Các quyết định bổ nhiệm trái quy định pháp luật về xây dựng của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Bổ nhiệm Trưởng BQLDA trái với quy định hiện hành “Vừa đá bóng vừa thổi còi”
Theo hướng dẫn tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư và xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP tỉnh Hà Tĩnh tổ chức kiện toàn sáp nhập các BQLDA chuyên ngành là một chủ trương đúng. Tuy nhiên việc bổ nhiệm nhân sự Giám đốc BQLDA lại trái với quy định của pháp luật về xây dựng.
Tại Khoản 3, Điều 3 của Thông tư số 16/2016/TT-BXD có quy định “Không làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án, không làm tăng thêm biên chế BQLDA khi được sắp xếp, tổ chức lại hoạt động để thành lập BQLDA chuyên ngành, khu vực. Cán bộ, viên chức trong biên chế BQLDA chuyên ngành, khu vực không kiêm nhiệm các chức danh, nhiệm vụ công tác khác ngoài nhiệm vụ quản lý dự án được giao”
Theo đó, cán bộ viên chức trong biên chế BQLDA chuyên ngành khu vực không được kiêm nhiệm các chức danh, nhiệm vụ công tác khác ngoài nhiệm vụ quản lý dự án đây là một chủ trương đúng đắn nhằm tách bạch rõ ràng giữa quản lý nhà nước với quản lý dự án đầu tư nhằm hạn chế sự tiêu cực trong thẩm định, phê duyệt, tránh tình trạng “Vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Chủ trương là vậy nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh lại thực hiện trái với quy định hiện hành cụ thể tại các Quyết định: Số 3077/QĐ-UBND ngày 20/10/2017, về việc bổ nhiệm ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giữ chức Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; Số 3078/QĐ-UBND ngày 20/10/2017, bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Trưởng BQL Khu Kinh tế tỉnh giữ chức Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh; Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 20/10/2017, bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hệ lụy từ kiêm nhiệm
Sau khi các BQLDA được thành lâp, cán bộ, viên chức người lao động hy vọng sau khi kiện toàn, sáp nhập các Ban QLDA sẽ ổn định công ăn việc làm ai ngờ sau khi sáp nhập đến nay thời gian đã trên 5 tháng nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi thì một số cán bộ, viên chức và người lao động chưa được sắp xếp bố trí theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Việc sáp, nhập kiện toàn cơ bản là giữ nguyên trạng không làm xáo trộn hoạt động của Ban.
Vậy nhưng, sự chỉ đạo điều hành của một số Giám đốc Ban mới sau khi thành lập chưa thực hiện đúng theo quyết định của tỉnh dẫn đến không ít hệ lụy kèm theo.
Chẳng hạn như BQLDA xây dựng cơ bản ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh được thành lập tại Quyết định số 1822/QĐ-UBND ngày 25/6/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, với chức năng nhiệm vụ quản lý các dự án xây dựng cơ bản nguồn vốn trong nước do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Phạm vi, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là quản lý các công trình, dự án về thủy lợi, đê điều, xây dựng, lâm nghiệp, thủy sản, nông nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh do ông Nguyễn Xuân Hành là Trưởng Ban.
Theo tìm hiểu của chúng tôi sau khi thành lập năm 2012 một số dự án do phải kéo dài thời gian thực hiện nên nguồn chi phí quản lý dự án không còn để chi trả lương, trong khi đó cán bộ, viên chức, người lao động vẫn phải thực hiện, khó khăn chồng chất khó khăn chế độ tiền lương thường xuyên bị chậm.
Đến nay, đã là tháng 3 nhưng chế độ tiền lương của cán bộ, viên chức người lao động chưa biết thế nào ai sẽ chi trả, nợ bảo hiểm người lao động từ tháng 01/2018 đến nay.
Theo phản ánh của người lao động trong những năm qua mặc dù người làm công ăn lương đã khó khăn, nay với hy vọng việc sáp nhập kiện toàn Ban QLDA sẽ mở ra tia hy vọng nhưng lại thất vọng và hoang mang chưa biết đi đâu về đâu nếu Ban mới thành lập không tiếp nhận theo chủ trương của tỉnh.
Từ thực trạng trên, tỉnh Hà Tĩnh cần phải có hướng xử lý kịp thời nhằm ổn định hoạt động của các BQLDA. Chúng tôi sẽ phản ánh kỳ sau về sự “thờ ơ vô cảm” trong thực hiện sau sáp nhập của các BQLDA.