Khốn khổ vì sứa bốc mùi hôi thối
Tại Hà Tĩnh, có hơn 844 tấn sứa tích trữ trong nhà dân đã quá hạn sử dụng, chuyển màu, bốc mùi hôi thối nhưng không thể đưa ra ngoài để tiêu hủy.
70 tấn sứa gia đình anh Huy đã chuyển màu, bốc mùi hôi thối |
Số lượng sứa này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), tập trung nhiều nhất ở 2 xã Thạch Kim, Thạch Bằng (Lộc Hà). Tại đây, mỗi gia đình sở hữu hàng chục tấn sứa, nhưng do không bán được nên đều bị bốc mùi, hôi thối, gây ảnh hưởng môi trường, đời sống cư dân.
Hàng chục hộ dân sống xung quanh các cơ sở chế biến, kinh doanh sứa đang mỗi ngày phải ngửi mùi hôi thối bốc ra từ sứa. Để giảm thiểu mùi hôi, các hộ kinh doanh sứa phải bưng bịt kín để mùi không bay ra ngoài môi trường.
Theo anh Lê Viết Huy, Chủ cơ sở chế biến thủy hải sản Huy Lộc (Thạch Bằng, Lộc Hà) nói: “Vào tháng 4/2016, tôi có 70 tấn sứa (khoảng 3 tỷ đồng) chuẩn bị xuất đi miền Nam, đơn hàng đã ký nhưng do sự cố môi trường nên khách trả lại. Kể từ đó đến nay đã hơn 1 năm, số lượng sứa vẫn đang nằm tại chỗ, không thể xuất bán được”.
“Điều tai hại, sứa bốc mùi hôi thối nồng nặc, tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hàng xóm xung quanh. Dân phản ánh, đề nghị tiêu hủy nhưng gia đình không có cách nào. Kiến nghị với huyện, tỉnh, thậm chí ra tận Trung ương nhưng đến nay vẫn chưa có phương án tiêu hủy hoặc bồi thường” – anh Huy nói.
Hàng trăm tấn sứa hư hỏng đang cần được tiêu hủy sớm |
Cùng cảnh với anh Huy, ông Trần Xuân Anh, Võ Tá Mỹ (trú tại 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng, huyện Lộc Hà), đại diện cho 47 cơ sở thu mua, tạm trữ hàng thủy hải sản thuộc 2 huyện Thạch Hà và Lộc Hà của Hà Tĩnh ra tận Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị cho tiêu hủy và hỗ trợ các sản phẩm sứa đã quá hạn sử dụng, không thể tiêu thụ được. Ban Tiếp công dân Trung ương đã chuyển đơn của ông Nguyễn Hải Hà cùng một số công dân đến UBND tỉnh Hà Tĩnh để xem xét, giải quyết nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Theo ý kiến của anh Huy, trước khi được Nhà nước hỗ trợ chính sách bồi thường thiệt hại về sứa thì khẩn cầu lớn nhất lúc này là phải tiêu hủy sớm số sứa đã hỏng, tránh gây ô nhiêm môi trường.
Do chưa có giá?
Vợ chồng anh Huy đang trình bày về 70 tấn sứa đã bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe, hàng xóm đề nghị chính quyền cho tiêu hủy sớm |
Theo quy định, sứa không thuộc nhóm đối tượng kê khai, hỗ trợ, đền bù sự cố môi trường theo quyết định số 1880/QĐ-TTg. Tuy nhiên, Hà Tĩnh đề xuất Chính phủ được hỗ trợ thiệt hại về sứa.
Yêu cầu của Chính phủ là tỉnh phải toàn tất bồi thường xong đợt 1, lúc đó mới thực hiện chính sách bồi thường đợt 2 cho nhóm đối tượng sứa, hải sản khô đông lạnh. Hà Tĩnh gần hoàn tất bồi thường đợt 1 với số tiền 997 tỷ/1.000 tỷ đồng.
Theo ông Phan Văn Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà: Trước yêu cầu bức thiết của dân là tiêu hủy sứa đã hỏng, huyện đã trình văn bản lên tỉnh. Nếu có thể, huyện sẽ lo phần chi phí về phương tiện, hố chôn còn các chủ kinh doanh lo nhân lực. Mọi việc xin ý kiến của tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Toàn bộ sứa đang tắc trong nhà dân, tỉnh đang họp để triển khai hướng giải quyết. Dân phản ánh nhiều, tỉnh đau đầu về việc này nhưng do chưa có chủ trương của Chính phủ nên chưa thể thực hiện”.
Ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh |
“Cái vướng lớn nhất chưa thể tiêu hủy sứa ở đây là về giá. Chưa thống nhất giá, mức hỗ trợ cho là bao nhiêu? Dân yêu cầu hỗ trợ 70% nhưng Chính phủ chưa có ý kiến. Khi giá chưa thống nhất thì không thể làm bước tiêu hủy.” – ông Nhân nói thêm.
Ông Nhân cũng cho biết, sứa là mặt hàng không đảm bảo VSATTP buộc phải tiêu hủy. Nếu lấy tiền ngân sách tỉnh thì sẽ dễ dàng nhưng đây là tiền từ bồi thường nên phải chờ quyết định từ Chính phủ.
“Nếu nói chờ giá mà không tiêu hủy sớm số sứa hỏng thì không đúng. Hiện, tỉnh đang họp để đưa ra phương án cuối cùng, tìm cách tiêu hủy toàn bộ số sứa đang tồn kho” – ông Nhân nói.