Dân tộc Chứt hay còn gọi là người Mã Liềng ở bản Rào Tre được tìm thấy từ trong rừng sâu vào những năm 1959. Trước đó, họ sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, vẫn sinh sống như thời nguyên thủy, sống du canh du cư và bằng săn bắt, hái lượm. Đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chứt chỉ độc nhất ở mỗi ống nứa với một sợi dây cước mang tên là đàn Trbon (Chơ – ra – bon). Để làm chiếc đàn này, người Chứt dùng một thanh nứa mỏng, dẹt kéo qua kéo lại trên sợi dây cước phát ra âm thanh. Cho đến tận bây giờ, khi đã có sự hỗ trợ rất nhiều của Nhà nước, đời sống của dân tộc Chứt được đánh giá là có phát triển hơn nhưng thực tế họ vẫn quanh quẩn làm không đủ ăn, chủ yếu dựa vào viện trợ.
Ở Rào Tre, mọi việc trong cuộc sống đều diễn ra rất đơn giản. Như chuyện cưới hỏi. Người con trai thích một cô gái nào đó chỉ việc lên rừng kiếm lấy bó củi rồi đặt trước cửa nhà cô gái đó, nếu nhà gái lấy bó củi thì tối hôm đó chàng trai dắt cô gái về nhà...là thành vợ chồng. Ma chay cũng bình thường như việc họ "ăn cơm uống nước”, không có mồ mả, không ngày giỗ tổ tiên, trong nhà cũng không có bàn thờ gia tiên. Một năm người Chứt có 2 ngày lễ lớn đó là "Tết Lấp Lỗ” vào ngày 7-7 để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng phát triển và ngày tết " Chăm Cha Bới” (mừng lúa mới) vào khoảng tháng 10 – 11.
Bước chân đến bản, nhà đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là trưởng bản Hồ Kính. Tuy nhiên trong cuộc trò chuyện có nhiều câu hỏi mà ngay cả ông trưởng bản cũng trả lời là… "không biết”. Rời nhà trưởng bản chúng tôi tìm đến nhà một người dân khác, ông Hồ Lành. Ngay cả bản thân ông cũng không nhớ là mình bao nhiêu tuổi. Nhà có tới 6 đứa con, có một đứa con út đang đi học nhưng học lớp mấy thì…ông Hồ Lành cũng không biết và cũng không nhớ lấy vợ từ bao giờ. Hỏi vợ ông Lành bao nhiêu tuổi thì người đàn bà có gương mặt hiền khô chỉ biết cười cười nói, "không nhớ tuổi đâu!”.
Muôn vàn khó khăn
Đến thời điểm hiện tại bản Rào Tre có 31 hộ dân với 132 nhân khẩu, bản có 1,8 ha đất nông nghiệp, 1,2 ha đất hoa màu, 2,2 ha đất rừng sản xuất. Bản có 4 đảng viên, 1 đại biểu HĐND xã và 1 đại biểu HĐND huyện. Về kinh tế, điều nhìn thấy được nhất là cả bản có 6 xe máy và khoảng 15 hộ có tivi. Tất cả trẻ em đến tuổi đều được đi học. Trong đó có 2 em là Hồ Thị Xuân và Hồ Viết Kham được nhạc sỹ An Thuyên "đặc cách” đưa ra học tại trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật quân đội.
Thiếu tá Dương Thanh Tịnh - tổ công tác bản Rào Tre thuộc đồn biên phòng 575 cho biết, do trình độ dân trí thấp nên dù đã được Đảng và nhà nước quan tâm, nhưng việc giúp người Chứt phát triển vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo thiếu tá Tịnh, trước đây do sống bằng săn bắt và phải đương đầu với thú dữ nên họ có thói quen thức đêm ngủ ngày. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí thấp nên họ rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng. "Mọi giấy tờ bộ đội biên phòng đều phải tự làm rồi cất giữ cho họ, như làm sổ hộ khẩu cũng phải nhìn mặt rồi đoán tuổi. Nhà nước cấp gạo thì bộ đội biên phòng cũng phải giữ lại rồi đến tuần đem ra chia vì họ không biết cất giữ và có thể đem mọi thứ đi đổi ..rượu”, Thiếu tá Dương Thanh Tịnh chia sẻ.
Nan giải hôn nhân cận huyết
Hôn nhân cận huyết đang là một trong những vấn đề "đau đầu” nhất của chính quyền địa phương. Người trong bản dù gần, dù xa cũng đều có huyết thống với nhau nên việc lập gia đình đối với thanh niên ở đây không thể tránh khỏi việc lấy người cùng dòng máu với mình, và có rất nhiều trường hợp lấy nhau mà cùng huyết thống không quá ba đời như trường hợp Hồ Bình lấy Hồ Bủng là cậu cháu với nhau. Bản cũng đã xuất hiện những đứa trẻ không bình thường - đó là hậu quả của hôn nhân cận huyết như cháu Hồ Thế Hải là con của Hồ Cương và Hồ Thành bị thiểu năng và bại liệt.
Tục lệ hôn phối cận huyết thống, cùng huyết thống của người dân tộc Chứt vẫn dai dẳng bao đời nay. Người dân nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm sức khoẻ, bệnh tật, suy thoái giống nòi… Dù biết hậu quả là rất lớn nhưng việc ngăn chặn hủ tục này vẫn đang đi vào... ngõ cụt.
Theo thiếu tá Dương Thanh Tịnh để ngăn chặn được hủ tục này chỉ có cách là thanh niên bản Rào Tre kết hôn với người ngoài bản. Dễ thực hiện nhất là tìm hiểu và làm quen với người Chứt ở Tuyên Hóa (Quảng Bình). Trong bản đã có một cặp đôi người Chứt Hà Tĩnh và người Chứt Quảng Bình nên duyên. Nhưng để tác thành nhiều hơn nữa những cuộc hôn nhân như thế này là điều rất khó. Khó về đường sá, phải đi bộ hết nửa ngày mới tới nơi. Nhưng có người đến được thì lại bị thanh niên làng ngăn cản do tâm lý "trai làng giữ gái làng”. Những điều đó càng khiến lớp thanh niên ở Rào Tre nản lòng, không dám đi nữa.
Và để giúp đỡ người Chứt thực sự hồi sinh nói như Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, cần lắm sự chung tay giúp đỡ và sâu sát hơn nữa của chính quyền và các đoàn thể...
Theo Daidoanket.vn