TP Hà Tĩnh: Thực hư vụ nợ 1000 đồng phải trả 47,88 triệu

Thứ năm - 08/06/2017 20:09
(Hatinhnews) - Sau khi báo Nguoiduatin.vn đăng tải bài nợ 1000 đồng, phải trả 47,88 triệu, nhóm PV đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT TP Hà Tĩnh để làm rõ thực hư vụ việc.

Bà Trịnh Thị Nguyệt, giám đốc ngân hàng NN&PTNT TP Hà Tĩnh khẳng định với PV là toàn bộ số liệu số nợ thì không sai. “Sau khi những người liên quan có giấy thông báo đòi nợ tập trung ở UBND phường Đại Nài làm việc, thì có 3 khách hàng phản ánh về vấn đề này, trong đó có chị Liên và anh Thủy. Nhưng vì số liệu họ chưa… rõ nên chúng tôi cho về và hẹn sẽ gọi lên làm việc sau. Còn việc chúng tôi gửi giấy thông báo cho các khách hàng, không ngoài mục đích là thu hồi số nợ lãi còn tồn đọng của họ. Thế nhưng ở thời điểm đó, khách hàng của chúng tôi làm ăn gặp nhiều khó khăn, phải đến 5, 6 năm sau các hộ mới thanh toán được. Trong quá trình thanh toán, những khách hàng đó không đủ tiền nên ngân hàng chỉ thu gần hết tiền gốc và một số tiền lãi. Thế nên mới có việc, tiền gốc dư lại 1000 đồng hoặc 6000 đồng. Chính trong vấn đề này, mọi người có chút hiểu lầm, số tiền dư nợ mà chúng tôi yêu cầu khách hàng thanh lý không phải là tiền lãi của 1000 đồng hay 6000 nghìn đồng, mà đó là số tiền lãi còn lại của khách hàng từ khi vay cho đến khi trả”, bà Nguyệt giải thích thêm.

Trong sổ vay vốn của anh Thủy chỉ có ghi dư nợ 1000 đồng.

- Tại sao trong hơn 10 năm qua, ngân hàng không hề có văn bản thông báo nợ gửi cho khách hàng, để họ biết mà lo liệu và có trách nhiệm trả nợ tồn đọng tại ngân hàng?

Từ đó tới nay, trải qua một thời gian dài khách hàng đang còn khó khăn nên ngân hàng cũng không đòi số tiền đó. Đến nay, có đồng chí cán bộ ngân hàng mới về làm nên tiến hành “xốc” lại nợ. Đáng lẽ ra ngân hàng phải thông báo cho khách hàng lên để cùng phối hợp với ngân hàng xác minh lại số liệu, nhưng đồng chí Thái lại gửi một thông báo tới khách hàng với văn phong có phần cứng nhắc, nên các hộ phản đối. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định những số liệu cung cấp trong thông báo là hoàn toàn chích xác.

Giấy thông báo đòi nợ của ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh

Chị Uông Thị Liên, trú tại phường Đại Nài cho hay: "Vào thời điểm đó, ngân hàng đòi niêm phong nhà ở của gia đình, tôi hoang mang cực độ. Con cái thì đang còn trong tuổi ăn tuổi lớn mà bị niêm phong nhà thì cuộc sống gia đình tôi sẽ đi về đâu? Tôi đã chạy vạy khắp nơi để vay tiền thanh toán cho ngân hàng và nhờ một người nữa đi cùng tôi lên ngân hàng trả nợ. Tại đây, tôi có trình bày hoàn cảnh của gia đình hiện tại và xin được thanh toán tiền gốc và lãi cho xong.  Thú thật, thời gian đó đến nay tôi không nghĩ việc mình còn nợ ngân hàng nên cách đây khoảng 5 năm, tôi có lên ngân hàng đó vay tiền cho chồng tôi mua ô tô, dùng căn nhà để thế chấp vay vốn. Sau đó, tôi đã thanh toán xong và lấy bìa đất về, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai nhắc nhở đến số nợ cũ ấy. Tôi không hiểu ngân hàng này làm ăn kiểu gì nữa, khi cầm thông báo do ngân hàng gửi đến, tôi đã sốc thật sự".


Anh Nguyễn Huy Thủy bức xúc tâm sự với PV

Anh Nguyễn Huy Thủy trú tại phường Đại Nài tay cầm một tập giấy tờ liên quan đến vay tiền và đã thanh toán cách đây hơn 10 năm bức xúc kể lại: "Thời điểm đó ngân hàng đã niêm phong nhà của tôi, cả gia đình tôi phải chuyển đi nơi khác. Sau mấy ngày chạy vạy khắp nơi, tôi cũng huy động đủ tiền ngân hàng yêu cầu. Thời điểm đó ngân hàng nói là làm ăn vỡ nợ nên họ ưu đãi một số tiền lãi, khi lên đến ngân hàng thì cán bộ ngân hàng ngồi tính no tính chán rồi bảo tôi thanh toán từng đó tiền, thế là tôi thanh toán. Họ ngồi tính chứ mình có được tính đâu; hơn nữa trong sổ vay vốn, ngân hàng cũng ghi rất rõ ràng đã thanh toán tiền gốc và tiền lãi đầy đủ, chỉ dư nợ 1000 đồng. Xong xuôi họ trả bìa đất cho tôi, thế mà đùng một cái, hơn 10 năm sau, họ lại yêu cầu mình phải trả 47,88 triệu".

Theo tài liệu ngân hàng cung cấp, số liệu đó hoàn toàn có thật, nhưng tại thời điểm đó ngân hàng đã ưu đãi một số chính sách cho khách hàng gặp hoàn cảnh khó khăn là giảm lãi suất. Toàn bộ các hộ đó khẳng định, họ không còn thế chấp gì ở ngân hàng nữa cả, nếu mà còn nợ thì chỉ có thể là nợ tín chấp, nhưng nếu có nợ tín chấp thì họ phải xác nhận trong sổ sách là có nợ chứ. Và tối thiểu nhất là hàng quý, hàng năm ngân hàng cũng phải có trách nhiệm nhắc nhở cho các hộ, để họ biết mà trả nợ tồn đọng đó, nhưng số nợ này để đến hơn 10 năm sau mới truy thu.                 

Theo Nguoiduatin.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây