Giống lúa Thiên ưu 8 gây mất mùa: Xin đừng đổ lỗi lên đầu nông dân

Thứ tư - 02/05/2018 12:07
Hơn 20.000/58.000ha mất trắng, tụt giảm sản lượng từ 335.000 tấn xuống còn 215.000 tấn (tức thiệt hại 120.000 tấn) dẫn đến hơn 50 vạn người không có lương thực nuôi sống trên năm trời.

1/3 nông dân nguy cơ đói

Chúng tôi đến xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, nơi có 2/3 diện tích lúa mất trắng do gieo cấy giống lúa Thiên ưu 8. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đăng Thuần buồn bã tâm sự, sau khi có chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ giống lúa cho nông dân vùng lũ Phù Việt chúng tôi đã đề ra chủ trương phải minh bạch trong việc phân chia. Sau khi về các thôn họp dân đa số ưu tiên đối với những gia đình chính sách, hộ nghèo. Vì thế xã ưu tiên nguồn giống hỗ trợ (chủ yếu giống Thiên ưu cho các đối tượng này sản xuất nên khi mất mùa là mất tất cả, đã nghèo lại càng nghèo thêm.

Để chứng minh nỗi mất mát của nông dân, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đến một số hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề nhất, cảnh thương tâm nhất đó là gia đình chị Nguyễn Thị Khánh, thôn Bùi Xá, thuộc diện hộ nghèo của xã được 3 sào ruộng gieo cấy đều sử dụng một giống lúa Thiên ưu 8, đến vụ thu hoạch biết rằng mất mùa rồi nhưng chị Khánh vẫn cố bòn mót thuê máy gặt đập 3 sào lúa hết 200 nghìn đồng. Sau khi gặt đập xong chỉ được 3 bao tải nhỏ, hầu hết hạt bị lép. Thấy vậy chị Khánh ngồi xoài ra giữa đồng ruộng khóc lóc kêu van “lúa không có ăn lấy đâu ra mà trả 200 nghìn đây”. Lãnh đạo xã phải xuống trực tiếp đề nghị với chủ máy gặt giảm cho gia đình chị 90.000đ, nhưng gia đình xin khất nợ, mùa sau sẽ trả.

Chị Khánh là một trong rất nhiều trường hợp có nguy cơ thiếu đói do thực trạng mất mùa. Ngoài chị Khánh đại đa số gia đình nông dân Hà Tĩnh nhìn vào hạt lúa không chỉ để ăn mà còn bán thóc lấy tiền nuôi con ăn học, tiền đóng góp các khoản phí cho xã, mua sắm mọi phương tiện trong nhà. 1/3 dân số nông thôn trước mắt sẽ lao đao, chưa biết vứu vào đâu do nạn mất mùa từ giống Thiên ưu 8.

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo một đường, CB cấp dưới làm một nẻo

Sau sự cố mất mùa lãnh đạo tỉnh Hà Tỉnh từ Bí thư đến Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xuống đồng ruộng chia sẻ với nỗi mất mát của nông dân. Ông Đặng Quốc Khánh UVDK Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, do giống lúa Thiên ưu 8 gây mất mùa đối với nông dân trên toàn tỉnh nên ngành nông nghiệp tuyệt đối không tiếp tục cơ cấu giống lúa này để gieo cấy vào các vụ mùa tiếp theo, đồng thời ông giao cho ngành Nông nghiệp phải tổ chức kiểm kê, rà soát xác thực số diện tích bị mất trắng để có hướng xử lý. Thế nhưng chúng tôi xuống thực tế một số vùng bà con đang gieo cấy, cũng tại xã Phù Việt nông dân vẫn sử dụng giống lúa Thiên ưu 8 tiếp tục gieo trên đồng ruộng của mình.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đăng Thuần nói: “Do vụ hè thu buộc phải gieo cấy đúng lịch trình thời vụ kết thúc trước ngày 10/6 nên xã phải chủ động thực hiện theo phương án của Sở NN-PTNT trước đây, vẫn phải để cho nông dân gieo cấy giống Thiên ưu 8, có trong danh mục cơ cấu của tỉnh”.

Một nông dân ở xã Thạch Kênh chia sẻ, khi cán bộ tuyên truyền về giống lúa Thiên ưu 8 đặc biệt kháng bệnh đạo ôn nên nông dân chúng tôi cứ tin, bởi ngoài bao bì họ cũng ghi “Đặc biệt kháng bệnh đạo ôn” như thế, hơn nữa chúng tôi nghĩ đây là cơ quan giống cây trồng Trung ương chắc sẽ không lừa dân, ai ngờ!... Theo nông dân này, nhà anh gieo cấy 9 sào mất cả 9, sắp tới có nguy cơ thiếu gạo ăn, đặc biệt, thời điểm này đang sản xuất hè thu không có tiền mua giống, lúa để lại được bao nhiêu từ mùa trước chủ yếu là Thiên ưu 8 nên buộc phải đưa ra để gieo cấy. “Nếu trời thương thì được ăn, mà không lại mất trắng lần nữa. Cả nhà không biết lấy gì mà sống”, tiếng thở dài của nông dân này.

Tiếp xúc với ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, người được phân công phụ trách nông nghiệp sau nhiều câu hỏi chất vấn, ông Thanh lúng túng trả lời, nguyên nhân gây mất mùa tư giống Thiên ưu 8 giờ còn phải đợi ý kiến của Bộ NN-PTNT nên chưa thể trả lời với nhà báo về vấn đề này. Còn nói về khách quan, nguyên nhân chính là do thời tiết.

Chúng tôi hỏi: Nếu không phải do giống thì tại sao các giống lúa khác không nhiễm hoặc chỉ nhiễm đạo ôn nhẹ?, ông Thanh trả lời, do giống Thiên ưu 8 kháng kém với bệnh đạo ôn. Chúng tôi hỏi tiếp: Vì sao kháng bệnh đạo ôn kém mà trên bao bì nhà sản xuất lại đề “đặc biệt kháng bệnh đạo ôn”. Ông Thanh nói: Vấn đề này cũng cần phải xem lại khi nhà sản xuất đưa ra chỉ số kết luận nói trên đã chuẩn chưa. Vấn đề này con phải chờ ý kiến kết luận của Bộ Bộ NN-PTNT.

Liên quan đến việc một số địa phương vẫn để cho nông dân gieo cấy giống lúa Thiên ưu 8, ông Thanh cho hay, trước khi chưa bị sự cố mất mùa, sở đã đưa giống này vào cơ cấu sản xuất vụ Hè thu. Tuy nhiên, sau khi mất mùa, ngày 29/5, sở đã ký công văn số 950 gửi các địa phương trong đó có đoạn: “Trong điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, mặc dù giống Thiên ưu 8 đã được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh nhưng các địa phương cần xem xét đưa ra ngoài cơ cấu nhằm tránh khỏi những vấn đề rủi ro gây ra, nhất là ở cuối vụ thường có mưa ẩm kéo dài”.

Theo công văn ông Thanh giao các địa phương chỉ là xem xét chứ không kiên quyết như ông Đặng Quốc Khánh đã chỉ đạo, vì thế làm một cán bộ nông nghiệp vả lại là cán bộ cấp dưới trước hết phải nhìn vào sự thật do giống lúa Thiên ưu 8 gây nên một thảm cảnh nông dân mất trắng trên 12 vạn tấn lúa đủ để nuôi 50 vạn con người/năm. Theo đó như ông Chủ tịch UBND tỉnh là phải nghiêm túc thực hiện, ngược lại đối với người quản lý lại là cấp dưới vẫn bảo thủ, duy ý chí cho là cần xem xét!

Phải bồi thường thiệt hại cho dân!

Để có cơ sở xử lý, tác giả bài viết xin được nhắc lại câu chuyện năm 2014 một Công ty VTNN ngoại tỉnh vào đầu tư trọn gói từ phân bón, giống, kỹ thuật đến báo tiêu sản phẩm cho nông dân, khi thu hoạch mới lấy tiền đầu tư nhưng do sự cố khi ngâm ủ giống nảy mầm chậm do vấp phải thời điểm rét đậm, rét hại, độ ẩm cao, chưa hề gây thiệt hại gì đối với nông dân. Nhưng chủ tịch UBND tỉnh thời đó buộc Cty này phải bồi thường “thiệt hại” cho nông dân, đồng thời phạt 3 tỷ đồng và không được đưa một loại giống nào của công ty này vào sản xuất vụ mùa tiếp. Ông cũng yêu cầu cơ quan điều tra tỉnh khởi tố vụ án hình sự. Công ty này đã kịp thời bồi thường đầy đủ kể cả lãi suất ngân hàng trước lúc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đấy là câu chuyện trước đây đối với giống cơ cấu vào sản xuất không đảm bảo là thế, còn đối với Công ty CP giống cây trồng Trung ương, đơn vị sản xuất giống lúa Thiên ưu 8 trên bao bì thì khẳng định “đặc biệt kháng bệnh đạo ôn” nhưng ngược lại như ông Thanh và nhiều nhà khoa học khác cũng như nông dân đều khẳng định do giống kháng bệnh đạo ôn kém. Đây rõ ràng Cty CP giống cây trồng Trung ương phải bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Còn theo người quản lý là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp củng như Sở NN-PTNT, khi đưa giống Thiên ưu 8 vào cơ cấu đại trà trên diện tích rất lớn lên tới gần 20.000ha Thiên ưu 8, tất cả đều bị mất trắng, không kiểm tra định kỳ nên khi bệnh bùng phát đã quá muộn. Vì thế đơn vị quản lý nhà nước những người liên quan nói trên đều phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Đảng, trước dân, xin đừng đổ lên đầu nông dân vô tội.

Anh Bình

Theo ANTT

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây