa, ngụ tại thôn Nam Mới bồn chồn không yên. “Cháu nó hết hạn, cũng muốn về nhưng về lại sợ không đi được, vả lại ông chủ bên đấy cũng nhận nên cháu quyết định ở lại. Biết là bất hợp pháp rất là khổ cực, bản thân tôi cũng rất lo lắng nhưng cháu bảo cứ được ngày nào hay ngày đó...
Sự hoang mang đong đầy trong đôi mắt người cha già khi nghe và hiểu những khó khăn, những rủ ro khi là người cư trú bất hợp pháp ở nước bạn là có thật. Tuy nhiên, khi tôi hỏi ông có ý định ký vào bản cam kết thì ông cương quyết: Tôi không ký vì “Cháu nó lớn rồi thì tự lo, tự quyết định cuộc sống của mình. Với lại mình ký cũng sợ địa phương gây rắc rối sau này. Hơn nữa, chừ thanh niên ở quê khi đi XKLĐ về không có việc chi làm. Các cháu đi XKLĐ về toàn rượu chè, cờ bạc, tện nạn, rất phức tạp... Thanh niên xã ni toàn ăn chơi...”.
Trở về nước gần 1 năm nay nhưng cậu thanh niên có vóc người vạm vỡ Hoàng Văn Thảo, ngụ tại thôn Đông Tây cũng trong cảnh thất nghiệp dài dài. Một phần Thảo cũng ngóng chờ được đi trở lại, mặt khác, cũng chẳng mấy tha thiết tìm kiếm việc làm mới, trong khi đó những cạm bẫy, những cuộc chơi vô bổ luôn có sức hấp dẫn chết người.
Là những người tường tận về hiệu quả của XKLĐ nhưng lãnh đạo chính quyền xã Cương Gián cũng cảm nhận một cách đầy đủ nhất về những hệ lụy của câu chuyện XKLĐ. Ông Hoàng Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã lo lắng “Sau khi có quyết định không tiếp nhận con em Cương Gián chúng tôi rất buồn. Cũng vì con em mình phá hợp đồng, trốn nhiều mà người ta dừng chương trình. Với xã chúng tôi thực sự là bị tác động rất mạnh. Nguồn ngoại tệ sụt giảm nhiều nhưng điều đáng lo là vấn đề an sinh cũng như tình hình an ninh trật tự cũng có nhiều phức tạp”.
Ông Hoàng Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián |
Thời gian qua chính quyền cũng đã vận dụng nhiều hình thức để kêu gọi con em về nước. Thậm chí xã cũng đã thử áp dụng đưa chế tài xử phạt những gia đình có người cư trú bất hợp pháp nhưng bị sự phản đối quyết liệt của nhân dân nên đành thôi.
Tại hội nghị bàn về nội dung vận động con em về nước đúng hạn vừa được tổ chức, dù những thắc mắc, những băn khoăn của cán bộ cũng như người dân được cơ quan quản lý giải đáp sáng tỏ; chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng cam kết mạnh mẽ để thực hiện có hiệu quả chương trình song những cán bộ thôn như ông Nguyễn Ngọc Cư, thôn trưởng thôn Bắc Mới vẫn còn không ít băng khoăn. “Chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hết sức nhưng quả thực là không đơn giản đâu. Nhiều cháu để đi được đã tốn khá nhiều tiền, mà toàn tiền vay mượn, sang làm vài năm chưa chắc đã đủ trả nợ nên các cháu có tâm lý là ở lại làm việc để hoàn nợ. Nhiều gia đình, khi đi vận động họ cũng không hợp tác nhưng cũng có những nhà họ chỉ mong phía Hàn Quốc truy quét để đưa con họ trở về”.
“Quýt làm cam chịu”
Hiện Cương Gián đã có 15 LĐ thuộc diện LĐ về nước đúng hạn và LĐ mẫu mực đã được tái xuất cảnh sang Hàn Quốc thế nhưng cũng còn tới hàng trăm bộ hồ sơ của người LĐ đang bị “treo” trên mạng mà không có ngày hẹn mở lại. Chính cái cảnh “cam làm quýt chịu” “Kẻ ăn ốc người đổ vỏ” ấy đã gây bức xúc cho những người dân. Đang bon bon, nhác thấy tôi, chị Lê Thị Lan ở thôn Nam Sơn cuống cuồng phanh chiếc xe đạp cà tàng “Cô ơi năm nay dân Cương Gián có được đi lại Hàn Quốc không? Gia đình chị chưa ai đi được cả. Người cũ ăn nhiều rồi bắt tội người mới mất hàng trăm người mà ko đi được. Chị chỉ có yêu cầu những người hết hợp đồng về để những người mới như con chị được đi. Chị chạy mất hàng trăn triệu mà nó vẫn không đi được. Họ toàn lừa dối”.
Mục tiêu hạ nhanh tỷ lệ LĐ cư trú bất hợp pháp đã được phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng thôn xóm, đưa vào quy ước, hương ước để bình xét thi đua. Thế nhưng thực hiện được hay không hay nỗi lo đội quân cư trú bất hợp pháp lại được bổ sung khi có gần 50 LĐ nữa đang sát nút đáo hạn khiến điểm nóng càng thêm nóng hơn bao giờ...
Không được tham gia chương trình EPS, thời gian qua, ở các thôn làng, người ta rỉ tai nhau, lo chạy chọt cho con em mình đi theo chương trình này, kênh nọ và ẩn chứa nhiều rủi ro./.
Theo vov.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn