Lần đầu tiên, chị chia sẻ những điều này, cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp cận một chân dung khác của Khánh Hà, hoàn toàn không quen như chị trong âm nhạc, nhưng ít ra cũng giúp tôi hiểu tại sao Khánh Hà lại hát sâu như thế…
Khánh Hà hát tỉnh táo. Từng chữ, từng nốt, rất êm và rất đẹp. Và cũng từng chữ một, từng nốt một, nếu tinh tế một chút ta sẽ nhận ra: người hát đang làm chủ cảm xúc, đúng hơn là làm chủ nỗi buồn - bởi hầu hết những ca khúc Khánh Hà hát, có mấy khi là những ca khúc vui đâu. Có chút kìm nén đấy, u uẩn đấy, chút tiếc nuối đấy, nhưng nó nằm ở tầng sâu trong những lời, những chữ được nhả ra vốn rất tròn trịa và hoàn hảo kia…
Ca sĩ Khánh Hà |
“Đi qua những điều đó rồi thì bình tĩnh mà thể hiện nó. Nếu cảm thấy bình tĩnh không nổi thì cho phép mình điên một chút, phiêu một chút, nhưng chỉ là chút chút thôi!” - chị nói về những điều mà tôi vừa gọi tên ở trên.
Tôi lại phát hiện ra một điều lạ: thực ra, cái rộng lòng nhất và cũng hẹp lòng nhất thế gian này, lại là sân khấu, bởi nó luôn là nơi đón nhận biết bao nỗi buồn vui của người nghệ sĩ nhưng rồi cũng là nơi vắt kiệt hết nỗi buồn đó để rồi người nghệ sĩ sớm cũ đi với nỗi buồn vui đã mất của mình.
Khánh Hà là một trong những người hiếm hoi nhận biết được cái “bản chất thật” của sân khấu, không bị rơi vào tình trạng dốc cho hết năng lượng của một thời tuổi trẻ để nhanh tàn héo theo sự đào thải nghiệt ngã của quy luật thời gian.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chị không cho đi, mà là cho một cách nhẹ nhàng, tỉnh táo, đủ để nỗi buồn thấm và lắng. Thế nên bao năm qua giọng hát Khánh Hà luôn có một mãnh lực nào đó nằm trong chính cái hồn đàn bà được chưng cất, nên nỗi buồn đã không còn thô ráp mà hiện hữu một cách sang trọng.
Sai lầm cuộc hôn nhân đầu tiên
- Hãy bắt đầu bằng những yếu đuối đàn bà của chị như lời chị nói nhé! Thực ra đâu phải dễ tin, vì trên sân khấu, Khánh Hà luôn bình tĩnh, có lúc cảm giác như “lạnh” kia mà?
Ô, nếu thế thì anh nhầm đấy! Tôi dễ xúc động, dễ tin và dễ thương người và cũng luôn là người thích lắng nghe và chia sẻ với người khác. Với những người xung quanh, tôi luôn là một nơi để họ dốc những bầu tâm sự.
Dù mình có bận bịu thế nào cũng bỏ hết để ngồi chia sẻ, có khi từ chiều đến 2 - 3 giờ sáng. Cũng có những lúc 3 giờ sáng bị dựng dậy, dần thành chuyện bình thường. Thôi thì không biết bao chuyện của thế gian, của biết bao con người. Cuối cùng tôi là một cái “kho” buồn vui của những người xung quanh đấy.
Vấn đề là không bao giờ tôi thấy điều đó là mình bị làm phiền mặc dù có lúc buồn ngủ lắm. Những người đó thông thường là những người trong hoặc ngoài giới nghệ sĩ, nhưng đa số là ngoài giới.
Tôi nhớ lần Linda Trang Đài còn tương tư Tommy Ngô, suốt ngày buồn, thương nhớ cậu đó. Đêm, 2 giờ sáng cũng dựng cổ tôi dậy. Câu chuyện thường là làm thế nào để có được cậu Tommy và làm thế nào để giữ được. Cũng mừng cho họ là cuối cùng đã có nhau và hạnh phúc trên cả sân khấu lẫn ngoài cuộc đời.
- Vậy còn những lúc chị buồn thì sao, có chia sẻ với tất cả mọi người không?
Thường thì tôi giấu. Phần vì tôi không thích cho người ta biết nhiều mình đang như thế nào, phần vì tôi là nghệ sĩ, nhiều khi người ta lại thích nghe và “lan truyền” những chuyện không mấy vui của mình hơn.
Bù lại bây giờ ông trời cho tôi một cuộc sống rất ít nỗi buồn nên tôi luôn bình thản chia sẻ với người khác. Có những lúc hát tôi phải tưởng tượng ra nỗi buồn, nỗi đau từ những người mình chia sẻ đấy chứ. Tuy nhiên, tôi cũng không phải là người nhàm chán. Đúng hơn, tôi luôn có mức độ với những buồn vui của mình để cân bằng cuộc sống.
- Nhiều người còn lấy làm lạ, năm 1969, khi Khánh Hà bước vào nghề ca hát cũng là lúc Sài Gòn đâu đâu cũng những giai điệu buồn của Bolero. Hầu hết các gương mặt nổi tiếng ngày đó cũng là nhờ dòng nhạc này, và đặc biệt là những ca sĩ đến từ Đà Lạt như chị. Nhưng tại sao chị lại chọn nhạc Tây?
Mẹ tôi thích vậy. Ngay từ nhỏ, bà đã cho con đi học tiếng Pháp và Anh và các con bà luôn thích hát nhạc ngoại. Mẹ tôi cũng là người phụ nữ lạ, gần như thích gì được nấy. Từ nhỏ bà thích lớn lên lấy chồng nghệ sĩ và sinh ra các con là ca sĩ, thì gần như bà được toại nguyện.
Rồi thích các con hát nhạc Tây, tất cả các chị em đều hát, vì theo bà, ca phải mới, theo các xu hướng thế giới thì mới gọi là hay. Những năm đi hát trong nước, chị Bích Chiêu, anh Tuấn Ngọc, anh Anh Tú và tôi đều hát nhạc ngoại. Tôi với mẹ tôi về tính cách lại hoàn toàn không giống nhau và cũng không mấy hợp nhau, mẹ tôi rất cứng rắn còn tôi thì yếu đuối. Lớn rồi nhưng lúc nào tôi cũng sợ mẹ và mẹ nói gì cũng nghe răm rắp.
- Kể cả chuyện yêu đương ư?
Chuyện yêu thì không, mặc dù mẹ luôn cấm cản. Từ thời mới lớn, bà đã rất cấm đoán trong chuyện yêu đương vì bà luôn sợ tôi đi sai đường. Nhưng có lẽ càng cấm, càng dễ sai vì “lửa càng che đậy càng rực nóng” mà.
Cứ cấm mãi, nên khi tôi gặp ai là tôi yêu mà không biết mình mù quáng. Người yêu đầu tiên và cũng là người chồng đầu tiên của tôi, mẹ cấm dữ lắm. Mẹ tôi nói không xứng và không cho tôi lấy nhưng càng cấm tôi lại càng thích lấy. Lấy rồi, mẹ tôi giận lắm.
- Cuối cùng thì mẹ đúng hay chị đúng?
Mẹ… đúng! Có lẽ mẹ trải nghiệm rồi nên mẹ nhìn người không sai. Và cũng có thể do mẹ cấm nhiều quá nên tôi mới đi sai. Tôi hối hận về cuộc hôn nhân này mặc dù nó chỉ kéo dài có vài năm.
Hồi yêu thì không biết gì, tôi khờ lắm. 18 tuổi tôi đã lấy chồng. Nhưng khi lấy về rồi mới biết không hề hợp nhau trong cả cách sống, sinh hoạt hàng ngày đến cách nghĩ.
Khi bỏ nhau rồi, trong chuyện riêng tư mẹ tôi càng “soi” kỹ hơn, vì sợ tôi lại đi nhầm đường lần nữa. Giờ tôi cũng không muốn nhắc nhiều đến người này và đến câu chuyện này nữa mặc dù chúng tôi có với nhau một đứa con, năm nay cũng đã 37 tuổi rồi, đang làm về máy tính và chưa lập gia đình…
- Phần bị mẹ “soi” nhiều, phần thất bại vì cuộc hôn nhân đầu tiên nên chị quyết định đi Mỹ định cư vào cuối tháng 3-1975?
Không hẳn vậy. Cứ xem đó là một bước rẽ do số phận đi. Nhưng khi sang Mỹ, vừa thoát khỏi ông chồng, vừa thoát khỏi sự “quản chặt” của mẹ nên tôi… sướng lắm. Tôi cũng bắt đầu hát nhạc Việt và tôi nhớ, tôi hát bài Bay đi cánh chim biển một cách đầy sảng khoái, thấy đời sao mà sung sướng thế (cười).
Chứ hồi ở nhà, đi đâu cũng cảm giác như có mẹ đang ở sau lưng. Được “tự do” nhưng tôi lại biết giữ mình hơn để không sa vào lưới nữa.
- Và đó cũng là lý do trong nhiều năm trời trên đất Mỹ, chị chấp nhận sự cô đơn nuôi con mà không cần một người đàn ông nào bên cạnh?
Tôi lo cho việc hát và chăm sóc con, thậm chí đôi lúc không còn thời gian chăm con, cũng phần nữa là chim sợ cành cong nên không nghĩ nhiều về chuyện yêu, hôn nhân gì nữa.
Ngày ngày đi hát, tôi phải gửi con cho anh Tú vì nhà tôi và nhà anh Tú cạnh nhau, cũng có lúc gửi cho cha đẻ của nó. Nhưng nói thật, gửi cho ông ấy tôi không hề yên tâm chút nào. Nó bị bỏ nhà một mình hoài. Có lúc bế thằng bé về mà cả người nó toàn mùi thuốc lá. Nhiều lúc nghĩ lại mà thấy hồi đó mình cũng có lỗi với nó.
Anh Tú vừa là bác, nhưng vừa như là cha. Mỗi lần nó khóc hay nó hư, gọi anh Tú là thằng bé im re. Kể cả sau này khi nó ngoài 20 tuổi, nó có thể cãi mẹ nhưng không dám cãi anh Tú đâu. Nếu không có anh Tú chăm lo nó, không biết tôi có hát nổi không nữa. Tôi còn nhớ, trong một lần sinh nhật nó, bạn bè hỏi cha mày đâu, nó chỉ anh Tú. Thấy mà chảy nước mắt.
Tô Chấn Phong giống như bạn thân của con tôi
- Một mẹ, một con, hẳn hai mẹ con cũng như hai người bạn và chia sẻ với nhau được nhiều?
Không biết số mình sao chứ với mẹ đẻ cũng không hợp và với con cái cũng không hợp lắm. Nó thương mẹ, nhưng không có nghĩa chuyện gì nó cũng nói với mẹ.
Mấy chục năm nay, nó thân với anh Phong và chuyện gì nó cũng nói với anh Phong. Anh Phong khuyên là nó nghe. Lúc bắt đầu vào Đại học, chuyện học hành của nó cũng do anh Phong khuyên nhủ.
Riêng cha đẻ của nó, tôi luôn khuyến khích nó gặp mà nó cũng không muốn gặp. Có thể do anh Phong nói chuyện hay và hoàn toàn có thể chinh phục được nó.
- Vậy ngược thời gian, chị có thể nhắc lại kỷ niệm hồi anh Phong chinh phục… mẹ của con trai chị không?
Cũng chẳng chinh phục gì đâu. Chúng tôi gặp nhau như duyên số. Lúc đầu anh Phong mời tôi thu một cuốn video vào hè năm 1990 với hai ca khúc là Bài không tên số 8 và Bảy ngày đợi mong thì phải. Chúng tôi vẫn bình thường, vẫn xưng em gọi chị một cách ngọt xớt.
Phong có nói với tôi: “Nghe chị đã lâu mà em cứ nghĩ chị già lắm, không ngờ chị ngoài trông trẻ thế”. Rồi chúng tôi đi ăn với nhau và nói chuyện rất nhiều. Tôi thấy quý Phong nhưng vẫn giữ một khoảng cách vì dù sao tôi có con đã lớn còn Phong trông trẻ thế, tôi cũng sợ người ta đồn đại.
Tôi còn về nói với Lưu Bích: “Bích ơi, chị thấy cậu này trông rất được, dễ thương, chị giới thiệu cho mày nhé!”. Lưu Bích chối đây đẩy: “Chị vô duyên. Em không mai mối gì đâu. Chị thích thì làm mai cho chị đi!”.
- Và rồi “tự mai mối” cho mình thật?
Phải duyên phải số thôi, chứ mai mối gì. Rồi chúng tôi tiếp tục đi ăn, nói chuyện và tình yêu đến lúc nào chẳng hay.
- Có phải từ cuộc tình đẹp của anh chị, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết tặng hai người ca khúc Từ muôn kiếp trước?
Đúng vậy. Ca khúc này được viết khi anh Khanh chứng kiến tình cảm của chúng tôi dễ thương quá, nên đã dành cho chúng tôi những lời ca rất đẹp. Chúng tôi chẳng ai chọn ai, mà là số phận chọn.
Phong tuy trẻ thật nhưng rất người lớn, ăn nói điềm đạm, phong thái chững chạc. Còn tôi tuy lớn tuổi hơn, nhưng tính tình lại con nít. Có những sự “ngược” bổ sung như thế nên từ bao giờ tự khớp trong cuộc đời nhau.
- Và thế là “xin cho về trọ gần nhau”? Được biết phải mấy năm sau anh chị mới tổ chức lễ cưới sau một thời gian dài sống chung. Trong khoảng thời gian đó, thông thường là những thử thách với những cặp nhân tình. Để đi đến lễ cưới và có nhau đến giờ, anh chị có phải trải qua thử thách nào không?
Nhiều lắm. Sống 5 năm chúng tôi mới cưới nhau, nhưng đến năm thứ 3 tưởng là tan rồi đấy chứ. Cuộc sống với nhiều điểm khó hợp, cự cãi, lúc người này nhịn thì người kia không nhịn và ngược lại.
Và cái quan trọng là tự ái của ai cũng cao, cái tôi của ai cũng lớn nên thấy cái việc không nhịn là một việc đương nhiên, một điều tất yếu. Đến lúc mâu thuẫn cao trào nhất thì chúng tôi… nhìn lại. Ơ, có gì đâu chứ? Yêu, vẫn yêu. Cần nhau, rất cần. Thế tại sao không vượt qua những điều nhỏ nhặt để sống đúng với những con người đã qua những trải nghiệm nhất định?
Và thế, “chiến cuộc” dịu xuống. Hay đúng hơn những gì cần cãi nhau đã cãi nhau hết rồi. Những gì cần nói cũng đã nói hết rồi. Thế là chúng tôi từ từ thấy thương nhau hơn, cần nhau hơn và cuộc sống tương đối phẳng lặng từ ngày đó cho đến giờ.
Chúng tôi có một đứa con chung năm nay cũng đã 19 tuổi. Bao năm qua, mọi thứ với chúng tôi quen thuộc nhưng mới mẻ. Phong vẫn hay nói với bố tôi: “Bố ơi, vợ con lấy trai tơ đấy”, đểu thế chứ, nhưng dễ thương. Nói chung, cuộc sống tương đối dễ chịu.
- Có phải vì cuộc sống dễ chịu như vậy nên trong giọng hát, chị rất cầu toàn, thậm chí chỉn chu quá? Có lúc nào chị nghĩ, sẽ phải nổi loạn hơn chút nữa trong giọng hát thì Khánh Hà sẽ còn tuyệt hơn nữa?
Anh Phong đôi lúc cũng góp ý với tôi: “Honey ơi, chỗ này honey cứ phiêu thêm chút nữa đi, chênh, phô một chút cũng được nhưng nó thật với cảm xúc của mình”. Tôi cũng nghe và biết cách điều chỉnh đấy chứ.
Tôi quan niệm, tôi đã nổi loạn bao nhiêu năm qua trong giọng hát, nhưng đó là sự nổi loạn âm thầm. Nhưng cơ bản là tôi biết kìm những cảm xúc của mình. Có nổi loạn thì cũng làm cho những yếu đuối đàn bà trong giọng hát của mình thành một mãnh lực nhất định. Còn cho phép mình điên hơn nữa, say hơn nữa sẽ đâu còn là Khánh Hà? Và lúc đó, chắc gì khán giả còn yêu tôi như biết bao năm qua?
- Xin lỗi chị về một câu hỏi hơi tế nhị. Có bao giờ anh Phong cảm thấy mình “lép” hơn vợ trong nghề nghiệp không?
Không. Đúng hơn là anh ấy không quan tâm đến chuyện đó. Trong công việc của tôi nếu không có anh Phong, dễ gì được như bây giờ? Anh ấy lo lắng từng li từng tí. Nghĩ từng cách tạo các phân cảnh. Góp ý từng bài hát. Chụp hình. Rồi làm những việc phụ dù rất nhỏ nhặt nhưng ít nhất làm cho các sản phẩm của Khánh Hà được tốt hơn và làm cho hình ảnh Khánh Hà được đẹp hơn.
Câu hỏi cuối. Nhiều người đã nghe một người đàn bà “lục thập” hát một lúc 20 bài hát mà không phải lấy hơi một chỗ nào trong một live show như chị quả là một điều ngoài sức tưởng tượng. Làm cách nào để giọng chị “không sợ thời gian” như vậy?
Tôi tập thể dục mỗi ngày và tập thở để luôn có được làn hơi dồi dào. Bên cạnh đó, anh Phong luôn biết cách điều tiết mọi sinh hoạt hàng ngày giúp tôi để tôi giữ được làn hơi khỏe. Live show mà anh nhắc tới, đến giờ tôi vẫn không hài lòng vì thực tế tôi chỉ hát được tầm 70% sức lực thật của Khánh Hà thôi.
- Cảm ơn chị!
Ca sĩ Khánh Hà tên thật là Lã Khánh Hà, sinh ra tại Đà Lạt nhưng sống ở Sài Gòn từ nhỏ, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật với cha là nghệ sĩ Lữ Liên, chị là ca sĩ Bích Chiêu. Hai anh trai là những danh ca ở hải ngoại: Tuấn Ngọc, Anh Tú. Và các em ruột cũng là những ca sĩ rất nổi tiếng: Thúy Anh, Lan Anh và Lưu Bích.
Lúc nhỏ Khánh Hà học ở trường Charles De Gaulle, một thời gian sau vào nội trú tại trường tiểu học ở Thủ Đức cùng với Lan Anh, Thúy Anh. Lên trung học, Khánh Hà theo học ở trường Trương Bá Tòng đến năm đệ Tam, và cùng lúc theo học ở Centre Culturel Francais và Hội Việt Mỹ. Khánh Hà đi hát lần đầu tiên khi lên 16 tuổi. Năm 1969 chính thức đến với nhạc trẻ cùng với Anh Tú, và gia nhập ban nhạc The Flowers. Sau đó chị nhập theo The Blue Jets cùng với Anh Tú và Thúy Anh. Năm 1972, một số anh em trong gia đình đã thành lập ban nhạc Uptight nổi tiếng một thời. Tất cả đều hát nhạc ngoại quốc.
Tháng 3-1975, chị định cư ở Mỹ sau sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên. Từ đó, chị đến với những ca khúc Việt Nam, đặc biệt là những ca khúc tiền chiến. Cũng như anh trai mình, tuy đến với nhạc Việt muộn màng nhưng đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi và trở thành những giọng ca bậc nhất và có sức bền bỉ lớn của nhạc Việt. Khánh Hà trở thành một chuẩn mực về xử lý ca khúc điêu luyện, chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được cảm xúc của mình trong mỗi lần hát. Năm 1990, chị gặp rồi từ đó trở thành người bạn nhạc, người bạn đời của ca sĩ Tô Chấn Phong. Họ sống hạnh phúc với một cuộc sống dễ chịu ở Mỹ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn