Tại buổi khởi động chương trình có tên UN-REDD giai đoạn II diễn ra ngày 11-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho hay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trong 47 nước đối tác UN-REDD chuyển sang giai đoạn II nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện quản lý rừng và sử dụng đất.
Ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc chương trình cho biết, song song với mục đính chính là giảm thiếu khí nhà kính, giai đoạn II cũng mang lại những lợi ích môi trường và xã hội khác.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho hay, nếu giai đoạn II này được thực hiện thành công thì Việt Nam sẽ có được tiền để đền bù lại những cố gắng của người dân trong việc bảo vệ rừng.
“Đây chính là khuyến khích vật chất do các nước phát triển cung cấp trong giai đoạn III nhưng phải dựa trên cơ sở giai đoạn II được thực hiện thành công theo cơ chế của REDD+” – bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.
Ông Stale Torstein Risa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam cho hay sau khi kết thúc giai đoạn II (dự án được thực hiện từ 2013 - 2015), nếu như kết quả đạt được theo mục tiêu mà phía Na Uy và Liên hiệp quốc đặt ra thì phía Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện giai đoạn III.
Hiện nay, mỗi năm Na Uy viện trợ phát triển cho Việt Nam khoảng 40 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, ông Stale Torstein Risa cho hay, khoản tiền viện trợ này sẽ ngày càng giảm và chuyển sang hỗ trợ kỹ thuật do Việt Nam đã là nước có mức thu nhập trung bình.
Giai đoạn I (2009-2013) của chương trình này đã xây dựng thành công Chương trình hành động REDD+ quốc gia và xây dựng các kĩ năng, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho các bên liên quan. Mục tiêu của Chương trình là tăng cường năng lực để Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai khi thực hiện REDD+, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+ và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Theo Thegioitimes.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn