Và thật ngỡ ngàng là trong suốt 3 năm qua, cái chết của cô Hoa vẫn chưa được chính quyền công nhận là “hy sinh” (dù đủ điều kiện) mà không nói được lý do vì sao…
Lũ cuốn cô đi trong nháy mắt
Một ngày như mọi ngày trong suốt 3 năm qua, ông Nguyễn Văn Trung - chồng cô Hoa - thức dậy từ rất sớm, nấu cơm, giặt giũ đồ đạc cho hai cô con gái. Thắp cho vợ nén nhang, ông cõng cô con gái bé bỏng Nguyễn Thị Thủy Ngân đến trường trước khi xua bò ra đồng thả, rồi đi cày ruộng thuê kiếm sống.
Trước đây, cô Hoa còn sống, Ngân hằng ngày vẫn đeo trên lưng mẹ đến lớp. Có lẽ cô bé vẫn giữ thói quen này là để vơi đi nỗi nhớ mẹ. Còn một ngày nữa là đến ngày 20.11, trên bàn thờ của cô Hoa có thêm bó hoa cúc của đồng nghiệp mua về tặng cô.
Nhắc về vợ, bỗng dưng ông Trung quay mặt giấu nước mắt. Ông nói mình vẫn còn ân hận, ray rứt vô cùng, vì đã bất lực chứng kiến cảnh nước lũ hãi hùng cuốn trôi vợ mình trong nháy mắt.
Ông kể, sáng chủ nhật hôm đó, nước lũ trên sông Ngàn Sâu lên cao. Chị Hoa là người giữ chùm chìa khóa phòng tầng 1 của trường mầm non nên nhờ chồng bằng mọi cách phải đưa đến trường thu dọn toàn bộ sách vở, đồ dùng dạy học mới được trang cấp lên tầng 2 tránh lũ.
Lúc hai vợ chồng bước ra khỏi nhà, nước lũ đã lên cao quá bụng người, bèn cầu viện thêm ông Lê Đình Thống đi cùng để đề phòng bất trắc. Chồng đi trước dò đường, ông Thống đi giữa, vợ đi sau cùng. “Nhà cách trường gần 4 cây số, nước lũ mỗi lúc một to, ngập sâu đến ức người.
Bầy tui mò mẫm trên đường xe lửa lúc này đã bị nước lũ đánh tung để đến lớp. Khi đến nhánh sông Hôi Hối - cách trường chừng hơn trăm mét - bỗng nhiên nước lũ ở đâu đổ xuống như trời sập đã tống bầy tui bổ nhào, cuốn mỗi người đi một nẻo. Tui bơi lại chụp quai mũ bảo hiểm cứu vợ. Thật chẳng may quai mũ đứt phăng, vợ tui bị nước lũ cuốn đi trong nháy mắt” - ông Trung buồn bã nhớ lại cảnh tượng xảy ra sáng hôm ấy. “Tui kêu cứu đến khản cổ họng. Dân trong xóm hỏa tốc tổ chức ứng cứu, nhưng không có kết quả”. Ba ngày sau, thi thể cô Hoa nổi trên sông Ngàn Sâu.
Trong đám tang cô Hoa, người dân Hương Thủy, đồng nghiệp và cả những đứa trẻ mẫu giáo lớn đã không kìm được dòng nước mắt tiếc thương. Những cô học trò lớp mẫu giáo lớn khóc gào đòi “ông trời” trả cô về cõi sống. Ông Nguyễn Trọng Phi - hàng xóm cô Hoa - buồn bã: “Cái chết của cô khiến người dân đây bị sốc, đau đớn. Mà chẳng lẽ cuộc sống ni không có chỗ cho hai chữ công bằng là thật phải không chú?
Sao mà người có tâm, có tài luôn gặp sự chẳng may thế?”. Cô Hoa sinh năm 1975, 17 năm đi dạy mẫu giáo. Thời trường chưa có, công giáo viên mầm non được trả đấu lúa, yến ngô, cô Hoa chưa một lần có ý định sẽ bỏ nghề. Cô vừa dạy, vừa đi học sơ cấp, đến trung cấp, học lên đại học.
Bằng cấp tử tế, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, nhưng mãi đến tháng 5.2009, cô mới chính thức được nhận vào biên chế nhà nước. “Mười mấy năm liền là Đảng viên, với đồng phụ cấp ít ỏi, vợ không nửa lời than phiền. Khi đã được biên chế, vợ tự đi thi học lên đại học từ xa ở dưới thành phố Hà Tĩnh. Vợ nói học không thừa, giáo viên mầm non hay ngành nghề chi cũng phải tự nâng cao tri thức cho bản thân. Mới học được một năm thì...” - giọng ông Trung nghẹn lại.
Sau cái chết thảm thương của cô giáo Trần Thị Hoa, các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh Hà Tĩnh đã rầm rộ tổ chức thăm viếng, hỗ trợ gia đình. Trong chuyến cứu trợ bão lụt sau đó ít lâu, lãnh đạo Bộ GDĐT cũng đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình cô. Sau đó, ngày 9.11.2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký bằng khen: “Truy tặng bà Trần Thị Hoa - giáo viên Trường Mầm non xã Hương Thủy, Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có hành động dũng cảm xả thân vì học sinh thân yêu, bảo vệ tài sản trường học trong đợt lũ tháng 10.2010 trên địa bàn Hà Tĩnh” - bằng khen viết.
Huyện không chịu duyệt hồ sơ công nhận liệt sĩ
Thời gian sau, ông Nguyễn Hồng Quân - anh trai ông Trung - đem hồ sơ, bằng khen của Thủ tướng lên tận Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh hỏi xem em dâu mình - cô giáo Hoa - có đủ điều kiện để làm hồ sơ công nhận liệt sĩ. “Sở bảo đủ điều kiện làm chế độ cho em tôi. Tôi và chú ấy liền làm đầy đủ các hồ sơ, thủ tục đem lên xã ký, lên huyện nộp.
Thế nhưng, trong hai năm qua, nghe đâu huyện tổ chức nhiều cuộc họp rồi mà hồ sơ không được thông qua và bị “treo” luôn” - ông Quân cho biết. Ngồi cạnh, ông Trung rầu rĩ: “Ông Phú - Chủ tịch xã - nói là mấy cơ quan trên huyện lý luận rằng vợ tui mất trong điều kiện không có lệnh điều động. Rứa là họ không thông qua. Sao mà họ làm thế được chứ?
Tài sản của trường, tài sản của Nhà nước, dù có điều động hay không cũng phải đi. 4-5 triệu tiền sách vở, đồ dùng dạy học cho các cháu xã vùng núi đang hết sức khó khăn như Hương Thủy là tài sản lớn lắm, phải cứu là việc phải làm. Bây giờ lý luận với nhau là vậy, nhưng biết làm sao được khi mà tiền chế độ mai táng cũng phải hai năm sau mới được huyện giải quyết thì khó có chuyện huyện thông qua hồ sơ công nhận liệt sĩ cho vợ tui nữa đâu”.
Ông Trung cho biết thêm rằng, vào sáng ngày cô Hoa bị lũ cuốn đã có một cuộc điện thoại gọi vào số máy vợ. Nay, điện thoại, sim bị nước lũ phá hỏng nên không thể khẳng định được rằng vợ mình có bị điều động đi cứu trường hôm ấy hay không.
Tiếp tục tìm hiểu câu chuyện thừa nhận cái chết của cô Hoa, tôi tìm đến Trường Mầm non Hương Thủy xin gặp cô Lê Thị Hoa Lài - Hiệu trưởng - nhưng cô đi vắng. Giáo viên của trường tỏ ra e dè và phải thuyết phục rất lâu, họ mới cho tôi xin được số điện thoại cô Lài. Khi gọi điện, máy cô Lài khi thì bận, khi không bắt máy.
Và cũng phải thuyết phục rất lâu, cô giáo Hoàng Thị Song Hương mới nói về đồng nghiệp và chỉ nói những lời tốt đẹp. Còn những chuyện khác, cô bảo “tui không có thẩm quyền trả lời”.
Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy - quả quyết: “Cái chết của cô Trần Thị Hoa xứng đáng được làm chế độ liệt sĩ.
Về hồ sơ, xã tôi không có vấn để gì cả và cũng đã đề nghị nhiều lần rồi. Thế mà sao huyện họp vẫn không thể thông qua. Người thì đồng ý, người lý lẽ thế này, thế khác nên nó cứ “treo” thế đấy. Nếu không làm chế độ cho cô Hoa thì quả thật là hết sức thiệt thòi. Mong sao huyện nói được, dù ký hồ sơ cho cô Hoa chục lần, tôi vẫn ký”.
Ông Phú khuyên tôi nên trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê phụ trách văn xã Hoàng Công Lý mới ra vấn đề. Tuy nhiên, ông Lý khi trao đổi với tôi qua điện thoại sau đó cho rằng, mình chưa nắm rõ. Sau đó nữa thì xin khất câu trả lời với lý do đang tổ chức 20.11, nên hội trường ồn ào không nghe rõ.
Và cuối cùng, sau khi bị tôi “thúc ép”, ông nói lúc xảy ra sự việc cô Hoa, ông chưa được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện nên không nắm rõ... Hết cách, tôi điện thoại vào số máy bàn của ông Đinh Hữu Tân - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - niêm yết trên trang thông tin huyện, nhưng không có người bắt máy.
Tôi gọi vào số di động nhiều lần, ông Tân cũng không bắt máy. Vậy là hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi sao không thừa nhận cái chết của cô Trần Thị Hoa của tôi đến thời điểm này vẫn chưa mang lại kết quả.
Rời Hương Thủy khi trời đã trở tối, tôi cứ đau đáu với những câu hỏi và tâm sự nghe đau xé lòng của một người chồng, người cha:
“Tui còn phải chờ đến khi mô nữa chú hè? Tới lui thưa trình mãi mà không có kết quả, có khi buồn và thất vọng quá, tui lại ra sông Ngàn Sâu thắp nén nhang kể chuyện với hương hồn vợ. Tui nói vợ đừng buồn, rồi cũng có lúc chính quyền người ta sẽ nghĩ lại để ghi nhận, đánh giá đúng về cái chết oan uổng của vợ.
Không biết vợ tui có nghe không, nhưng không nói với hương hồn vợ thì tui biết nói với ai? Chừ gặp chú đây, một lần nữa nhờ chú nói răng để các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh nghe được, rồi bằng cái tâm mà công nhận sự hy sinh của vợ tui, để cái chết của vợ tui không trở thành vô nghĩa...
Lần ni mà được, chắc vợ tui ở nơi chín suối sẽ vui lắm. Cũng là để hai con tui còn có niềm tin mà nuôi khát vọng theo nghiệp trồng người của mẹ nó...”.Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn