Tôm gần thu hoạch chết hàng loạt, dân vớt cho heo ăn

Thứ tư - 02/05/2018 12:14
Nhiều hộ nuôi tôm tại Hà Tĩnh đang ngồi trên đống lửa vì tôm nuôi được ba tháng, gần đến kỳ thu hoạch thì chết hàng loạt. Thiệt hại mỗi hộ hàng trăm triệu đồng.

Ông Trương Văn Hoàng (48 tuổi), trú thôn Vĩnh Tiến (xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết gia đình anh nuôi 2 ha tôm đã sắp đến kỳ thu hoạch. Nhưng khoảng 2 tuần trước, tôm trong các hồ bắt đầu nổi lên mặt nước rồi chết lác đác, sau mấy ngày tôm chết trắng hồ. Để gỡ vốn, gia đình gọi thương lái bán tống bán tháo vì sợ tôm chết hết.

“Tôm gần thu hoạch thì lại lăn ra chết hàng loạt, vớt được 2 tấn tôm chết thì đã bốc mùi nên tôi đành để người dân trong xóm lấy về nấu cho heo ăn. Vụ này tôi thiệt hại hơn 300 triệu đồng”, anh Hoàng chua xót.

Nhiều hộ nuôi tôm ở xã Thạch Bàn như ngồi trên đống lửa vì tôm chết. Ảnh: Phạm Trường.

Xã Thạch Bàn có 16 hộ nuôi tôm trên hơn 7 ha nhưng gần 1/3 diện tích có tôm nhiễm bệnh chết. Hầu hết tôm chết đều 30 đến 80 ngày tuổi.

Cách đó không xa, 3 hồ tôm của gia đình ông Lê Đình Trung (45 tuổi), thôn Vĩnh Tiến, xã Thạch Bàn, cũng trở nên ảm đạm. Người con trai ông này cho biết vụ tôm năm nay gia đình tập trung nuôi 3 hồ, mỗi hồ thả khoảng 25 vạn tôm giống. Tôm nuôi được 3 tháng, gần đến kỳ thu hoạch thì lăn đùng ra chết. Số tôm sót lại thì không phát triển được, cứ cầm chừng.

“Bình thường  50-70 con tôm là được 1 kg, nay phải hơn 200 con mới đủ. Thương lái thấy vậy họ cũng ép giá, không biết lấy gì mà bù cho vốn đã bỏ ra”, ông Trung nói.

Mỗi năm các hộ nuôi tôm đầu tư nuôi 3 vụ, mỗi vụ 3 - 4 tháng. Trung bình chi phí cho việc cải tạo, thức ăn, phòng bệnh cho tôm ở mỗi hồ nuôi vào khoảng 200 triệu đồng. Nhưng vụ này tôm chết, không có thu hoạch, người dân không biết lấy đâu vốn bù lỗ và đầu tư cho vụ sau.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà, cho biết ngay khi nhận được thông tin đã cử cán bộ xuống lấy mẫu tôm và lấy mẫu nước gửi phân tích. Qua phân tích cho thấy nguyên nhân tôm chết là dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan cấp tính, là những bệnh rất khó phòng trừ, khi phát bệnh rất khó kiểm soát, dễ lây lan.

Tôm chết được người nuôi bán tháo gỡ vốn, hoặc mang về phơi cho lợn gà ăn. Ảnh: Phạm Trường.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hoàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, cho biết hiện tượng tôm chết trên địa bàn xảy ra từ giữa tháng 3 và bùng phát gần một tháng nay. Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 187 hộ nuôi tôm với hơn 221 hecta tôm chết với hơn 39 triệu con tập trung nhiều ở các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà.

Ngành chuyên môn nhận định tôm chết diện rộng là do thời tiết biến đổi bất thường khiến dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan cấp tính bùng phát.

Trao đổi với Zing.vn, ông Lưu Quang Cần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, cho hay do thời tiết biến đổi thất thường khiến tôm nhiễm bệnh, chậm lớn và chết hàng loạt gây ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng của người dân.

“Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn hướng dẫn người nuôi tôm các kỹ thuật chăm sóc và lịch thời vụ. Đồng thời, khuyến cáo họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát mầm bệnh để tránh các dịch bệnh xảy ra”, ông Cần nói.

Theo Phạm Trường Zing

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây