Người đàn bà có con mang án tử, cháu án chung thân

Thứ năm - 08/06/2017 23:28
(Hatinhnews) - Lúc nghe tin hai mẹ con Hạnh bị bắt vì tội buôn bán ma túy, bà không tin đó là sự thật. Bà nói cuộc đời của Hạnh khổ nhiều lắm, ai ngờ nó lại đi buôn cái hàng giết người đó, đồng thời lại kéo cả con của mình cùng tham gia.

Nghèo đói, mẹ rủ con đi buôn ma túy

Đã nhiều lần chúng tôi tìm đến căn nhà bà Nguyễn Thị Vỉa (SN 1945), tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh (Nghệ An) nhưng  luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Hàng xóm cho biết, dạo này bà hay đau ốm nên thường xuyên xuống viện khám, lấy thuốc.

Bà Vỉa kể, Nguyễn Thị Hạnh (SN 1969) là kết quả của cuộc tình chóng vánh khi bà theo thanh niên lên làm công nhân ở huyện Nghĩa Đàn. Lúc đó bà gặp và đem lòng yêu thương, trao thân cho một người lính trẻ người Hải Phòng.

Thế nhưng ngày bà báo tin mang thai cũng là ngày người này nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Chưa kịp sinh con thì bà nhận được hung tin là chồng chưa cưới đã hi sinh ở chiến trường miền Nam. Thương cái thai trong bụng đã lớn, bà để vậy và sinh con.

Hạnh sinh ra đã mồ côi bố, tuổi thơ cô bé cũng là những chuỗi ngày đau khổ. Khi Hạnh vừa tròn hai tuổi, bà Vỉa phải gửi cho nhà ngoại để bôn ba làm ăn kiếm sống.

Nguyễn Thị Hạnh cùng tang vật ngày mới bị bắt

Mấy năm sau đó, bà gặp được người đàn ông đã có vợ, con riêng; hai người trở thành vợ chồng. Hạnh được mẹ đón về nuôi từ đó, cùng với người anh con riêng của cha dượng. Cuộc sống khó khăn lại thêm túng quẫn khi bà Vỉa lần lượt sinh thêm ba người con cho chồng. Lớn lên, cũng như bao thiếu nữ khác, Hạnh gặp và yêu một người đàn ông tên là Nguyễn Văn Thao, quê ở TP. Vinh.

Do bố mẹ không đồng ý nên hai người dọn về ở chung mà không đăng ký kết hôn. Tình yêu chắp vá nhanh chóng đổ vỡ khi đứa con trai duy nhất tên Chiến mới tròn 2 tuổi, Hạnh và chồng chia tay.  

Từ đây, Hạnh bế con lang bạt khắp nơi kiếm sống, chị làm đủ nghề như bán nước mía, chạy chợ, làm công nhân công ty... Dù lao động cật lực nhưng số tiền Hạnh kiếm ra vẫn không đủ để lo cho cuộc sống của hai mẹ con.

Một lần tình cờ Hạnh gặp được bạn làm ăn bên Lào về. Nghe rủ rê sang đó kiếm tiền dễ hơn nên năm 2002, Hạnh gửi đứa con cho bà Vỉa, làm hộ chiếu rồi sang Lào mở quán nhậu tại thủ đô Viêng Chăn.

Cuộc sống khắc nghiệt nơi đất khách quê người làm cho Hạnh cứng cỏi, liều lĩnh, mạnh dạn hẳn lên. Dù kiếm được ít tiền nhưng Hạnh vẫn tích cóp gửi tiền về cho bà ngoại nuôi đứa cháu đang học tại TP. Vinh.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên đôi vai người phụ nữ ấy, không biết đường đời xô đẩy thế nào mà nó lại đưa Hạnh gặp và quen với những kẻ làm ăn phi pháp, buôn ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

Lúc đầu khi được gợi ý tham gia Hạnh cũng từ chối, nhưng thấy món lời quá lớn từ việc buôn ma túy, Hạnh mờ mắt. Dần dần Hạnh cũng theo và trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia này.

Vận dụng các mối quan hệ ở Việt Nam cũng như những vị khách "khả nghi" tại Viêng Chăn, Hạnh đã bắt đầu những chuyến hàng đầu tiên của đời mình. Lấy lí do về quê thăm con, Hạnh đã nhiều lần vận chuyển trót lọt ma túy qua cửa khẩu. "Hàng" sau đó được đưa về Vinh rồi chuyển vào TP Hồ Chí Minh hoặc Quảng Bình tùy thuộc vào đối tác.

Không những không nhận ra con đường phạm tội của mình, Nguyễn Thị Hạnh còn lôi kéo con mình là Nguyễn Cảnh Chiến, lúc này đang là học sinh của một trường THPT trên địa bàn TP. Vinh vào tham gia cùng.

Những lần không trực tiếp về thì Hạnh gửi qua xe khách theo dạng quà cáp, sau đó chỉ đạo cho Chiến ra nhận hàng và sau đó giao cho các đối tác.

Hạnh (áo trắng) và con trai (áo xanh đậm) và đồng bọn đứng trước vành móng ngựa tại phiên tòa xét xử

Sau nhiều lần vận chuyển trót lọt, cuối cùng Hạnh và đứa con của mình cũng đã bị bắt quả tang.

Tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, kiểm tra xe ôtô nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam có vật lạ bên trong. Kết quả kiểm tra phát hiện bên trong thùng sơn có chứa 7 gói được dán kín bằng giấy thiếc màu trắng, Nguyễn Thị Hạnh khai nhận đó là 7 gói ma túy tổng hợp dạng đá do mình mua ở Lào rồi giấu vào thùng sơn vận chuyển về Việt Nam để tiêu thụ.

Qua xác định, công an cho biết đó là ma túy, có khối lượng 5,4kg. Không lâu sau đó cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi vụ án hình sự “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã khởi tố tiếp 4 bị can gồm: Nguyễn Cảnh Chiến (con trai của Hạnh); Hà Thúc Cheng (SN 1974) trú tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Hiền Nam (SN 1973) trú tại quận 10, TP.HCM và Nguyễn Thị Phương Thanh (SN 1987), trú cùng địa chỉ trên.

Theo khai nhận của Hạnh và các đối tượng liên quan, từ tháng 4/2011, sau khi thiết lập đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam do Hạnh cầm đầu, đến tháng 8/2011, Hạnh đã trực tiếp tham gia 8 lần mua bán ma túy.

Tổng số tiền Hạnh trực tiếp nhận từ các đối tượng trong 8 lần “giao dịch” là 182.500 USD và 1 tỷ 331 triệu đồng, tham gia vận chuyển 8,750 kg ma túy tổng hợp loại Methamphetamin cho các đối tượng.

TAND tỉnh Hà Tĩnh sau đó đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm công khai. Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hạnh án tử hình; Nguyễn Cảnh Chiến, Hà Thúc Cheng nhận án chung thân; Nguyễn Hiền Nam 20 năm tù giam; Trần Thị Phương Thanh 14 năm tù giam.

Nước mắt cạn rơi

Bà Vỉa cho biết, hôm nhận được hung tin bà vẫn không tin đó là sự thật. Với bà thì Hạnh không bao giờ dám làm chuyện tày đình như vậy. Nhưng rồi bà cũng đành phải tin khi các anh công an về tận nơi báo cho biết.

“Lúc đó mắt tôi bỗng mờ đi, đứng cũng không vững nữa, mọi người có mặt phải dìu tôi vào giường nằm nghỉ. Cả cái khu phố này cũng không ai tin con Hạnh lại dám làm liều như vậy. Đã vậy nó lại còn kéo theo thằng Chiến vào nữa chứ”, bà Vỉa buồn rầu nhớ lại.

Bà Vỉa, mẹ của Hạnh trò chuyện với phóng viên về nỗi lòng của người mẹ có con mang án tử hình, cháu chung thân vì ma túy

Từ hôm đó sức khỏe của bà suy sụp hẳn, bà thường xuyên phải đi bệnh viện. Những khi về nhà bà luôn đóng cửa thu mình trong căn nhà nhỏ ấy, chứ không dám ra đường vì sợ bị người ta dị nghị.

Sau khi Hạnh và Chiến vào tù, bà Vỉa cũng có vào trại thăm con, cháu mấy lần. Nhìn con gái gầy gò, ốm yếu trông thấy, bà như đứt từng khúc ruột. Bà không trách con mình vì phận đã rồi, giờ có nói cũng không thay đổi được.

“Tôi có hỏi tại sao con làm vậy nhưng nó không nói, nó chỉ tự nhận lỗi lầm là do mình chứ không trách cứ ai. Tội nghiệp, từ nhỏ nó đã sống trong bất hạnh, tôi là mẹ mà không lo được cho con đàng hoàng để rồi hôm nay phải đón nhận kết cục bi đát", bà Vỉa nói.

Thương cháu, giận con vì đã dính vào con đường tội lỗi đó, bà Vỉa nhiều đêm không ngủ được. Bà cứ trằn trọc suy nghĩ về cuộc đời của Hạnh.

Ngày tòa mở phiên xử mẹ con Hạnh và đồng bọn, vì sức khỏe yếu nên bà lại phải vào viện, đứa con út của bà là anh Trung đi dự. Bà nói nếu mình vào đó mà nghe tòa tuyên con tử hình, cháu tù chung thân thì chắc bà sẽ không sống nổi nữa.

Nhưng rồi bà cũng dành phải chấp nhận sự thật đó, nước mắt bà khóc cạn đi vì đứa con và cháu ngoại. Nỗi đau vẫn chưa dừng lại đó khi vợ của Chiến đã  bỏ đi để lại đứa con nhỏ của hai người mới hơn một tuổi.

Vì sức khỏe già yếu, bà Vỉa không nuôi nổi cháu nên đã giao cho phía bên nhà ngoại. May là họ còn nhận cháu ngoại để nuôi nấng nó chứ giờ thì cha vào tù, mẹ bỏ đi nó biết sống ở đâu.

“Đợt đó nếu đằng ngoại không nuôi thì tôi cũng đành ngậm ngùi gửi cháu vào trại trẻ mồ côi thôi. Sức khỏe tôi thế này sống còn được bao lâu nữa, mà tôi nuôi cháu lớn lên thì không sao, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra, người ta lại đè đầu của tôi mà nói thôi”, bà phân trần khi tôi hỏi vì sao không đưa cháu con của Chiến về nuôi.

Lá đơn xin giảm án, bà Vỉa viết xin cho con mà không gửi vì biết rằng không thể nào thay đổi hình phạt mà tòa án đã dành cho con mình

Đang ngồi nói chuyện bà lôi từ trong tủ ra đưa cho tôi một tờ đơn xin giảm án cho đứa con tội lỗi của mình. Lá đơn dài hai trang giấy bà viết về cuộc đời cơ cực của đứa con gái mình. Cuối đơn bà thể hiện tâm nguyện của mình là xin pháp luật khoan hồng cho con, cháu mình, giảm án cho hai người để có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Giờ đây, khi nước mắt của người mẹ già đã cạn, bà chỉ mong rằng thời gian chờ thi hành án của Hạnh kéo dài để cô còn có thể sống thêm thời gian nữa. Còn với Chiến, thì bà chỉ mong Chiến hãy sớm tu tỉnh, cái tạo tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình.

Theo zing.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây