Bán đất tràn lan
Có mặt tại quốc lộ 1A đoạn qua ngã ba xã Kỳ Long (Kỳ Anh) chúng tôi chứng kiến hàng trăm chiếc xe ben chở đất chạy bạt mạng vào khu đất dự án Formosa làm cho bụi bay mù trời, người dân sống hai bên đường dường như không còn lựa chọn nào khác là sống chung với ô nhiễm. Bám theo từng đoàn xe ben vừa đổ đất cho Formosa ra, chúng tôi đến xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) và khá bất ngờ thấy xe nối xe tấp vào các mỏ đá để ăn hàng...
Khai thác đất đá trái phép ở đồi Cụp Bưởi, xã Kỳ Phương. Ảnh: HD |
Vừa dừng xe trước mỏ đá Hồng Sơn, chúng tôi thấy ba chiếc xe ben vừa ăn hàng xong đang trên đường chạy ra. Nhìn lên mỏ đá chỉ thấy đất bụi bay mù mịt, hai chiếc xe chuyện dụng đang múc đất đổ ào ào lên thùng của những chiếc xe ben nằm chầu chực. Khi PV đóng vai khách hàng nói cần mua một số lượng đất lớn để san lấp mặt bằng, ông Ân (chủ mỏ đá Hồng Sơn) giới thiệu, mỏ đá của ông có trữ lượng khoảng 1 triệu m3 đất. Hàng ngày có rất nhiều xe vào, ra mua đất san lấp mặt bằng. Ông Ân ra giá, nếu đưa máy đến múc lấy đất, ông tính cho 5.000 đồng/1m3. Nếu ông cho máy đào xúc đất lên xe thì sẽ tính 10.000 đồng/1m3. Ông cười nói: "Đất ở mỏ đá tui bán rất thoải mái, chủ yếu đất thải. Chuyện thuế má không phải mất".
Vừa ra khỏi mỏ đá Hồng Sơn chúng tôi thấy một đoàn xe đang chạy vào mỏ đá Phú Doanh. Bám theo đoàn xe này vào mỏ, chúng tôi đã bị một thanh niên nói giọng Bắc chặn lại không cho vào. Khi biết chúng tôi cần mua đất, người thanh niên mới chào hỏi, giới thiệu ông chủ của mỏ đá Phú Doanh là người Đài Loan đang đi vắng, có gì liên hệ sau.
Nhìn vào mỏ, trước mắt chúng tôi là một ngọn đồi khoảng 4 ha đã bị san bằng. Nhiều chỗ máy đã đào sâu đến 4 - 5m, tạo nên những hố đất loang lổ. Xung quanh khu mỏ không thấy một dấu hiệu nào liên quan đến khai thác đá.
Tương tự ở mỏ đá mồng 1-9, mỏ đá Trường Thành, doanh nghiệp cũng đang lợi dụng bốc đất phong hóa (lớp đất tầng phủ nằm phía trên) bán, khiến cho những quả đồi đất bị đào bới giống như một đại công trường. Tại mỏ đá mồng 1-9, tuy có khoảng 4-5 ha đồi nằm dưới chân núi của dãy Hoành Sơn bị bạt bằng nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở đường lên núi tập trung xe tải, máy ngoạm, xúc đất bán…
Ông Phạm Huy Tường, phó Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Kỳ Anh, thừa nhận ngoài một số mỏ đá đang bán đất phong hóa, gây thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường thì còn có một số người dân đang lợi dụng xin giấy tờ cải tạo vườn đồi, ao hồ nhưng thực chất bán đất trái phép.
Tiêu biểu hộ ông Tam ở xóm 10, xã Kỳ Trinh lợi dụng việc cải tạo hồ tôm nhưng bán đất cho doanh nghiệp An Thuận Phát san lấp mặt bằng. Khi cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản, đình chỉ khai thác, doanh nghiệp này vừa không hợp tác lại vừa cố tình khai thác đất ồ ạt hơn. Và còn ngang nhiên đánh bị thương một chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường huyện.
Thậm chí vị quan chức này thừa nhận tình trạng một số cán bộ ở xã Kỳ Phương đã "móc nối", tạo điều kiện cho người dân bán đất trái phép ở đồi Cụp Bưởi. Ngoài ra xe của một số cán bộ xã còn đến vận chuyển đất trái phép đi bán…
Khó quản lý
Nói về tình trạng khai thác đất trái phép đang diễn ra trên địa bàn huyện Kỳ Anh, ông Tường cho rằng khó quản lý, Phòng TNMT cũng bất lực. Nhiều trường hợp khai thác đất trái phép bị đình chỉ, lập biên bản nhưng vẫn tái diễn, đặc biệt một số doanh nghiệp tỏ ra phớt lờ pháp luật…
Một chiếc xe tải vừa ăn hàng ở mỏ đá Hồng Sơn chạy ra |
Còn ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh cho biết, nạn khai thác đất tràn lan ở Kỳ Anh là do dự án Formosa tiến hành san lấp mặt bằng không chịu xin cấp mỏ đất mà lại mua đất bên ngoài. "Đáng lẽ ra Formosa phải trình xin cấp mỏ đất để san lấp mặt bằng thì nay lại mua đất bên ngoài để được giá rẻ, khiến cho tình trạng khai thác, bán đất trái phép diễn ra công khai, cơ quan chức năng khó quản lý", ông Đinh nói.
Trước thực trạng khai thác đất đang diễn ra một cách thô bạo, bất chấp pháp luật ở Kỳ Anh, ông Đinh nói rằng đã có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh. Ngoài ra Sở này cũng đề nghị các cơ quan chức năng ở Kỳ Anh cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo nhưng mới ở một mức độ nào đó vẫn chưa đạt như yêu cầu…
Quá lỏng lẻo
Ông Trần Duy Trinh, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN - MT Hà Tĩnh cho rằng, các mỏ đá bán khoáng sản phụ đi kèm như đất là phải đóng phí tài nguyên môi trường và thuế cho Nhà nước. Thu phí và thuế ở các mỏ đá do cơ quan thuế thực hiện. Ngoài ra ông Trinh còn cho biết, một số mỏ đá trên địa bàn huyện Kỳ Anh có bề mặt đất phong hóa rất dày, có mỏ doanh nghiệp múc đất sâu từ 5-6m vẫn chưa gặp đá để khai thác. Nguyên nhân những mỏ đá đó được cấp trước năm 2010, không có khoan thăm dò, chỉ thực hiện cấp mỏ bằng việc chỉ trỏ…
Lợi dụng việc đào đất ở kênh tách nước thoát lũ qua đoạn xã Kỳ Long, Công ty cổ phần Lạc An huy động hàng chục xe ben đến chở đất đi san lấp mặt bằng. |
Ông Phạm Huy Tường cho biết thêm, đến thời điểm này vẫn chưa thu được đồng thuế nào từ các chủ mỏ đá bán đất phong hóa. "Muốn thu thuế phải biết mỏ đá có trữ lượng bao nhiêu. Nhưng các mỏ đá đang bán đất công khai ở Kỳ Anh không có thăm dò nên khó biết đường nào mà thu. Đây là sự quản lý lỏng lẻo về tài nguyên khoáng sản", ông Tường nói.
Theo infonet.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn