Một chiếc xe khách đăng ký biển Lào đang được chất đầy hàng hóa để chuyển sang biên giới |
Hàng trăm xe biển Lào “náo loạn” vận tải
Có mặt tại xã Diễn Tháp (Nghệ An), theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, các xe mang BKS Lào tập kết thành hàng dài đến hàng cây số để tập hợp các loại hàng hóa từ máy phát điện, bàn ghế, đồ dân dụng khác. Anh Lê Ngọc Hùng, người dân ở xã Diễn Tháp, cho biết: “Trước đây, dân Diễn Tháp chỉ đi sang Lào buôn bán, nhưng những năm gần đây khi đã có vốn liếng thì họ tự mua xe ô tô khách bên Lào về để vận chuyển hành khách, nhưng thực chất chủ yếu vẫn là vận chuyển hàng hóa sang bên kia buôn bán. Quy luật hoạt động của các xe này là đến lấy hàng vào ngày lẻ và xuất phát lúc đến nửa đêm hoặc rạng sáng ngày chẵn”.
Cũng theo anh Hùng, những xe biển số Lào này đều là do người Việt Nam thuê hoặc mua bên Lào. Do vậy, mọi thủ tục, giấy tờ đều làm ở Lào, đối với thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải ở Việt Nam như Giấy đăng ký kinh doanh, đăng ký bến bãi, luồng tuyến thì đều… không có.
"Từ chỗ có vài xe, đến nay đã lên 56 đầu phương tiện cho thấy loại hình vận tải này không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, các loại xe này chưa bao giờ vào bến do vậy không chỉ làm mất trật tự vận tải mà còn làm thất thu thuế của Nhà nước”. Ông Võ Xuân Thanh Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An |
Theo thống kê của Công ty CP Bến xe Nghệ An, số xe tham gia vận tải khách không vào bến trên địa bàn tỉnh có 113 xe, trong đó có đến 56 xe mang BKS của Lào chuyên đón khách đi các tỉnh của Lào như: Viêng Chăn, Pắc Xế, Tha Khec, Luông Prabăng. Trong đó, huyện Diễn Châu được coi là thủ phủ của xe Lào vì có đến 33 phương tiện thường trú tại xã Diễn Tháp; xã: Diễn Kỷ với 15 xe, còn lại nằm rải rác ở các xã Diễn Xuân, Diễn Thành, Diễn Hồng và thị trấn Diễn Châu...
Tương tự như Nghệ An, tại Hà Tĩnh, tình trạng xe dù “đội lốt” xe Lào cũng khá phổ biến. Thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 - 40 xe Lào chạy dù. Con số này cũng thường tăng gấp đôi vào dịp lễ, Tết, cuối năm. Tại các xã Thạch Châu, Thạch Kim (huyện Lộc Hà), xã Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn), Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên)…, bình quân cứ 3 xã thì 1 xã có xe Lào. Các xe này thường chọn các tuyến đường liên xã, liên huyện để trốn tránh lực lượng chức năng. Thậm chí, chủ xe còn dùng thủ đoạn làm giả các hợp đồng thuê xe du lịch, ngang nhiên chở khách, chở hàng từ Lào về Việt Nam và ngược lại.
Không giống như Nghệ An, Hà Tĩnh, tại Quảng Trị, xe biển Lào chủ yếu là xe tải. “Cả tỉnh chỉ có 5 xe khách biển số Lào đang chạy tuyến Đông Hà - Sava nakhet (Lào). 5 xe này đều chấp hành tốt quy định về vận tải khách. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên lại là xe tải biển Lào. Loại phương tiện này chỉ hoạt động vào mùa gỗ, hoặc khi có hợp đồng vận tải phía bên nước bạn Lào. Tuy nhiên, đa số phương tiện đều không làm thủ tục tại Sở GTVT” - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị Lê Thanh Hùng cho biết.
Thanh tra “bó tay”, CSGT kêu khó
Theo ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh, doanh nghiệp kinh doanh vận tải ngoài việc phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục giấy tờ theo quy định, còn phải đóng các phí như: Lệ phí ra vào bến, tiền in vé, trả hoa hồng bán vé, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho NSNN... Còn với xe Lào, ngoài phí đăng ký hoạt động ở bên Lào thì chủ xe không phải mất thêm bất cứ chi phí nào khác. Đây cũng là lợi thế để xe Lào cạnh tranh, hạ giá vận tải, hòng bóp chẹt các DN, HTX đang hoạt động trên tuyến.
Đồng quan điểm với ông Toản - Phó Tổng giám đốc CTCP Bến xe Nghệ An Võ Xuân Thanh tỏ ra bức xúc trước việc xe Lào không chấp hành các quy định của Nhà nước về vận tải. “Từ chỗ có vài xe, đến nay đã lên 56 đầu xe. Tuy nhiên, các loại xe này chưa bao giờ vào bến do vậy không chỉ làm mất trật tự vận tải mà còn làm thất thu thuế của Nhà nước” - ông Thanh chỉ rõ.
Liên quan đến hoạt động trái phép của những phương tiện mang BKS Lào này, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An khẳng định: “TTGT không thể làm gì được, bởi theo quy định của luật không cho phép TTGT kiểm tra xử lý với xe mang BKS nước ngoài, kể cả trường hợp xe không vào bến bãi, không đi đúng lộ trình…Việc kiểm tra, xử lý là của CSGT”.
Thừa nhận có tình trạng xe khách BKS Lào đang hoạt động như xe dù, tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Cao Minh Phượng - Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An lại kêu khó khi xử lý. “Phương tiện thường tập kết ở trong xóm, trong làng, căn giờ lực lượng CSGT không làm việc thì ra đường. CSGT cũng đã tổ chức tuần tra, xử lý nhưng không ăn thua. Riêng năm 2013, chúng tôi đã xử lý gần 100 vi phạm, phạt tiền 160 triệu đồng, nhưng do chế tài quá nhẹ nên không làm gì được” - Thượng tá Phượng khẳng định. Khi được hỏi tại sao các xe này không có lệnh xuất bến vẫn được thông quan, Thượng tá Phương cho biết, đó là do quy ước quốc tế. Xe khách của Lào được tạo điều kiện tối đa hoạt động trên đất Việt Nam.
Theo Tuấn Anh - Văn Thanh giao thông vận tải