Trong đơn thư của bà Đặng Thị Huyền (SN 1968, trú tại xóm 7, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) gửi tới Báo Dân trí, TAND, VKSND, Công an tỉnh Nghệ An trình bày rõ:
Vào khoảng 7h30’, ngày 9/7/2016, chồng bà là ông Nguyễn Ngọc Hòa (SN 1967, trú tại xóm 7, xã Nghi Vạn) và Lê Văn Hồng (SN 1965, trú cùng xóm) cùng một nhóm thợ tới xây nhà cho một gia đình tại xóm 1, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An.
Tại đây, do Lê Văn Hồng đi làm muộn nên ông Hòa (chồng bà Huyền) lên tiếng nhắc nhở. Tức tối, Hồng bất ngờ cầm một cái xà beng phóng về phía ông Hòa, khiến nạn nhân gục tại chỗ. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nạn nhân đã tử vong.
Bị cáo Lê Văn Hồng được TAND tối cao Hà Nội đưa ra xét xử với tội danh giết người. Tại bản án số 116/2016/HSST của TAND tỉnh Nghệ An và bản án số 200/2017/HSPT ngày 21/4/2017 của TAND tối cao Hà Nội tuyên phạt bị cáo Hồng 13 năm tù giam. Bồi thường 72 triệu đồng, cấp dưỡng cho bố đẻ ông Hòa mỗi tháng 300.000 đồng. Theo trình bày của gia đình, đến thời điểm hiện tại phía nhà ông Hồng mới bồi thường cho gia đình nạn nhân tổng số tiền là 30 triệu đồng.
Ngày 5/7/2017, phạm nhân Lê Văn Hồng được TAND tỉnh Nghệ An cho tại ngoại để điều trị bệnh theo quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù số 13 với thời hạn là 06 tháng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay ông Hồng đã trải qua gần 1 năm trời “được đặc xá” cho về nhà điều trị bệnh dù đã quá gần 6 tháng nhưng ông này vẫn sinh sống tại địa phương bình thường. Điều đáng nói, trở về địa phương ông Hồng vẫn đi làm thợ xây một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
Thậm chí ông Hồng còn đi xây dựng ở một số công trình tại thị xã Cửa Lò vào mùa hè năm 2017. Hàng ngày chứng kiến một phạm nhân đang mang án với tội danh giết người vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, làm việc sinh sống bình thường khiến cho người dân địa phương và gia đình nạn nhân không khỏi bức xúc.
Bà Huyền trình bày: “Tôi biết đây là chính sách của của Đảng và Nhà nước cho hưởng khoan hồng về điều trị bệnh tật, song tùy thuộc vào tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và những người xung quanh. Tuy nhiên đối với phạm nhân Hồng, tôi và gia đình kiến nghị yêu cầu TAND tỉnh Nghệ An lúc này là cần phải đi thi hành án trở lại. Đến nay, theo thông báo của TAND tỉnh Nghệ An gửi về cho gia đình tôi trước đó, thì nay phạm nhân Hồng đã quá 6 tháng rồi mà ông ấy vẫn cứ ngoài vòng pháp luật.
Gia đình tôi và gia đình phạm nhân Hồng là hàng xóm. Hàng ngày phạm nhân Hồng thường xuyên đi qua về lại vẫn sinh hoạt lao động như những công dân bình thường khác nên tạo cho gia đình, con cái tôi một cảm giác ức chế, tổn thương nhiều về tinh thần vì người giết chồng, cha chúng tôi cứ nhởn nhơ trước mặt”.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Xóm trưởng xóm 7, xã Nghi Vạn cho biết: Phía xóm cũng đã nhiều lần có ý kiến phản ánh lên xã về sự việc này.
“Gia đình phạm nhân Hồng thuộc diện khá giả con cái đã trưởng thành và có ăn học nhưng họ không có trách nhiệm với hành vi phạm tội mình gây ra. Hàng ngày phạm nhân Hồng vẫn đi làm bình thường, theo tôi được biết các trại giam trong toàn quốc có sự phối hợp với các bệnh viện địa phương hoặc các bệnh viện của công an tỉnh để thăm khám và điều trị bệnh cho phạm nhân. Tại sao với hành vi phạm tội của phạm nhân Hồng nhà nước lại có biện pháp như thế tạo ức chế cho nhân dân”, bà Huyền bức xúc.
Hoãn thi hành án để chạy thận giai đoạn cuối
Mỗi ngày trôi qua, phạm nhân Hồng vẫn đi làm, sinh hoạt như một người bình thường và không có biểu hiện gì của người mang bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Bởi thế gia đình bà Huyền đã làm đơn gửi TAND, VKSND, Công an tỉnh Nghệ An yêu cầu làm rõ.
Tại văn bản số 117/TA-CV, ngày 7/8/2017 về việc trả lời đơn thư của bà Đặng Thị Huyền do Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn ký nêu rõ: Ngày 15/6/2017 TAND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với bị án Lê Văn Hồng, tội danh giết người, án phạt 13 năm, tại bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 21/4/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Ngày 3/7/2017, TAND tỉnh Nghệ An nhận được công văn số 276/CQTHADS - PC81 về việc đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Nghệ An đối với người bị kết án Lê Văn Hồng. Lý do bị án đang mắc bệnh hiểm nghèo suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Xét thấy bị án Lê Văn Hồng có nơi cư trú rõ ràng, bản thân đang bị bệnh suy thận giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo chu kỳ thì bị án có đủ điều kiện được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật. Vì vậy, TAND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù số 13 ngày 5/7/2017 thời hạn 6 tháng đối với bị án Lê Văn Hồng.
Bị suy thận giai đoạn cuối vẫn làm việc bình thường?
Theo văn bản này thì bị án Lê Văn Hồng được hoãn thi hành án để điều trị bệnh có thời hạn là 6 tháng. Tuy nhiên, bị án đã về sinh sống tại địa phương gần 1 năm nay khiến nhiều người bức xúc. Nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về bệnh tật của bị án Lê Văn Hồng khi mỗi ngày người này vẫn đi làm thợ xây bình thường, đều đặn.
Phạm nhân Lê Văn Hồng vẫn đi làm thợ xây bình thường.
Trong quá trình điều tra, PV có mặt tại khu xóm 7, được người dân tại đây chỉ chỗ làm việc của phạm nhân Hồng cùng với một nhóm thợ hồ đang xây dựng một bức tường bao của một hộ gia đình trong xóm (xóm 7, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc). Tại đây phóng viên trực tiếp chứng kiến bị án Lê Văn Hồng vẫn làm việc bình thường, động tác nhanh nhẹn. Bị án mặc một chiếc áo phông màu trắng cổ viền đỏ…
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Xóm trưởng xóm 7, xã Nghi Vạn cho biết: “Phía xóm cũng đã nhiều lần có ý kiến phản ánh lên xã về sự việc này. Tôi chỉ nghe nói được về để điều trị bệnh trong vòng 6 tháng nhưng nay ông Hồng đã về được gần 1 năm vẫn đi lại, làm việc và sinh hoạt bình thường. Xóm cũng rất lo lắng nếu xảy ra thêm một vụ việc gì thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này”.
Bà Huyền bức xúc: “Đây là tội danh giết người chứ không phải là một tội danh bình thường không nguy hiểm. Thế mà bản án của tòa đã có, phạm nhân về nhà vẫn làm việc như thế thì liệu có gây nguy hiểm cho xã hội. Tôi kính mong các cơ quan chức năng xem xét làm rõ để thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật”.
Ông Trần Khắc Hồ - Trưởng công an xã Nghi Vạn cho biết: “Ông Hồng bị thận giai đoạn cuối, nó nổi đầy người nên cũng không ai dám động đến ông ấy. Chính quyền cũng có nhắc nhở cũng không ai dám giữ ông cả. Nếu giữ ông mà ông có chết trên xã thì mần răng được. Còn ông Hồng được về thì do Tòa án thôi và có công an xã, công an huyện về kiểm tra. Phía chính quyền địa phương chỉ có theo dõi”.
Việc phạm nhân Hồng được cho về địa phương để điều trị bệnh thận giai đoạn cuối, nhưng vẫn đi làm thợ xây bình thường, ông thấy như thế nào?
Ông Hồ - Trưởng công an xã Nghi Vạn cho rằng, khoa học Việt Nam ta không chuẩn. “Theo tôi thì khoa học Việt Nam ta không chuẩn. Người dân chúng tôi làm cán bộ thôi, không biết gì về khoa học. Tôi làm răng mà chống được. Chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở và viết kiểm điểm mà thôi”, ông Hồ cho biết thêm.
Trao đổi qua điện thoại với ông Trần Ngọc Sơn - Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An, ông Sơn cho biết: “Để tôi kiểm tra lại đã xem đã hết thời hạn chưa”.
Tại điểm 7, Điều 61 của BLHS nêu rõ: Người bị xử phạt tù nếu có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hoãn chấp hành hình phạt tù:
Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Trong khi đó, theo văn bản trả lời của TAND tỉnh Nghệ An thì bị án Lê Văn Hồng bị suy thận giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo theo chu kỳ. Nhưng suy thận có 5 cấp độ. Nếu như cấp độ 5 được coi như giai đoạn “chết”, thường gọi là giai đoạn cuối, khi mà thận không còn bất kỳ chức năng gì. Người mắc suy thận giai đoạn cuối hầu như không có khả năng lao động, làm việc, sinh hoạt rất khó khăn.
Dù chỉ ở suy thận cấp độ 4, thì thận của bệnh nhân đã bị hư hỏng khá nặng, mức độ lọc cầu thận đã giảm xuống 15 - 29 ml/phút/1,73m2. Bắt đầu từ lúc này, mọi phương pháp bảo tồn khác đều không có tác dụng, cách duy nhất để duy trì sự sống là thay thận, chạy thận, lọc máu… Bệnh nhân suy thận độ 4 sẽ phải đối mặt với tình trạng sức khỏe xuống dốc trầm trọng như: thiếu máu dẫn đến hoa mắt, choáng váng, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi.
Khó thở, sưng phù chân tay do bị ứ dịch. Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn, nước tiểu có màu bất thường, màu nâu, cảm thậm chí tiểu ra máu. Thận gần như mất hẳn chức năng nên chất độc không được lọc mà lắng đọng, khiến cơ thể càng thêm suy kiệt.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn