Tháng 4 về hoa loa kèn được bày bán nhiều trên phố.
Hoa loa kèn được chia thành hai họ là Loa kèn (Liliaceae) và Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae). Tùy vào từng loài mà chúng được gọi tên cụ thể khác nhau như: Loa kèn, huệ tây, lily, bách hợp… Những loại cây này thường nở hoa vào tháng tư hàng năm, có nhiều loại với màu sắc rực rỡ như trắng, đỏ, cam, vàng…
Theo TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang (Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam), ngoài tác dụng làm cảnh và trang trí, một số loại loa kèn thuộc chi Lilium còn có công dụng chữa bệnh, được dùng từ lâu đời trong y học cổ truyền với tên gọi chung là Bách hợp (vị thuốc tổng hợp từ nhiều loại loa kèn).
Lương y Phùng Tuấn Giang. |
“Vị thuốc Bách hợp theo y học cổ truyền có vị ngọt, đắng; tính mát; ích khí điều trung, nhuận tràng, lợi niệu, giải độc tiêu viêm.
Trong dân gian thường dùng để điều trị các bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi…); chứng hồi hộp, tâm phiền, đau vùng tim; cơ thể suy nhược; đại tiểu tiện bí do phế nhiệt; suy nhược cơ thể do âm hư…
Liều dùng mỗi ngày từ 6 – 12g, có thể dùng đơn độc hoặc phối ngũ với các vị thuốc khác để điều trị bệnh cụ thể.
Tuy phần củ có tác dụng chữa bệnh, nhưng phấn của những loại hoa loa kèn lại có khả năng gây các bệnh liên quan đến dị ứng, rất nhiều trường hợp mắc viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc do phấn hoa loa kèn”, TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang cho biết.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang cũng chia sẻ thêm về công dụng chữa bệnh của từng loại hoa loa kèn dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học.
Loài Lilium longiflorum
Hoa loa kèn trắng hay còn gọi là huệ tây, hoa Lys (Lilium longiflorum) là một loài thực vật thuộc chi Lilium, họ Loa kèn (Liliaceae). Đây là loài loa kèn phổ biến ở Việt Nam.
Loài Lilium longiflorum là loài hoa loa kèn được trồng chủ yếu ở Việt Nam.
Nghiên cứu của Jayaraj A.Francis và cộng sự (2004) đã xác định các thành phần có hoạt tính sinh học trong hoa loa kèn (Lilium longiflorum) như kaempferol glycosides, quercetin glycosides, regaloside, chalcone cùng một số axit béo có tác dụng chống viêm, đặc biệt là kaempferol.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của Debora Esposito (2013) về chiết xuất từ củ hoa loa kèn (Lilium longiflorum) trên thực nghiệm cũng cho thấy nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị vết thương trên da, là cơ sở khoa học cho việc sử dụng củ để trị thương trong y học cổ truyền.
Loài Lilium brownii
Loài Lilium brownii là hoa loa kèn gần giống với Lilium longiflorum nhưng hoa nhỏ hơn và không thơm.
Củ loa kèn Lilium longiflorum có thể giúp chống viêm phổi.
Năm 2013, nhóm nghiên cứu của Euijeong Lee đã tiến hành dùng dịch chiết ra từ củ loa kèn Lilium longiflorum để chữa bệnh cho chuột bạch bị viêm phổi do khói thuốc lá. Kết quả đã chứng minh chất dịch này có tác dụng chống viêm phổi và phế khí thũng.
Còn Mengdi Zhu (2014) đã phát hiện ra tiềm năng của chất glycosid steroid trong loa kèn Lilium longiflorum có tác dụng chống tăng đường huyết.
Ngoài ra, vị thuốc từ hoa loa kèn còn có thể kết hợp với một số vị thuốc khác như tri mẫu có công dụng chống các bệnh về thần kinh, tâm thần.
Loài Lilium lancifolium Thunb
Loài Lilium lancifolium Thunb là loài hoa màu cam rực rỡ có những đốm nâu màu lông hổ.
Năm 2014, nhóm nghiên cứu đến từ Trung Quốc của Ting Zhang đã tìm hiểu tác dụng hạ đường huyết và chống oxy hóa của chất polysaccharides chiết xuất từ Lilium lancifolium dựa trên thí nghiệm về chuột bạch mắc bệnh tiểu đường.
Sau đó, các nhóm nghiên cứu Jie Gao (2015) và Zhou Xu (2017) tiếp tục chứng minh tính chất chống oxy hóa từ thành phần polysaccharide trên lá của hoa Lilium lancifolium.
Loài Lilium lancifolium Thunb là loài hoa màu cam rực rỡ có những đốm nâu màu lông hổ.
Mới đây vào năm 2017, trong nghiên cứu của Guifang Pan và các cộng sự đã nhận thấy tác dụng của polysaccharide trong loài hoa L. lancifolium trong việc tăng cường miễn dịch của LLP-1A in vitro trên đại thực bào. Vì thế loài hoa L. lancifolium có thể giúp điều trị các bệnh liên quan đến miễn dịch.
Ngoài ra, còn một số loại hoa loa kèn khác trong chi Lilium cũng có tác dụng tương tự, nhưng ít được sử dụng làm thuốc hơn và chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn