Bí ẩn cuốn nhật ký “chỉ được công bố khi con tôi đã chết”

Thứ năm - 06/07/2017 01:22
Những bí ẩn bủa vây xung quanh những cuốn nhật ký của nữ nhà văn Anh từng giành giải Nobel Văn học - Doris Lessing - sau khi bà qua đời. Di chúc của bà yêu cầu rằng những cuốn nhật ký phải được giữ kín chừng nào con đẻ của bà còn sống.

Yêu cầu của bà Doris Lessing ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm và tò mò đối với những cuốn nhật ký, không biết trong đó có những nội dung gì khiến bà chỉ cho phép công bố rộng rãi sau khi con đẻ của bà đã qua đời…

Sinh thời, nữ nhà văn từng có một đời sống tình cảm khá “phong phú, đa dạng”, từ lâu, người ta cũng đã biết rằng bà không thuận hòa với các con của mình. Vì vậy, quyết định khác thường của bà đối với việc công bố nhật ký đã làm dấy lên nhiều sự tò mò. Nữ nhà văn đã qua đời ở tuổi 94 hồi năm 2013, để lại một điền trang trị giá 3 triệu bảng (hơn 96 tỉ đồng).


Nữ nhà văn Doris Lessing yêu cầu rằng các cuốn nhật ký của bà phải được giữ kín chừng nào con của bà còn sống. Sinh thời, bà Lessing có 3 người con, 2 người con của bà đã qua đời.

Những cuốn nhật ký của nữ nhà văn, theo di nguyện, được giữ kín bởi một người bạn lâu năm - tiểu thuyết gia người Anh Jenny Diski.

Chỉ có người viết tiểu sử đã được bà tín nhiệm - Michael Holroyd - được phép tiếp cận với những cuốn nhật ký này. Tuy vậy, dù được bà Lessing chủ động đề xuất thực hiện cuốn tiểu sử viết về cuộc đời bà, nhưng ông Michael Holroyd, hiện đã 79 tuổi, cho rằng mình quá lớn tuổi để có thể đảm đương một cuốn sách như vậy.

Ông Michael cho rằng: “Có thể bà Doris Lessing đã nghĩ những cuốn nhật ký có thể làm tổn thương một số người và bà ấy thấy việc đó là rất không nên…”.

Bản thân ông Michael cũng chưa đọc những cuốn nhật ký đó nhưng ông cũng đoán nội dung của những cuốn nhật ký có thể chứa đựng những câu chuyện nhạy cảm về gia đình, về đời sống tình cảm của bà, và bà sợ rằng sẽ khiến con mình buồn khổ nếu những câu chuyện này được công bố rộng rãi cho công chúng.



Theo ông Michael, một cuốn tiểu sử viết về cuộc đời bà Doris Lessing cần phải được thực hiện trong giai đoạn sung sức nhất của bút lực, vì vậy, sẽ có một người viết tiểu sử khác đảm nhận nhiệm vụ thay ông.

Trước đây, bà Doris Lessing chưa từng đưa ra bất cứ giới hạn nào về nội dung của cuốn tiểu sử viết về cuộc đời bà, thậm chí, bà còn cho phép cuốn tiểu sử đó chứa đựng những trích dẫn từ các cuốn nhật ký của mình.

Trong sự nghiệp viết văn, bà Doris Lessing đã sáng tác 54 cuốn tiểu thuyết và trở thành người lớn tuổi nhất từng nhận giải Nobel hồi năm 2007 ở tuổi 88. Tuy ra điều kiện đối với việc công bố những cuốn nhật ký, nhưng bà Lessing không đề cập gì tới việc liệu một cuốn tiểu sử có trích dẫn những nội dung trong nhật ký có được phép xuất bản khi con bà vẫn còn sống hay không.

Vừa qua, ông Ian Patterson (66 tuổi) - chồng của nữ nhà văn Anh Jenny Diski - người đang giữ gìn những cuốn nhật ký, chia sẻ rằng: “Bà Doris Lessing viết ra tất cả mọi suy nghĩ của mình về mọi chuyện xảy ra trong đời sống, vì vậy, bà ấy không muốn mọi người biết quá sớm. Bà ấy là một phụ nữ khá khó tính”.


Bà Doris Lessing thời trẻ.

Bà Lessing từng trải qua hai cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Trong mối quan hệ với các con, bà đặc biệt gặp trắc trở với hai người con đầu có được từ cuộc hôn nhân thứ nhất (1939-1943) với một công chức nhà nước, trong thời kỳ bà còn sống ở đất nước Nam Phi - Rhodesia.

Khi kết thúc cuộc hôn nhân đầu tiên, bà đã chia sẻ rằng lý do là bởi bà muốn trốn chạy khỏi “sự nhàm chán không thể chấp nhận của đời sống nơi đây”. Khi trở về Anh, bà đã để hai người con nhỏ ở lại sống với cha. Về sau, ba mẹ con có hàn gắn lại mối quan hệ nhưng không bao giờ được thực sự thân thiết. Người con trai cả của bà đã qua đời năm 1992 ở Zimbabwe.

Nói về việc làm mẹ, bà Lessing có những quan điểm khá “gây sốc”: “Từ lâu, tôi đã thấy mình quả là dũng cảm, thực sự chẳng có gì đáng ngán hơn là làm một phụ nữ thông minh nhưng lại phải dành quá nhiều thời gian để chăm sóc trẻ nhỏ. Tôi thấy mình không phải người tuyệt vời trong sứ mệnh nuôi con. Nếu phải làm vậy, tôi sẽ chìm ngập trong rượu hoặc trở nên trầm cảm mất”.

Ngay cả với nữ nhà văn Jenni Diski - một người bạn học của người con trai út, sau này đã trở thành bạn văn chương của bà Lessing - giữa họ, đôi khi cũng xảy ra những giai đoạn căng thẳng. Khi Jenni Diski mới 15 tuổi, bà Lessing đã cho phép Diski dọn tới sống ở nhà mình.

Trong khi quan niệm xã hội còn khá khắt khe ở thập niên 1940-1950, thì đời sống tình cảm của bà Lessing ở giai đoạn này lại vô cùng “phong phú”, thực tế, bà vẫn duy trì những mối quan hệ ngoài luồng trong cả hai cuộc hôn nhân ngắn ngủi của mình. Khi làm mẹ đơn thân, bà lại càng phóng túng hơn.


Bà Lessing nhận giải Nobel Văn học

Khi qua đời, bà Lessing để lại 100.000 bảng (hơn 3 tỉ đồng) cho con gái Jean Cowen (71 tuổi) - người con duy nhất còn đang sống của bà, hiện đang ở Cape Town, Nam Phi. Bà cũng để lại số tiền tương đương cho nữ nhà văn Jenny Diski (67 tuổi) và một người bạn có tên Christopher Couch.

Con gái bà - Jean Cowen cho rằng: “Mẹ của tôi đã sống một cuộc đời khá phức tạp. Bà ấy là con người phi thường nhất tôi biết. Di chúc của bà thực tế chưa phản ánh được sự hào sảng của bà trong các mối quan hệ với những người xung quanh. Tôi từ lâu đã biết bà rất coi trọng việc viết nhật ký và chúng tôi đã không được phép đọc nhật ký của bà từ rất lâu, thực tế đó không phải điều gì quá khổ sở”.

Khi được trao giải Nobel Văn học năm 2007, nữ nhà văn đã dược tôn vinh là “người viết sử thi với những trải nghiệm của nữ giới, đầy tính nghi hoặc, lòng nhiệt huyết và sự khôn ngoan, chín chắn”. Tại Việt Nam, những cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Doris Lessing vẫn chưa được các dịch giả chuyển ngữ.


Theo Bích Ngọc dân trí/Daily Mail


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây