Nhân viên nhà tàu khoe tài "bảo kê": "Cứ lên đấy, bọn anh lo hết"

Thứ bảy - 10/06/2017 00:27
Tuyển khẳng định chắc nịch: “Cứ lên đấy bọn anh lo hết, cả cửa ga ra cũng không có vấn đề gì”.

Từ thông tin của rất nhiều hành khách đã từng sử dụng các tuyến tàu từ ga Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, các tiêu cực gây thất thoát cho ngành đường sắt không nhỏ. Bởi vì cò mồi hoạt động ở đây liên tục.

Tất nhiên phải có lợi nhuận thì "cò" mới tồn tại được. Quan trọng hơn phải có một liên minh ma quỷ đứng đằng sau "mở cửa" cho "cò" thì họ mới có thể chèo kéo khách và khẳng định như đinh đóng cột là đưa được người đi tàu chui bất kể tuyến nào với số lượng bao nhiêu.

Ngay tại quầy bán tạp hóa tại ga Hà Nội, người bán hàng cũng kiêm luôn “cò”. Họ ngang nhiên mời khách đi tàu chui, mà kỳ lạ là nhóm bảo vệ ngồi trực gần đó nghe thấy rõ ràng nhưng dường như không quan tâm, "việc ai nấy làm”.

Muốn mua vé đi tàu, hành khách phải xếp hàng lấy số thứ tự và chờ đến số của mình.

Khi vào ga, chúng tôi thấy tại quầy tạp hóa bên trái nhà ga, người bán hàng hỏi chúng tôi “có đi tàu hay mua vé không” rồi lại quay sang trò chuyện với bảo vệ rất vui vẻ. Những người bảo vệ thì cũng thản nhiên pha trà, châm thuốc hút như thể những việc đang xảy ra trước mắt là hiển nhiên, thuận lẽ thường tình.

Ngồi uống nước ở phía trong ga, người bán hàng biết chúng tôi muốn bắt tàu vào Vinh nhưng không mua được chỗ tốt thì liền liên hệ và gọi ra một người mặc đồng phục nhân viên trên tàu. Người này giới thiệu tên là Phạm Văn Tuyển, thuộc tổ phục vụ đoàn tàu mang số hiệu SE3 khởi hành tại ga Hà Nội lúc 23h ngày 24/10/2013.

Đúng 22h, Tuyển mặc đồng phục, đeo phù hiệu ra ga đón chúng tôi. Tuyển chỉ là nhân viên đi tàu chứ không phải là trưởng tàu như Nguyễn Văn Linh mà chúng tôi đã đề cập đến trong bài trước. Gặp chúng tôi, Tuyển bắt đầu “làm giá”. Tuyển lấy chúng tôi 400.000 đồng. Chúng tôi cò kè mặc cả để Tuyển “giảm giá” nhưng cậu nhân viên này nhất quyết không bớt. Tuyển nhận tiền ngay tại cửa ga.

Khi chúng tôi nhắc đến trưởng tàu Nguyễn Văn Linh, Tuyển khoe quá quen với vị trưởng tàu trẻ này. “Có khi khách quen của thằng Linh còn đẩy sang đi với bọn em vì không đúng chuyến” - Tuyển hào hứng kể. Tuyển đưa cho chúng tôi một tấm thẻ ưu đãi dành cho cán bộ ngành đường sắt để qua cửa kiểm soát nhà ga và dặn: “Qua cửa soát vé có bị hỏi thì chị bảo là chị trông gác chắn tàu ở Hải Dương nhé”. Sau khi qua cửa kiểm soát trót lọt, Tuyển lại thu tấm thẻ lại luôn.

Giá vé của Tuyển đưa chỉ 241.000 đồng nhưng chúng tôi phải trả 400.000 đồng.

Toa số 9 là toa mà nhân viên này đã “kết nối” cho chúng tôi. Tuyển dặn một cậu trong nhóm khách: "Cứ lên toa số 9, anh đã dặn người trên đấy rồi” - Tuyển khẳng định chắc nịch -“Cứ lên đấy bọn anh lo hết, cả cửa ga ra cũng không có vấn đề gì”. Khi cậu khách này vẫn tỏ vẻ lo sợ đầu Vinh không ra cổng được thì Tuyển khẳng định thêm lần nữa: "Sẽ có người đưa em ra cổng. Bọn anh làm thì phải có người cho ra chứ".

Đáng chú ý là trong lúc nói chuyện với chúng tôi, Tuyển còn khoe có thể đưa người đi tập thể: "5 người cũng được... Bọn em trên toa trưởng tàu có đủ". Tuyển bảo, khoảng 10 người đổ lại thì Tuyển “bảo kê” vô tư. Trên tàu lúc nào cũng có sẵn 10 giường tại toa dành cho tổ phục vụ nên nếu có nhu cầu thì đi lúc nào cũng được. Giá tiền đi hành trình Bắc Nam cùng Tuyển là 1 triệu đồng/người.

Cũng giống như chuyến đi trước, lên tàu chúng tôi không gặp bất kỳ sự cản trở nào. Gần 5 giờ sáng ngày 25/10, tàu đến ga Vinh. Tuyển đưa cho chúng tôi 1 tấm vé tàu ngồi mềm điều hòa giá 241.000 đồng nhằm mục đích “hợp thức hóa” cửa kiểm soát ra của nhà ga.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về "liên minh ma quỷ" này đến độc giả trong các kỳ sau.




Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây