>> Vượng ơi! Ở đời, không ai cho không cái gì bao giờ!
>> "Bầu" Đệ: Chân dung dung dị của ông bầu "Bỗng dưng nổi tiếng"
Cầu thủ trước đây từng “đốt mỗi ngày hàng triệu đồng không ghê tay” giờ đang vật vã kiếm tìm từng trăm nghìn một trong bối cảnh vợ đau yếu, lại sinh con đầu lòng thiếu tháng. Không có công ăn việc làm, cơ hội đá bóng cực nhỏ, lại bị khoản nợ đá đeo 330 triệu của CLB Thanh Hóa bám trên vai, tiền vệ này đang rơi vào “bi kịch cuộc đời”.
NGUỒN CƠN CỦA KHOẢN NỢ
Trước thềm mùa giải 2012, Quốc Vượng về Thanh Hóa như nắm lấy chiếc phao cứu vớt sự nghiệp, kể từ khi quay trở lại với bóng đá hồi năm 2009, dù chẳng để lại ấn tượng nào. Thể hiện thái độ tập luyện tốt, cùng sự nghĩa hiệp của người đàn anh Triệu Quang Hà, Quốc Vượng đã được Thanh Hóa ký hợp đồng có thời hạn 3 năm.
Nhưng khi mùa giải 2012 còn chưa đi hết nửa chặng đường, Quốc Vượng bị CLB thanh lý hợp đồng vì lý do vô kỷ luật. Theo lời ông chủ tịch CLB Nguyễn Văn Đệ thì Quốc Vượng “có những mối quan hệ bên ngoài sân cỏ phức tạp”.
Thậm chí, trong quãng thời gian về ăn Tết 2012, Quốc Vượng lại dính vào một vụ xô xát dẫn đến chấn thương. Bên cạnh đó, tác phong luyện tập, sinh hoạt của tiền vệ này trước và sau khi được ký hợp đồng là hoàn toàn khác biệt.
Ngoài chuyện bị sa thải, Quốc Vượng còn bị buộc trả lại cho Thanh Hóa khoản tiền 400 triệu mà đội bóng xứ Thanh đã ứng trước cho năm đầu tiên của hợp đồng. Song, khoản tiền này hoàn toàn vượt quá khả năng chi trả của Quốc Vượng.
Sau nhiều lần trình bày hoàn cảnh khó khăn, bầu Đệ đã đồng ý giảm 100 triệu, xuống còn 300 triệu nhưng lại cộng thêm 30 triệu đồng tiền lãi và thông điệp cứng rắn hoặc Quốc Vượng phải trả lại đúng hạn để nhận giấy thanh lý hợp đồng, hoặc phải ra hầu tòa.
Tất nhiên, lãnh đạo của CLB Thanh Hóa không phải không biết chuyện gia cảnh của Vượng. Có thể đối với một trường hợp khác ở hoàn cảnh tương tự, bầu Đệ sẽ không nỡ đẩy họ vào bước đường cùng, nhưng với Quốc Vượng thì không.
Nguyên nhân của vụ “vì tiền mà bạc tình” này, theo những người hiểu chuyện, xuất phát từ Quốc Vượng. Bởi sau khi nhận được quyết định sa thải, Vượng đã dọa: “Thanh Hóa còn nợ tôi 1,6 tỷ” và dọa đưa vụ việc ra tòa án.
Lý lẽ mà Quốc Vượng đưa ra nằm ở chỗ, Thanh Hóa ký hợp đồng 3 năm với mức phí lót tay chừng 2 tỷ, trừ đi khoản hỗ trợ ban đầu thì phần còn lại đương nhiên phải thuộc về cầu thủ này. Và có thể chính vì “tư tưởng chỉ nghĩ đến tiền” này mà phía Thanh Hóa bị chạm phải cục tức và quyết làm cho ra nhẽ.
Đến nước này, Quốc Vượng đành xuống nước. Và theo như lời của tiền vệ này, anh đã nhiều lần ra Thanh Hóa thương lượng và chỉ còn “thiếu nước quỳ xuống chân bầu Đệ” để xin giảm nợ. Đó thực sự là một tấn bi kịch tiền tài của một cầu thủ từng “đốt chục triệu mỗi ngày” giờ phải oằn mình vì nợ nần.
Đó là một ngôi sao từng một thời được người người săn đón giờ không một chốn dung thân, muốn tiếp tục đá bóng để kiếm sống cũng chẳng được.... Không hiểu bản thân Quốc Vượng sẽ nghĩ gì về sự “lên voi xuống chó” của mình? Không hiểu các cầu thủ trẻ khác sẽ nghĩ gì khi nhìn vào tấm gương của Quốc Vượng?
TÁC GIẢ CỦA MỘT SỐ PHẬN TRÁI NGANG
Khá nhiều “đồng đội khoác áo Juventus” của Quốc Vượng trong phiên tòa năm 2006 giờ đã và đang đứng dậy lấy lại những gì họ đánh mất ở SEA Games 23 năm 2005.
Quốc Anh cùng Phước Vĩnh là những trụ cột không thể thay thế ở SHB Đà Nẵng, Bật Hiếu khẳng định được giá trị ở Hải Phòng và bây giờ đeo băng đội trưởng ở Thanh Hóa, Văn Trương thỉnh thoảng vẫn đóng vai người hùng đối với HAGL..., chỉ duy có Quốc Vượng và Văn Quyến thì đang chứng minh cho điều ngược lại.
Song khác với Quyến “béo” vốn an phận, thiếu ý chí phấn đấu và có vẻ như trong một thời gian rất dài đã nhận được một sự bao bọc quá lớn từ SLNA - nguyên nhân khiến Văn Quyến chưa thể tìm lại mình - Quốc Vượng thuộc tuýp người lúc nào cũng đầy tham vọng và “bản lĩnh đến đáng sợ” (theo nhận xét của một cựu thành viên SLNA).
Những ngày trong trại giam, không phải ai ở trong hoàn cảnh của Quốc Vượng cũng có ý thức tự tìm ra cách luyện tập chăm chỉ để giữ được thể lực và thân hình chắc khỏe của một cầu thủ bóng đá. Ra tù, đá cho Thể Công, Vượng cũng là một trong số ít người dám “bật” lại lãnh đạo để tìm đường thoát thân về Xuân Thành Hà Tĩnh khi Thể Công được chuyển giao cho Thanh Hóa.
Và khi Xuân Thành Hà Tĩnh chỉ còn là một đội bóng trên giấy, Vượng “Cơ” một lần nữa lại chứng minh bản lĩnh của anh với cái cách đơn thương độc mã ra Hòa Phát Hà Nội tìm kiếm cơ hội. Bị lắc đầu từ chối, Quốc Vượng vẫn không nản lòng tự tìm cho mình một lối thoát ở xứ Thanh.
Có dấu ấn của sự lận đận, đen đủi trong sự nghiệp của tiền vệ người Nghệ An. Nếu Thể Công vẫn tồn tại hoặc Xuân Thành Hà Tĩnh không phải là một cái bánh vẽ, có thể giờ này số phận của Quốc Vượng đã rất khác. Nhưng chừng đó vẫn là hơi ít để phủ nhận một sự thật rằng Vượng chính là tác giả của “tấn trò đời” dành cho chính mình.
Ước mơ của Quốc Vượng bây giờ chắc sẽ đầy chữ “Nếu”. Nếu anh làm chủ được bản thân, nếu anh có được sự kèm cặp hướng dẫn khi còn là một tài năng trẻ đầy cá tính thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Bây giờ, khi vai trò của người chồng, người cha đè nặng lên vai thì cầu thủ này lại chẳng có hòn đá tảng nào để bấu víu làm bệ đỡ.
Thời hoàng kim đã trôi qua từ lâu, bối cảnh bóng đá chung đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều, cơ hội để Quốc Vượng trở lại với bóng đá là cực ít, nếu không muốn nói là đã hết. Suất dự bị “dự khuyết” tại SLNA chẳng khác nào một mẩu phao được kết bằng những cánh bèo, chẳng biết khi nào còn, khi nào tan.
Những bi kịch gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Quốc Vượng cho đến bây giờ chỉ luẩn quẩn quanh chữ “tiền bạc”. Vì tiền mà đời bạc hay vì tiền mà bạc bẽo với chính mình. Án bán độ, sự thăng trầm, mâu thuẫn, sự đau khổ và rắc rối của Quốc Vượng đều chỉ vì tiền.
Tiền, tiền và tiền! Đi gần hết đời cầu thủ, không biết có lúc nào Quốc Vượng chợt nhận ra rằng thứ anh “miệt mài” theo đuổi không phải bao giờ cũng xanh. Và ngày hôm nay, chuyện tiền bạc có thể sẽ là cú đá bồi cuối cùng của số phận để chính thức nhấn chìm tài năng một thưở của bóng đá Việt Nam.
Theo bongdaplus.vn