1001 chiêu giả điên
Theo các bác sỹ ở Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương, bệnh nhân được đưa vào giám định thường được theo dõi từ 3 đến 6 tuần là có thể phát hiện ra có mắc các chứng bệnh về tâm thần hay không. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các bác sỹ phải theo dõi đến 6 tháng mới có kết luận cuối cùng.
Bằng nghiệp vụ và các phương tiện hỗ trợ, trong những năm qua, các bác sỹ ở Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương đã trả về cho các cơ quan tố tụng hàng trăm trường hợp được đưa vào Viện trong tình trạng có biểu hiện như bệnh tâm thần nhưng thực tế là “tỉnh như sáo”. |
Mới đây nhất, hai anh em họ có hộ khẩu ở huyện Thường Tín (Hà Nội), được đưa vào viện sau một vụ ẩu đả dẫn đến chết người. Cả hai người này đã vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương “nằm”, sau đó được đưa sang Viện Giám định pháp y tâm thần giám định. Sau một thời gian rất ngắn, các bác sỹ đã kết luận: Cả hai không có bệnh về tâm thần, cố tình giả điên để trốn tội!
BS Ngô Văn Vinh- Giám đốc Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương nhớ nhất một trường hợp khiến các bác sỹ phải theo dõi đến 6 tháng (đây cũng là trường hợp phải theo dõi lâu nhất) mới phát hiện được bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Phạm nhân tên là N.N.L tìm cách trốn tội. Trong khi đó, động kinh là một loại bệnh tâm thần rất khó xác định. Sau nhiều tháng theo dõi, các bác sỹ đã kết luận đối tượng này hoàn toàn có đủ khả năng điều khiển hành vi của bản thân và đã trả L về cho cơ quan tố tụng tiếp tục tiến hành vụ án.
Các đối tượng giả bệnh thường nghĩ ra rất nhiều trò nhằm qua mắt bác sỹ. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng bác sỹ “cạy miệng cũng không nói gì”. Tuy nhiên qua theo dõi, người này thi thoảng vẫn nói chuyện với các bệnh nhân khác. Đây cũng chính là một căn cứ để bác sỹ có thể kết luận về tình trạng sức khỏe thực sự của bệnh nhân.
Có những “ca” khó hơn là đối tượng biểu hiện như người bị bệnh ảo thanh, ảo giác…Với những người thực sự mắc chứng bệnh này, họ thường có biểu hiện lo sợ, tìm cách chống chọi lại nỗi sợ như chui xuống gầm giường, bịt tai, trùm chăn… Tuy nhiên, có những bệnh nhân biểu hiện là mình mắc bệnh ảo thanh nhưng khi cho ở một mình thì lại chẳng có hành vi nào liên quan đến nỗi sợ đó…
Khuôn viên Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương. Ảnh: Phượng Hoàng
Giả điên thường không... lôgic
Các bệnh nhân giả điên thường không trốn viện trong khi các bệnh nhân tâm thần thực sự thì luôn phủ nhận bệnh của mình, tìm mọi cách trốn khỏi sự quản thúc.
Các bác sỹ ở Viện Giám định pháp y tâm thần cũng cho biết, chính môi trường bệnh viện tâm thần cũng khiến những kẻ giả điên học được những hành vi của người tâm thần thực sự. Đây cũng là một trong những chiêu mà những kẻ giả điên luôn sáng tạo ra nhằm che mắt các bác sỹ.
BS Ngô Văn Vinh cho biết, tỷ lệ những người vào viện tâm thần và phát hiện không có bệnh chiếm khoảng hơn 4% tổng số bệnh nhân. Đáng chú ý, các bệnh nhân được đưa vào viện, sau đó được phát hiện không có bệnh thì đều liên quan đến các vụ án. Không ít trường hợp bệnh nhân gây án xong rồi tự tìm cách vào bệnh viện tâm thần hòng trốn tội.
Trong khi đó, việc giám định tâm thần có những phức tạp nhất định. Có tới 300 thể rối loạn tâm thần khác nhau. Để kết luận bệnh nhân có mắc bệnh tâm thần hay không, các bác sỹ không chỉ dựa trên việc khám lâm sàng mà chủ yếu căn cứ vào hồ sơ người bệnh cũng như các nguồn chứng cứ như gia đình, người thân, hàng xóm, các bệnh nhân khác cùng phòng… Sau đó là sự theo dõi chặt chẽ cũng như thông qua các phương tiện hỗ trợ rồi mới kết luận về người bệnh.
Với những người không mắc tâm thần mà cố tình giả điên thì các hành vi thường không có sự lôgic. Chính vì thế, những trường hợp này trước sau đều bị phát giác.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn