Tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức Lễ vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tối 31/1.
Đây là sự kiện lớn, đem lại niềm vui, niềm tự hào không chỉ cho người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng mà còn cho cả nước nói chung, minh chứng cho sức mạnh trường tồn, giá trị đặc biệt của loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca đặc biệt này.
UBND tỉnh Nghệ An khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy và xây dựng Hồ sơ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. |
Làm nên thành công đó có sự đóng góp rất lớn của các nghệ sỹ, nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, sưu tầm, các nhà quản lý văn hóa qua các thời kỳ từ Trung ương đến cơ sở. Chính họ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn, lưu giữ, trao truyền và phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm trong đời sống đương đại; có đóng góp to lớn trong việc tư vấn, giúp hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ và cộng tác với các địa phương trên hành trình đưa dân ca ví, giặm đến với bạn bè thế giới, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Đứng trên bục phát biểu trong buổi gặp mặt mặt, tôn vinh nghệ nhân và những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy và xây dựng hồ sơ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh do UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 31/1, nhạc sỹ Đặng Thanh Lưu rất xúc động. Ông nói, dân ca ví, giặm được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một sự kiện rất trọng đại, khích lệ nhân dân Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) nói chung và các nghệ nhân, nhạc sỹ, nghệ sỹ nói riêng. Cũng qua đây, dân ca ví, giặm sẽ được nâng lên một tầng cao mới, lan tỏa sâu rộng hơn đến với công chúng trong và ngoài nước. Nhạc sỹ rất cảm kích vì rằng, những cống hiến suốt nhiều năm qua của mình và của mọi người trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca ví, giặm đã không bị lãng quên mà còn được tôn vinh, khích lệ, đây được coi là sự tri ân đối với những người có công trong việc bảo tồn, phát huy. Cùng niềm vui, xúc động trước việc dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh, nghệ nhân Võ Thị Vân, Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương lại có niềm xúc động, tự hào riêng. Chị là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thanh Chương, nơi thiên nhiên khắc nghiệt nhưng lại giàu các di sản và là một trong những cái nôi của ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ngay từ nhỏ, chị được mẹ truyền dạy cho nên đã biết hát ví, giặm từ khi còn nhỏ và lớn lên cùng với câu hò, điệu ví mộc mạc, sâu lắng, trữ tình quê hương. Cùng với thời gian, với những câu hát ví, giặm đó đã ngấm sâu vào máu thịt, tâm hồn. Không riêng gì chị Vân mà ở quê hương Thanh Chương của chị có rất nhiều người biết hát ví, giặm, họ đang là những người lưu giữ, truyền dạy dân ca đến mọi người, đưa dân ca ví, giặm lan tỏa sâu rộng hơn với cộng đồng. Ở Nghệ An, không chỉ câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn mà còn có nhiều câu lạc bộ khác được hình thành, phát triển. Góp nên những thành công cho các câu lạc bộ có những nghệ nhân, những người như chị Võ Thị Vân. Họ là những người dân bình thường, có cốt cách, tinh thần đặc trưng của người dân xứ Nghệ. Được sự quan tâm khích lệ của địa phương và với lòng đam mê của mình, các thành viên trong gia đình, ở các câu lạc bộ đã sinh hoạt đều đặn, đêm nắng cũng như ngày đông giá lạnh, chỉ trừ những khi mùa màng bận rộn, họ là niềm tự hào làm nên thành công để dân ca ví, giặm được vinh danh. Xứ Nghệ là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, còn là vùng đất có nền văn hóa đặc trưng vô cùng phong phú, đa dạng mà đại diện là dân ca ví, giặm. Được khơi nguồn từ cuộc sống bình dị của nhân dân, dân ca ví, giặm là tấm gương phản ánh cuộc sống, phong tục, được coi là "máu thịt" của người dân xứ Nghệ. Mỗi khi làn điệu dân ca được cất lên lại như được nhìn thấy đất trời quê hương nên thơ, hữu tình, thấy được vẻ đẹp của cuộc sống, dù còn nhọc nhằn nhưng cũng rất thi vị. Thấy cả dáng hình ông cha mộc mạc mà tài hoa, nghĩa tình và sâu nặng. Các điệu ví, câu hò lúc ngọt ngào, da diết, lúc chắc khỏe, rắn rỏi, là trầm ích văn hóa, kết tinh, tích tụ khí thiêng xứ Nghệ. Dân ca ví, giặm là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tinh thần, được hình thành nên từ các thế hệ người dân nơi đây. Mỗi người dân xứ Nghệ đều tự hào về dân ca ví, giặm để rồi cảm ơn, ghi nhận những công lao, đóng góp của những nghệ nhân, câu lạc bộ, những người đang bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dân ca ví, giặm chính thức được vinh danh, đã có tên trên bản đồ văn hóa thế giới, trở thành một phần di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và như thế, ví giặm không chỉ là cầu nối, đưa mọi người trở về quá khứ để hiểu và trân trọng hơn giá trị tâm hồn, cốt cách người dân xứ Nghệ, của ông cha. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An ghi nhận, biểu dương những thành tích và cảm ơn những người đã dốc tài năng, tâm huyết để sáng tạo, bảo vệ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, để cho ví, giặm hôm nay được tỏa sáng, sống mãi với thời gian. Thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mong muốn trong thời gian tới các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, các nhà quản lý văn hóa tiếp tục đam mê và sáng tạo đối với dân ca ví, giặm để có những đóng góp to lớn hơn, góp phần vào việc cùng với địa phương thực hiện thành công chương trình bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm đến rộng rãi hơn với công chúng trong đời sống thường nhật. Tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ nghệ nhân, nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động và quản lý của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm, làm tốt công tác xã hội hóa, tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ nhân truyền dạy ví, giặm cho thế hệ trẻ...
Theo Nguyễn Văn Nhật (TTXVN