“Bóng vàng” mất giá
Đã gần 2 thập kỷ kể từ ngày hội nhập trở lại với khu vực, bóng đá Việt Nam đã có lúc đem lại cho người hâm mộ nước nhà niềm hạnh phúc vô bờ bến nhưng xen vào đó cũng có không ít những nỗi thất vọng cùng cực. Bởi vậy, đã từng có không ít những chủ nhân của danh hiệu QBV trong quá khứ không thật sự thuyết phục được các nhà chuyên môn cũng như người hâm mộ.
Thành tích bết bát của ĐTQG ở các giải đấu khu vực, sự lao đao của hàng loạt CLB ở các giải đấu quốc nội, ông bầu bỏ bóng đá, những scandal, rồi nghi án bệnh sao của các cầu thủ… là những nguyên nhân chính khiến người ta cho rằng năm 2012 không có cầu thủ nào xứng đáng nhận danh hiệu QBV. Nhưng vì “giá trị truyền thống” khi trong 17 lần tổ chức trước đó chưa từng có tiền lệ không trao QBV nên Ban tổ chức vẫn quyết định duy trì giải thưởng này.
Ban tổ chức đã công bố danh sách các cầu thủ lọt vào vòng “chung kết” QBV 2012 gồm: Quốc Anh, Minh Phương, Trọng Hoàng, Văn Quyết và Tấn Tài. Thông tin bên lề rộ lên rằng Huỳnh Quốc Anh (SHB.Đà Nẵng) đã vượt qua đồng nghiệp để chuẩn bị được xướng tên trên bảng vàng bóng đá VN năm 2012. Nhưng với những gì bóng đá nội đang có, nếu Quốc Anh “lên ngôi” thì đấy cũng chỉ là cảnh “so bó đũa, chọn cột cờ” trong số những gương mặt vào chung kết.
Phẩm chất đạo đức và chuyên môn là 2 tiêu chí chính để bầu ra cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2012. Theo lẽ thường, những người cầm phiếu bầu chọn bị chi phối rất nhiều từ thành tích của ĐTQG, cho dù để đánh giá một cầu thủ thì người ta cần nhìn lại những đóng góp của cầu thủ ấy trong cả năm chứ không phải chỉ vài trận đấu của ĐTQG.
Quốc Anh đang chiếm ưu thế
Và nếu vậy, chẳng có cầu thủ nào trong danh sách ở trên xứng đáng được vinh danh. Lúc ấy người ta đành nhìn về các giải đấu khác, đặc biệt là V-League, hòng chọn được một cầu thủ nhỉnh hơn trong “bó đũa” để tôn vinh.
Nhưng đâu chỉ có năm nay…
Trong quá khứ, những người tham gia bầu chọn đã không ít lần phải đau đầu trong việc chọn ra gương mặt xuất sắc nhất của bóng đá nước nhà và chính những cầu thủ được xướng tên cũng thừa nhận mình chưa xứng đáng. Hồi năm 2001, ĐT U23 Việt Nam cũng bị loại ngay ở vòng bảng SEA Games 21 tại Malaysia nhưng cuối cùng QBV vẫn được trao cho thủ thành Võ Văn Hạnh (khi ấy đang chơi cho SLNA).
Năm 2005, khi những tên tuổi như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Phước Vĩnh… khiến người hâm mộ hoàn toàn mất niềm tin vào bóng đá nước nhà với việc dính tiêu cực bán độ ở SEA Games 23 được tổ chức năm 2005 tại Philipines thì QBV năm đó đã được trao cho Phan Văn Tài Em để tôn vinh lòng dũng cảm của anh. 4 năm sau, ĐT U23 thất bại ở đấu trường SEA Games được tổ chức ở Lào, các nhà chuyên môn đã phải đắn đo lắm mới bỏ lá phiếu cho Thành Lương, cầu thủ đang thi đấu ở giải hạng Nhất trong màu áo Hà Nội ACB.
Năm 2011, người ta cũng từng tranh cãi về việc chỉ nên trao Quả bóng bạc chứ thực sự không có cầu thủ nào xứng đáng được nhận Quả bóng vàng. Bởi năm ấy, ĐTQG cũng như ĐT U23 Việt Nam nhận những thất bại muối mặt ở vòng loại World Cup 2014 và SEA Games 26 trên đất Indonesia. Ngoài ra, ở sân chơi V-League cũng không tìm ra được gương mặt nào quá nổi trội. Thế rồi, Quả bóng vàng vẫn được trao và người được vinh danh là Thành Lương.
Bóng đá Việt Nam đã rơi vào thời kỳ khủng hoảng niềm tin, và vẫn chưa thể thoát ra khỏi vùng trũng của bóng đá thế giới, dù đã được khoác áo “chuyên nghiệp” hơn chục năm qua. Vậy nên người hâm mộ chưa thể lạc quan vào việc nền bóng đá ấy lại có thể sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Quyến (thời còn đỉnh cao phong độ), Minh Phương… để xứng đáng với chủ nhân thực sự của “Quả bóng vàng”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn