Nghê, chùa Xối Thượng, tỉnh Nam Định, thế kỷ XVII-XVIII |
Góc độ văn hóa
Đứng ngay trong phòng trưng bày, giữa 60 mẫu sư tử, nghê Việt Nam được tuyển chọn từ kho lưu trữ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Nam Định, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế nhận được rất nhiều câu hỏi thế nào là linh vật thuần Việt. Theo ông Trần Hậu Yên Thế, linh vật ngoại lai ở một số đình, chùa của Việt Nam hầu hết là sư tử của Trung Quốc với chức năng môn thú (thú canh cổng). Sư tử Trung Quốc có chức năng canh giữ nên được tạo dáng dữ dằn, dọa nạt. Trong khi đó, các con nghê, sư tử của Việt Nam qua các triều đại đều được tạo dáng hiền hòa, hiếu khách, đồng thời được đặt phía sau cổng nhà.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, mỗi triều đại Việt Nam đều để lại dấu ấn về mỹ thuật riêng biệt, điều đó được thể hiện trong các họa tiết, tạo hình các con nghê, sư tử ở sau cổng nhà, cổng chùa. Nếu là thời Lý thì các họa tiết xung quanh nghê, sư tử đều uốn lượn, mềm mại, các đoạn lượn sóng đều đặn, thời Lê thì các họa tiết mây quanh linh thú có chiều hướng thẳng như lưỡi mác để thể hiện ý chí quật cường, vươn lên của dân tộc.
Để rạch ròi từng thời kỳ lịch sử, nghê Việt Nam khác với nghê Trung Quốc thì mất rất nhiều công sức. Điểm phân biệt lớn nhất giữa linh vật Việt Nam và linh vật ngoại lai chính ở góc độ văn hóa. Người Trung Quốc có văn hóa cầu danh, sư tử mang ý nghĩa bố làm quan thì con cũng tiếp bước làm quan, vì thế, họ đặt sư tử trước cửa nhà để cầu đường công danh. Nhưng người Việt Nam, những cư dân lúa nước chỉ cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Vì thế, sư tử hay nghê chỉ đặt sau cổng nhà với gương mặt ngộ nghĩnh, đáng yêu, hiền hòa.
“Sáng kiến” tạo linh vật thời nay
Ngay tại buổi khai mạc triển lãm, bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng thừa nhận, tuy Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có công văn hướng dẫn để phân biệt giữa linh vật Việt Nam và linh vật ngoại lai nhưng rất nhiều cán bộ văn hóa vẫn cảm thấy “rối”. Bà Đoàn Thị Thu Hương cũng cho biết, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ xuất bản sách cẩm nang, chỉ dẫn các cán bộ và người dân cụ thể hơn về việc phân biệt linh vật ngoại lai tại các nơi thờ cúng. Từ nay đến cuối năm 2014, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ phối hợp cùng Cục Di sản tổng kiểm kê, đưa linh vật và đồ thờ cúng ngoại lai ra khỏi các đình, chùa. Với câu hỏi: khi đã di dời các linh vật ngoại có cần thiết phải thay thế bằng nghê, sư tử Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo đã chia sẻ: “Tùy vào thời điểm lịch sử của chùa, đình xây dựng mà sau khi linh vật ngoại lai bị di dời, BQL của di tích sẽ sử dụng nghê, sư tử Việt Nam của thời kỳ đó”.
Thế nhưng, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lại nghĩ khác: “Triển lãm mở ra không nhằm mục đích khuyến cáo các đình, chùa rập khuôn, chép theo nguyên bản. Những mẫu vật được trưng bày là vốn cổ của dân tộc, nếu cứ chép theo thì sẽ hủy diệt sự sáng tạo. Chỉ cần nắm được tinh thần cốt lõi của nghê, sư tử Việt Nam, các họa sỹ sẽ tạo ra linh vật của thời nay”. Vậy là, chỉ trong một triển lãm nhỏ, việc bổ sung hiện vật cho di tích tín ngưỡng khi linh vật ngoại lai bị di dời cũng đã có những ý kiến “vênh” nhau. Dù còn nhiều điều để bàn, song triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam” lần này đã phần nào lấp được khoảng trống về văn hóa truyền thống mà bấy lâu nay, các nhà quản lý đã “quên”. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17-11.
Cục phó Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Đoàn Thị Thu Hương: Sẽ có một cuộc thi sáng tác về nghê, sư tử Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đang hướng tới một cuộc thi sáng tác về mẫu linh vật trong đình, chùa. “Khi việc này đưa ra, mọi người đều nghĩ rất nghiêm trọng và cao xa nhưng đấy là lĩnh vực rất thực tế trong đời sống và các họa sỹ cần hướng tới”. |
theo Baobaovephapluat.vn/(Theo ANTĐ)