Tướng Giáp qua lời kể của con gái

Thứ sáu - 09/06/2017 23:13
“… Năm 1946 - khi được gặp lại Ba lần đầu, tôi đã nhất định không nói một lời nào, kể cả khi ông bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: “Có nhớ, có thương Ba không…”. Có lẽ, đó là tiền lệ cho kiểu “hiểu không lời” giữa hai cha con cho mãi về sau này” - Chị Hồng Anh, đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện về những góc đời thường của Đại tướng.

LTS: GS.TS Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời ngày 18/7/2009 vì bệnh tật. Với lòng yêu kính đặc biệt với nhà khoa học nữ này và để độc giả hiểu hơn về chị, chúng tôi xin đăng lại cuộc trò chuyện giữa  GS.TS Võ Hồng Anh với nhà báo Lương Bích Ngọc được thực hiện vào năm 2003.

Đại tướng và con gái Hồng Anh. Ảnh: Trọng Thanh

…Từ khi biết đọc, biết viết, tôi thuộc từng đoạn dài trong những lá thư Ba tôi gửi về, những lá thư bao giờ ngoài phong bì cũng có câu đề: “Hồng Anh, con gái Anh Văn…”, và tôi thích nhất bức ảnh Ba tôi mặc quần áo bộ đội, đội cái mũ Vệ Quốc đoàn có gắn sao phía trước mà người gửi về cho tôi…

....Khi Ba tôi chia tay hai mẹ con để sang Trung Quốc thì tôi còn quá bé, chưa biết gì. Người đầu tiên gợi lại hình ảnh người cha trong tôi là bà nội. Điều bà nói nhiều nhất về Ba với tôi là: Từ lúc Ba tôi còn bé cho đến lúc  đi hoạt đông Cách mạng, bà luôn tin những điều Ba tôi làm… Vì thế trong suốt thời gian xa cách, tôi đã luôn nghĩ về Ba với niềm tự hào thơ trẻ và tình cảm tin yêu gần gũi. Thế nhưng, năm 1946 - khi tôi được gặp lại Ba lần đầu  trong dịp Ba ghé thăm ông bà nội và tôi ở Đồng Hới (thị xã Quảng Bình) - trên đường đi kinh lý Nam Bộ - thì tôi lại ngậm thinh, nhất định không nói một lời nào, kể cả khi ông bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: “Có nhớ, có thương ba không?”.

Có lẽ, đó là tiền lệ cho kiểu “hiểu không lời” giữa hai cha con cho mãi về sau này…

- Và sau này, mỗi khi kể lại chuyện “ngày xưa” giữa hai cha con, ông cụ thường nhắc lại chuyện gì nhiều nhất?

- Có nhiều chuyện, trong đó có những chuyện liên quan đến việc “Hồng Anh không nói…”. Khi kể đến chuyện năm 1951, sau chiến thắng của ta ở Non Nước (Ninh Bình), ông đạp xe thẳng từ đấy về Thanh Chương (Nghệ An) thăm hai bà cháu, Ba tôi lại nhớ lại: “Lúc đó, Ba có hỏi gì Hồng Anh cũng lặng thinh”. (Có lẽ ông ghi nhớ cái tính khí “đặc biệt” của con gái từ ngày ấy).

Cũng trong lần về thăm ngắn ngủi đó, Ba đã tranh thủ đèo tôi bằng xe đạp từ Thanh Chương lên Chợ Rạng, Đô Lương thăm cậu ruột của tôi. Trên đường, (tôi nhớ lúc đó trời đã tối) ông lại hỏi: “Con có nhớ ba không?” Tôi cũng không nói. Im lặng hồi lâu, Ba lại nói: “Chị Hà cũng thương con lắm” (Khi mới về làm vợ Ba tôi, cô Hà thường xưng với tôi bằng “chị” và tôi cũng gọi như vậy). Sau này, trong một lần đến thăm bác Trường Chinh, bác gái đã khuyên tôi: “Cháu nên gọi cô Hà là “cô”. Như thế hay hơn”).

- Chị từng nói rằng, dù không nhớ mặt mẹ nhưng hình ảnh mẹ trong chị ở trong  luôn rõ nét, sinh động và xác thực nhờ thông tin từ những người thân trong gia đình và các cô bác cùng hoạt động, bị tù cùng mẹ. Vậy Ba chị đã kể cho chị nghe về người mẹ quá cố của chị như thế nào?

- Vẫn kiểu kể không nhiều lời… Trước khi tôi sang Quế Lâm (Trung Quốc) học, Ba đã kể cho tôi nghe về Mẹ, về lòng vị tha, đức hi sinh, về tính cách vừa dịu dàng, vừa kiên nghị của Mẹ. Rồi Ba tặng tôi một cuốn sổ trong đó ghi những lời dặn dò tôi noi gương mẹ, lớn lên trả thù cho Mẹ. Cuốn sổ ấy, tôi giữ cho đến tận bây giờ. Mỗi khi tôi về nghỉ hè, ông thường lục lại những thư từ của Mẹ cho tôi xem. Nhiều nhất là những bức thư Ba Mẹ tôi gửi cho nhau (cả từ trước khi cưới nhau) và những bức thư mẹ tôi gửi cho ông bà nội, cho chú Nho (em ruột Ba tôi), cho bà ngoại và các cậu dì của tôi và cho tôi từ nhà tù Hoả lò.

Thư viết cho người lớn chữ lít nhít (vì bọn chúng chỉ phát cho mảnh giấy rất bé), viết cho tôi chữ to hơn. Trong thư, Mẹ tôi dặn bà và chú: “Làm sao cho Hồng Anh sau này lớn lên không biết khổ mà chỉ thương người khổ”. Ban đầu, tôi giữ lại tất cả những bức thư đó. Sau rồi, Ba tôi bảo: “Để ba giữ, kẻo Hồng Anh giữ rồi đọc nhiều lại buồn”. Tôi không còn nhớ mặt mẹ nhưng qua những tấm ảnh, những bức thư, qua lời kể của Ba tôi và những anh em, đồng chí của Mẹ, qua những câu chuyện  của họ hàng, láng giềng ở quê, và bao trùm lên tất cả là một sợi dây thiêng liêng vô hình nào đó, hình ảnh của Mẹ đã hiện lên trong tôi rõ nét và xác thực. Và  tôi đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng giữa Ba và Mẹ...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Quang Thái

- Chị có được Tướng Giáp kể về lần gặp gỡ đầu tiên với mẹ chị, kỷ niệm đã làm nên mối tình đầu thiêng liêng của ông?

- Đó là vào năm 1929, Ba tôi ra Vinh và Hà Nội để bàn với các đồng chí trong chi bộ ở đó tổ chức cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đi thoát li. Trong dịp này, Ba tôi đã được nghe đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái, cô em gái còn rất trẻ nhưng hoạt động hăng hái của chị Minh Khai. Nghe mà chưa gặp mặt.

Thế rồi, trong chuyến trở vào Huế Ba tôi đã gặp mẹ tôi trên tàu hoả. Mẹ tôi lúc ấy mặc áo dài, tóc để xoã, da trắng hồng, gương mặt rất sáng, đặc biệt là đôi mắt. Ấn tượng để lại trong cha tôi khá đậm nét. Còn cha tôi lúc ấy đóng vai một nhà báo khá ăn diện. Về sau mẹ tôi mới nói lại cho Ba ấn tượng đầu tiên của mình: một chàng thư sinh với vẻ “công tử bột”, chỉ khi nghe tự giới thiệu là nhà báo thì mẹ mới dịu lòng và bắt chuyện.

Hai người kết hôn khi mẹ tôi 20 tuổi, nhưng mãi đến gần chục năm sau Mẹ mới sinh tôi vì Ba mẹ “giữ” để được thoát ly hoạt động cùng nhau. Và mẹ đã bị bắt khi Ba tôi đang hoạt động ở Trung Quốc và tôi còn rất bé. Thời gian họ ở bên nhau không dài lắm nhưng bằng tất cả sự trải nghiệm và sự nhạy cảm của mình, tôi hiểu mối liên hệ giữa  Ba Mẹ là thiêng liêng và bền chặt.

- Và mãi về sau này, mẹ chị hẳn vẫn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của tướng Giáp?

- Đó là một vị trí thiêng liêng và độc nhất vô nhị. Còn về ý bạn muốn hỏi mà tôi đã hiểu thì thế này: trong toán học có những đại lượng gọi là không tương thích (nghĩa là không so sánh được), những người làm toán không bao giờ đem so sánh những đại lượng đó. Trong cuộc sống cũng như vậy. Điều đáng nói là, vong linh của  Mẹ được yên lòng về cuộc sống của Ba khi vắng bóng Bà. Tôi nghĩ là như vậy.

- Và tình cảm của Ba chị đối với chị cũng rất đặc biệt?

- Vâng, có lẽ thế. Mỗi người chúng ta đều cảm nhận nét riêng trong tình cảm cha mẹ dành cho mình theo góc độ khác nhau. Riêng tôi, tôi cảm nhận sự đặc biệt đó chủ yếu vẫn qua “một cái kênh không lời” và phần nào qua cư xử hàng ngày của Ba tôi, mà rõ nhất là sự đòi hỏi khắt khe.

- Nghe nói, ông yêu thương chị một cách đặc biệt cơ mà?


- Yêu thương không có nghĩa là cưng chiều.Tôi nhớ, hồi ở Việt Bắc, thỉnh thoảng, Ba tôi lại bảo bà nội: “Buổi chiều, Bà cho Hồng Anh tham gia với các chú bộ đội”. Tôi  lấy đôi ủng của Ba để đi ra ruộng rau (như mọi đứa trẻ, tôi thích thú vì đó là thứ của Ba và tôi lại rất sợ bị vắt bám), đôi ủng cao lút cả hai chân, tôi đi vẹo vọ, nhìn rất ngộ. Tôi mới học lớp ba, lớp bốn gì đó, Ba đã bắt đọc cuốn: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của bác Trường Chinh.

- Khi chị lấy chồng, tướng Giáp có “ý kiến” gì về sự lựa chọn của chị?

- Mới đầu, khi chúng tôi từ Liên Xô về nghỉ hè để “báo cáo”, ông cụ đã không đồng ý. Lý do không phải vì chê “người ấy” mà chỉ vì ông muốn tôi làm dâu một gia đình tham gia Cách mạng ngay từ đầu. Cũng có thể đó là quan niệm của thế hệ. Về sau, ông đã tôn trọng quyết định của tôi.

- Sinh ra trong một gia đình đặc biệt như vậy, chị có thấy khó khăn giữa đời thường không? Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cảm giác của chị thế nào khi nhiều người nhìn chị dưới góc độ chị là “con gái tướng Giáp”?

- Trong tôi niềm tự hào về cha không tách rời niềm tự hào về Tổ Quốc, và càng không bao giờ tách khỏi ý thức trách nhiệm. Tôi mong muốn sống xứng đáng với bố mẹ nhưng bằng sức lực tình cảm, trí tuệ của riêng mình. Người ta có quyền tự hào và kiêu hãnh về cha mẹ. Nếu vị trí của cha mẹ đem lại niềm cảm thông quý mến của những người xung quanh (kể cả cách nhìn nhận khắt khe và sự đòi hỏi cao do lòng quý mến) thì đó là cái “lộc” mà ta được hưởng. Nhưng người ta không có quyền núp dưới cái bóng của cha mẹ để đạt được những điều ngoài năng lực của mình...

- Bây giờ ông cụ còn đánh đàn piano không?

- Ba tôi đánh đàn là để giải toả tinh thần, thư giãn sau những giờ làm việc liên tục, nhưng khi chuyển xuống ở tầng dưới, ông ít đánh đàn vì cây đàn vẫn để ở tầng 2. Mấy năm gần đây, Ba tôi tập thiền và đi bộ nhiều hơn. Chúng tôi đang thu xếp chuyển cây đàn xuống tầng 1 để khi rỗi, ông có thể tiếp tục đánh đàn piano.

- Ông có hay nhận được thư từ của mọi người gửi đến? Ông thường xử lý thế nào trước những bức thư liên quan đến thế sự?

- Mọi việc liên quan (như có sự liên hệ đề nghị trả lời phỏng vấn, mời đi hội nghị, hội thảo, lời đề nghị được đến thăm Đại tướng…), ông đều giao cho Văn phòng xử lý theo đúng nguyên tắc hành chính. Đối với các vấn đề rất đa dạng của người dân, của cán bộ được trình bày trong nhiều bức thư gửi đến, ông xem xét và trả lời với sự tôn trọng, và giúp giải quyết trong phạm vi nguyên tắc cho phép.

Cả cuộc đời, Ba tôi là người của công việc, của sự nghiệp chung. Đến nay, ở tuổi 93, mặc dù tất cả con cháu trong gia đình luôn nhắc ông phải đặc biệt ưu tiên số 1 cho sức khoẻ, Ba vẫn không ngớt dõi theo thế sự của thế giới và đất nước, và có những ý kiến đóng góp theo đúng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước. Tôi nghĩ, đối với ông, tình cảm của nhân dân, của bạn bè, đồng chí, của người thân trong gia đình là phần thưởng quý giá nhất, là phương thuốc hữu hiệu cho sức khoẻ và tuổi thọ.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Hồng Anh, SN 1941, là con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Võ Hồng Anh thi đậu vào trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp - chị theo học khoa Vật lý (bộ môn Lý thuyết lượng tử) và đã tốt nghiệp đại học vào năm 1965.

Năm 1969, Võ Hồng Anh bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lý về lý thuyết Plasma, sau đó năm 1969-1971, được làm cộng tác viên khoa học tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna - một cơ sở khoa học quốc tế có uy tín của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1972, Võ Hồng Anh về nước được cử làm việc tại Viện Vật lý Hà Nội, ở đây, chị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề về lý thuyết chất rắn. Năm 1979, Võ Hồng Anh được trở lại công tác tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna và năm 1982 đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán- Lý.

Võ Hồng Anh là người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý Việt Nam được tặng giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1988.
  
Theo Lương Thị Bích Ngọc (Khám phá)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây