Kỳ I: Những tiếng thở dài...
Gần đây, vấn đề về nhà ở và đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) có thu nhập thấp đã được các cấp, các ngành đưa ra bàn bạc nhiều hơn, tòan xã hội cũng đã thể hiện sự quan tâm hơn. Tuy nhiên, vấn đề về nhà ở công vụ, khu tập thể cho công nhân ở tỉnh ta hiện nay vẫn chưa được cải thiện, người lao động nghèo vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Vì vậy, đi tìm hiểu nơi đâu chúng tôi cũng nhận được những lời tâm sự buồn, những mong mỏi chính đáng và cả những tiếng thở dài ngao ngán….
Chất lượng quá tồi….
Trong quá trình đi khảo sát thực tế, chúng tôi đến khu tập thể Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh. Trước mắt chúng tôi là những dãy nhà trập trệ, xuống cấp mà mới đầu cứ ngỡ tưởng là những căn nhà hoang. Vừa bước vào phòng của một người độc thân, tôi đã cảm nhận được mùi ẩm mốc, không gian chật chội, sự thiếu thốn xen lẫn đôi chút lo sợ. Gọi là căn hộ tập thể nhưng chỉ rộng khoảng chừng 12 m2, không bếp nấu, không khu vực vệ sinh, nền láng xi măng nham nhở, tường đã ngã màu vàng ố và rơi rụng nhiều mảng trát, những tấm cót trần treo lủng lẳng để lộ những mảng ngói đã xỉn màu, từ cửa sổ đến cửa chính đều làm ván tạm và dùng dây cột tạm. Tài sản trong phòng chỉ có một chiếc xe máy, chiếc ti vi cũ kỹ và một cây đàn Organ kê bên dường ngủ. Nhìn sang phòng bên cạnh, gần nửa mái ngói đã sập vì tối hôm trước xẩy ra mưa to….
Khu tập thể sập sệ, hoang tàn của Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh |
Theo anh Nguyễn Tiến Chương – “trưởng thôn” khu tập thể thì đây vốn là phòng điều trị cũ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển giao lại, nó đã tuổi thọ hơn 30 năm. Từ khi xây dựng và nhượng lại đến nay mới một lần xin được một ít kinh phí để tu sửa nhỏ. Chỉ một số ít trong 16 hộ sống tại đây có điều kiện tự cơi nới, nâng cấp nên khang trang hơn đôi chút, còn lại đều chật chội và xuống cấp như nhau. Với điều kiện nơi ăn chốn ở như vậy thì đời sống, sinh hoạt của cán bộ, diễn viên trong đoàn gặp rất nhiều khó khăn, mọi người không thể toàn tâm toàn ý để phát huy tối đa tài năng, sự nghiệp. Nhưng khổ nhất là mỗi khi trời mưa to, gió lớn bởi tất cả phụ nữ, trẻ em, tài sản có giá trị phải di dời lên hội trường nhà làm việc vì mái nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Đó cũng là tình trạng phổ biến ở các khu tập thể như ngành Y tế, Thư viện tỉnh và các các sở, ngành khác mà chúng tôi có dịp ghé thăm.
Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh, hiện nay, các cơ quan hành chính, sự nghiệp tỉnh ta có 22.345 CNVC – LĐ đang ở nhà tạm và nhà cấp 4, gần 3 ngàn người đang sống trong 293 nhà tập thể, nhà nội trú mà đa phần là không đáp ứng yêu cầu. Tương tự như thế, số doanh nghiệp SXKD đóng trên địa bàn có khu tập thể cho công nhân ở cũng rất hạn chế và hầu hết đều rất tồi tàn, tạm bợ và chật chội.
Thiếu về số lượng…
Không chỉ hạn chế về mặt chất lượng mà nhà ở công vụ, khu tập thể cho công nhân trong các doanh nghiệp còn hạn chế về số lượng. Hiện nay, nhu cầu nhà ở cho những người có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn đang vượt quá khả năng đáp ứng của các sở ngành, đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, dù chất lượng nhà ở không đạt yêu cầu nhưng với đồng lương và giá cả hiện nay thì được ở nhà tập thể, nhà nội trú đã là điều may mắn đối với CNVC – LĐ nghèo.
Hình ảnh nhếch nhác, lụp xụp ở một khu trọ tự phát có giá từ 3 – 4 trăm ngàn đồng/ phòng/tháng (chưa kể điện, nước). |
Theo số liệu tổng hợp, ngoài 87 ngàn CNVC – LĐ đã có nhà ở thì cả tỉnh hiện đang có khoảng trên 16 ngàn người đang phải thuê trọ tại các khu nhà ở tự phát, trong đó cán bộ, công chức, viên chức chiếm hơn ½. Số người có nhu cầu làm nhà nhưng không đủ điều kiện lên tới trên 23 ngàn người, trong đó trên 11 ngàn công nhân lao động trong các doanh nghiệp. Thực trạng người lao động thiếu nhà phải đi ở trọ xẩy ra ở tất cả lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, trong đó nhiều nhất là: Thạch Hà (1.073 người), Nghi Xuân (789 người), ngành Giáo dục & Đào tạo (705 người), ngành Công thương(510 người), các doanh nghiệp SXKD (7.716 người) cùng nhiều địa phương, ngành nghề khác.
Do những đối tượng này luôn phải “ căng sức” mới có đủ tiền thuê nhà và đảm bảo được cuộc sống hằng ngày nên họ ít quan tâm đến chất lượng mà chỉ mong giá càng rẻ càng tốt. Tuy nhiên, loại nhà mang giải pháp tình thể này cũng rất đáng lo ngại vì: chật chội, tạm bợ, mất vệ sinh, không đảm bảo an ninh, thường xuyên bị o ép về giá cả…. Ngoài ra, do áp lực về nhà ở và điều kiện kinh tế nên có khoảng gần 22 ngàn cán bộ, CNVC - LĐ thu nhập thấp phải sống chung với bố mẹ và người thân, trong đó có hơn 10 ngàn công nhân trong các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Người trong cuộc nói gì? Chị Dương Hoàng Mai – Kế toán doanh nghiệp ngoài quốc doanh: "Chẳng bao giờ dám nghĩ mình có thể mua đất và làm nhà ở thành phố" Tôi ra trường đi làm đã được hơn 5 năm và hiện nay đang làm kế toán cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đóng trên địa bàn thành phố. Bằng đó thời gian bám trụ ở thành phố, tôi đã phải chuyển chổ trọ đến 3 lần vì nhiều lý do khác nhau. Nói chung, những chỗ đã từng ở và chứng kiến tôi thấy đều khá giống nhau: ồn ào, chật chội, chất lượng phòng không tốt, ý thức giữ vệ sinh chung kém, giá khá cao so với mức thu nhập và rất phức tạp…nhưng vẫn phải chấp nhận. Với mức lương 3 triệu đồng/ tháng, tôi chẳng bao giờ dám nghĩ mình có thể mua được đất và nhà ở thành phố bởi với mức thu nhập và giá cả như sinh hoạt hiện nay thì đến hết đời cũng không thực hiện được. Anh Nguyễn Tiến Chương – Phó Chủ tịch Công đoàn Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh: "Chúng tôi đã đề nghị, phản ánh rồi nhưng nhà tập thể vẫn chưa được khắc phục…" Từ nhiều năm nay, khu tập thể của cán bộ, diễn viên trong đoàn bị xuống cấp nghiêm trọng. Hầu như các gia đình đều sống trong những căn hộ chật chội, ẩm mốc, mất an toàn, nhất là vào những lúc mưa gió. Chúng đã có ý kiến đề nghị, phản ánh lên đơn vị chủ quản và các cấp, các ngành rồi nhưng đến nay những vấn đề liên quan đến nhà tập thể vẫn chưa được khắc phục. Mọi người ở đây đang rất lo lắng và mong sớm có tín hiệu vui….. Anh Triệu Viết Hiền – chủ một nhà trọ tự phát ở Thị xã Hồng Lĩnh: "Chất lượng nhà trọ chỉ có tương đối vậy thôi…" Tất các nhà trọ tự phát chỉ được đầu tư xây dựng lần đầu, sau khi đưa cho thuê thì gần như phó mặc (trừ khi khách trọ yêu cầu gắt gao hoạc hư hỏng quá nặng thì được khắc phục những lỗi tạm thời). Mới đầu đến thuê ai cũng chê hạn chế này, hạn chế nọ nhưng rút cuộc cũng phải ở. Người này đi, người khác đến, chẳng bao giờ chúng tôi dư phòng quá hai tuần. Khách đến thuê trọ cũng đủ các thành phần, nhưng chủ yếu là công nhân làm việc trong các xí nghiệp lân cận, giáo viên xa nhà và cán bộ nhà nước nơi khác đến công tác trên địa bàn... Không chỉ có khu trọ chúng tôi mà nhiều khu trong thị xã và ở những nơi khác cũng vậy, chất lượng nhà trọ chỉ có tương đối vậy thôi! |
Theo Hà Tĩnh online
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn