Tranh chấp "hùng quan" Hải Vân Quan: Cần đặt di sản lên trên hết

Thứ bảy - 03/06/2017 14:11
Chiều 24/5, hai tỉnh Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng đã long trọng đón nhận bằng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Hải Vân quan, nằm giữa vùng giáp ranh hai tỉnh, thành TT-Huế và Đà Nẵng. Nhiều người nói đùa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện, người Huế có khác, quan tâm hơn đến Hải Vân Quan, chứ Bộ trưởng người tỉnh khác, không cảm thấu nỗi đoạn trường của cô dâu "Thiên hạ đệ nhất...", e còn lâu...

Chiều 24/5/2017, tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia (Ảnh: Trần Lê lâm/TTXVN)


Nói thế cũng hơi quá nhưng kỳ thực, câu chuyện Hải Vân Quan, hay Thiên hạ đệ nhất hùng quan, đã đi vào huyền sử lẫn chính sử, mà đến nay mới được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, nghe cứ như đùa.

Trong hơn 20 năm qua, Hải Vân Quan trơ gan cùng tuế nguyệt, ngày càng hoang phế, điêu tàn trong sự bất lực của chính quyền hai địa phương là Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế, trong niềm đau xót của những ai yêu mến kỳ quan này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng di tích bị bỏ bê và không ai chịu trách nhiệm quản lý là bởi cụm kiến trúc Hải Vân quan nằm ở vùng giáp ranh địa phận bị tranh chấp dai dẳng giữa TT- Huế và Đà Nẵng hàng chục năm nay.

Nhìn từ góc độ địa lý, bia đánh dấu “Địa phận Thừa Thiên - Huế” và Đà Nẵng phân chia Hải Vân Quan thành hai phần. Trong đó, một phần nhỏ là bậc thang lên xuống di tích và cổng Hải Vân Quan nằm về phía Nam Đà Nẵng, và còn phần còn lại nằm ở địa phận Thừa Thiên - Huế. Cho nên, Hải Vân Quan chẳng khác gì cảnh “một vợ, hai chồng”.

Chính ông Thiện, thời còn làm Bí thư tỉnh ủy TT-Huế cũng... bất lực, không thể cứu vãn tình thế cho Hải Vân Quan, dù đã nhiều lần làm hồ sơ xin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, dù hàng năm chứng kiến sự xuống cấp của di sản này.

Trên thế giới không lạ gì cảnh tranh chấp di sản giữa hai quốc gia. Người viết nhớ đến đoạn kết thấm đẫm nhân văn trong việc ứng xử với di sản nhân loài, liên quan đến ngôi đền thiêng Prasat Preah Vihear, được xây dựng từ thế kỷ 19, thuộc tranh chấp của Campuchia và Thái Lan.

Năm 2007, Campuchia đề nghị công nhận Di sản văn hoá cho đền Preah Vihear nhưng đã bị UNESCO bác bỏ do còn tồn tại những bất đồng với Thái Lan và vì một phần Thái Lan bác bỏ và phản đối đề nghị này của Campuchia.

Tuy nhiên, một năm sau, Bộ Ngoại giao Thái Lan bất ngờ ủng hộ. Vào ngày 7 tháng 6 năm 2008, Ủy ban di sản thế giới họp tại Canada đã công nhận đền Preah Vihear là di sản thế giới. Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan bị trong nước cáo buộc là vi phạm pháp luật khi ủng hộ Campuchia đăng ký Đền Preah Vihear là di sản thế giới, và ông này đã phải từ chức.

Chính vì điều này mà quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan trở nên căng thẳng. Ngày 11 tháng 11 năm 2013, Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết rằng khu vực quanh ngôi đền cổ này thuộc về Campuchia và tuyên bố Thái Lan phải rút quân đội và cảnh sát khỏi Preah Vihear.

Vậy thì, tranh chấp ở các cấp địa phương chắc chắn không khó phân xử một khi chính quyền các bên thực sự đặt quyền lợi di sản lên trên hết. Và, nhận thức sâu sắc hơn nguy cơ di sản bị tàn phá nếu trì hoãn thời gian bảo tồn, trùng tu, cứ dền dứ điệp khúc địa giới quản lý.

"Đây là di tích thể hiện sự phối hợp, gắn kết của hai địa phương và có thể xem là biểu tượng của tình đoàn kết, nên cần tập trung để làm", ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng đã nói vậy trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo các cấp hai bên tại Hải Vân Quan gần đây.

Còn đây là lời ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở văn hóa TT-Huế: "Không thể phân biệt khu vực thuộc bên này, hay bên kia mà để buông lỏng quản lý. Chúng ta cần rút kinh nghiệm vì vừa qua có bài học Hoành Sơn quan giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, cả hai địa phương cùng công nhận di tích và cuối cùng cả hai bên đều thả tay, hoặc ở một số nơi khác."

Chiều 24/5/2017, tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia (Ảnh: Trần Lê lâm/TTXVN)

Chúc mừng số phận của Hải Vân Quan đã được định đoạt theo chiều hướng tích cực. Giờ đây, điều lo ngại tiếp theo là quy hoạch trùng tu, bảo tồn và phát triển Hải Vân Quan có thực sự có tầm nhìn, đánh thức được tiềm năng du lịch của Thiên hạ đệ nhất hùng quan, cách làm của Huế có vênh với cách làm Đà Nẵng? 

Thời gian qua, cũng đã có một số dự án du lịch liên quan nhưng đã bị "tuýt còi".

Bài học Sơn Trà vẫn còn nguyên giá trị, xin hãy nhớ cho, khi vị trí của Hải Vân Quan cũng vô cùng nhạy cảm. Câu chuyện Hải Vân Quan có lẽ rất bổ ích cho một số địa phương trong diện tranh chấp di sản./.
Theo Việt Nam +

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây