Thảm cảnh ngân hàng ngàn tỷ, giá cổ phiếu chỉ mua nổi... cốc trà đá

Thứ tư - 02/05/2018 12:13
Có vốn điều lệ lên đến ngàn tỷ đồng nhưng nhiều ngân hàng đang chứng kiến cảnh cổ phiếu bị nhà đầu tư ghẻ lạnh tới mức rớt giá, chỉ mua nổi cốc trà đá.

Cổ phiếu trà đá

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến rất nhiều cổ phiếu trà đá như PPI, PTL, PXI, PXT, … Những công ty này khiến cổ đông thất vọng khi kinh doanh bết bát, giá cổ phiếu giảm sâu dù có doanh nghiệp với vốn điều lệ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thế nhưng, sẽ "sốc" hơn nữa khi cổ đông chứng kiến một số ngân hàng vốn ngàn tỷ đồng mà vẫn bị liệt vào danh sách "cổ phiếu trà đá" như những mã chứng khoán kể trên.

Suốt thời gian qua, cổ phiếu VietABank ì ạch trên thị trường OTC với mức giá “đội sổ” 3.500 đồng/CP (Ảnh minh họa)

Là đơn vị nhỏ trong ngành ngân hàng nhưng ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) vẫn có vốn điều lệ lên tới 3.500 tỷ đồng. Thế nhưng, suốt thời gian qua, cổ phiếu VietABank ì ạch trên thị trường OTC với mức giá “đội sổ” 3.500 đồng/CP. Mức giá này ghi nhận từ đầu năm 2017. Hiện tại, có lẽ VietABank không nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nên thị trường OTC gần như không còn chứng kiến VietABank được giao dịch.

Tại nhiều khu vực ở Hà Nội, 1 cổ phiếu VietABank không thể mua nổi 1 cốc trà đá (giá 5.000 đồng/cốc). Rơi vào tình trạng tương tự VietABank là STB (ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín), MSB (ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam). Trong thời gian gần đây, 2 mã này được rao bán, hoặc rao mua phổ biến ở mức 4.500 đồng/CP.

Có giá cao hơn cốc trà đá một chút là cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần An Bình. Trong quý 2 này, cổ phiếu ABBank biến động khá mạnh, tăng từ 6.500 đồng/CP lên 7.500 đồng/CP. Dù vậy, ABBank vẫn chưa thể “lên mặt đất” khi chưa tìm lại mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Cùng chung số phận bị nhà đầu tư đánh giá thấp hơn mệnh giá như ABB là cổ phiếu PGBank (ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex và ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Hai mã này được giao dịch ở mức 8.000 đồng/CP và 9.800 đồng/CP).

Gần đây, cổ phiếu SeaBank của ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á không phát sinh giao dịch. Nhưng đầu năm nay, cổ phiếu này thường được mua bán ở mức khoảng 8.000 đồng/CP.

Không chỉ trên sàn OTC, cổ phiếu ngân hàng mới giao dịch èo uột. Trên các Sở giao dịch chứng khoán, một vài mã cũng dưới mệnh giá như NVB của ngân hàng Quốc Dân (8.600 đồng/CP). Còn cổ phiếu STB của ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín, dù đang dừng ở mức gần 14.000 đồng/CP nhưng suốt thời gian dài qua, mã chứng khoán này thường xuyên được trao đổi dưới mệnh giá.

Kinh doanh bết bát

Rất nhiều các ngân hàng có giá cổ phiếu thấp hơn mệnh giá đều kinh doanh khá bết bát. Với trường hợp VietABank, là đơn vị có vốn điều lệ lớn tới 3.500 tỷ đồng nên việc VietABank lãi 99,4 tỷ đồng trong năm 2016 chưa hẳn đã là điều đáng khích lệ.

SCB phải trích lập dự phòng rủi ro rất cao (Ảnh minh hoạ)

Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của VietABank, tăng 17,43 tỷ đồng, tương ứng 21,3% so với năm 2015. Xét về tốc độ tăng trưởng, đây là con số lạc quan. Nhưng nếu so sánh với vốn điều lệ và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (362,7 tỷ đồng) thì đây là con số cực kỳ khiêm tốn.

Có vốn điều lệ khá cao, lên tới 14.295 tỷ đồng nhưng SCB lại có kết quả kinh doanh thua kém VietABank. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chỉ đạt 78,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 79,9 tỷ đồng năm 2015.

SCB và VietABank cùng chung cảnh ngộ phải dành rất nhiều ngân sách cho dự phòng rủi ro tín dụng. Chỉ tiêu này năm 2016 của SCB là 1.464,8 tỷ đồng. Những con số trích lập dự phòng cao ngất ngưởng cho thấy cả SCB và VietABank đang gánh khoản nợ xấu không hề nhỏ. Tuy nhiên, cả 2 ngân hàng này đều không công bố phân loại nợ nên cổ đông không thể biết rõ chính xác khoản nợ xấu mà SCB và VietABank đang gánh.

Cổ phiếu MSB ì ạch ở mốc 4.500 đồng/CP suốt thời gian dài trên OTC. Nguyên nhân là do ngân hàng này chưa đạt được mức lợi nhuận xứng đáng với đồng vốn bỏ ra của cổ đông. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của MSB là 140 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 116 tỷ đồng năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với vốn điều lệ và chi phí dự phòng rủi ro tín dung (1.743 tỷ đồng).

Vy Vy

Theo Đời sống & Pháp lý

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây