Trong căn nhà gỗ xập xệ ở thôn Quảng Tiến (CưM’Gar, tỉnh Dak Lak), cháu Nguyễn Thị Quỳnh Như (lớp 2) vừa vật lộn với căn bệnh ung thư hạch vừa gắng gượng lấy sách ra học để theo kịp bạn bè.
Cháu Như là con út của anh Nguyễn Ngọc Anh (53 tuổi) và chị Trần Thị Phúc (46 tuổi). Như còn người anh đầu học lớp 11 và người anh học lớp 7. Khi xưa, chị Phúc và anh Anh cưới nhau, hai bên gia đình đều nghèo nên chỉ dựng được căn nhà gỗ và mẩu đất nhỏ để trồng trọt. Cuộc sống làm nông của hai vợ chồng càng thêm khó khăn khi lo cho cả 3 con ăn học.
Tai họa ập đến năm 2013, anh Anh có biểu hiện bệnh tâm thần, hay nói nhảm, thậm chí hay nằm lăn qua, lăn lại dưới đất làm người lấm lem rồi cười một mình. Gia đình đưa đến bệnh viện tâm thần tỉnh Dak Lak khám và kết luận anh Anh bị tâm thần nên nằm viện mấy tháng trời điều trị. Từ đó, gánh nặng gia đình đè lên vai chị Phúc.
Cháu Như tập tô màu
Chưa dừng lại ở đó, vài tháng sau, đứa con gái út của chị Phúc là cháu Quỳnh Như, mới học lớp 2 có nhiều biểu hiện lạ như thường xuyên sốt, nổi hạch nhỏ khắp người, khó thở… Ban đầu, chị chỉ nghĩ cháu bị bệnh bình thường, có triệu chứng gì cứ ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống. Ban đầu bệnh cũng thuyên giảm dần, tuy nhiên những lần phát bệnh tiếp theo, tiệm thuốc tây cũng đành bó tay. Đỉnh điểm là khi cháu Như ngất xỉu, chị Phúc hoảng hốt đưa Như đến Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu.
“Hôm đưa cháu đi cấp cứu, trong nhà không còn một đồng, chỉ biết chạy ngược, chạy xuôi mượn được 1 triệu đồng. Sau 1 tháng điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm, tôi một lần nữa vay mượn tiền, đưa con vào bệnh viện ung bướu TP HCM để điều trị. Tại đây, cháu Như được chẩn đoán bị ung thư hạch giai đoạn 2. Nghe tin cháu bị ung thư, tôi choáng váng, con bé còn nhỏ quá. Hơn nữa gia đình tôi nghèo thế này, tiền đâu mà lo cho con!”, chị Phúc nói trong nước mắt.
Nỗi đau con trẻ
Chị Phúc cho biết, cháu Như bị khối hạch 50 li tại cổ, phải xạ trị nhiều lần. Mỗi lần xạ trị đều rất tốn kém. Xạ trị lần đầu, tóc của cháu Như rụng dần, giờ đây đầu cháu đã không còn tóc, ăn uống khó khăn thường xuyên nôn ọe.
Chị Phúc ngày nào cũng làm từ sáng đến tối, hễ ai kêu làm gì thì làm cái đó. Một mình chị gồng gánh cũng không thể nào lo nổi cuộc sống của 4 người trong gia đình.
Ngôi nhà gỗ,mái ấm của gia đình nghèo
Hàng xóm thấy gia cảnh nghèo khó, họ cùng vận động nhau góp tiền cho cháu Như chữa bệnh. Họ cũng xin phép chính quyền địa phương vận động tiền để lo cho cháu Như trị bệnh, nhờ người chăm sóc anh Anh khi chị Phúc đưa cháu như vào nam chữa bệnh.
Anh Trịnh Minh Vương, hàng xóm của chị Phúc cho biết: “Nhà hai vợ chồng chị Phúc sống ở đây đã lâu. Gia đình nghèo khó nên đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Căn nhà gỗ cũ hai vợ chồng anh chị gắn bó mấy chục năm rồi. Thời gian gần đây anh Anh bị tâm thần, đứa con út bị ung thư hạch, nên gia cảnh rất khốn cùng. Chính quyền địa phương và hàng xóm có tổ chức vận động nhưng ở thôn quê cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Vừa rồi, tôi và các anh em trong hội từ thiện có quyên góp được vài triệu đưa chị Phúc lo cho gia đình. Tuy nhiên so với căn bệnh ung thư quái ác thì con số đó chẳng thấm vào đâu cả”.
Trong thời gian chờ xạ trị lần 2, cháu Như vẫn cố gắng đi học. Nhiều khi sốt, khó thở… nhưng khi qua cơn, cháu lại chăm chỉ học bài. Nhìn nụ cười ngây thơ của cháu, có lẽ cái căn bệnh tên ung thư với em dường như còn quá mơ hồ. Cháu không hiểu nó tàn độc thế nào. Đôi lần đến lớp, bị bạn bè chọc “bé đầu trọc”, cháu về chỉ thắc mắc với mẹ mỗi một điều vì sao tóc cháu lại rụng hết sau đó ngay lập tức lại cười rồi lao vào nhà tập viết.
Chồng bị tâm thần, con ung thư hạch, mình thân chị Phúc chỉ còn biết vay mượn. Gia đình nhỏ kiệt quệ vì bệnh tật cần lắm sự giúp đỡ từ cộng đồng. Mong anh Anh vượt qua bệnh tâm thần để cùng chị Phúc lo cho cháu Như. Hi vọng điều kỳ diệu sẽ đến với cháu Như, cháu gái nhỏ dễ thương ham học.
Liên hệ giúp đỡ, chị Trần Thị Phúc, số nhà 237, tổ 5, thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện CưM’Gar, tỉnh Dak Lak. Số điện thoại : 01695583348 gặp chị Phúc. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn