Ai chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch cây caosu?

Thứ ba - 06/06/2017 16:00
Bão số 10 đã gây ra một thảm họa nghiêm trọng đối với người trồng caosu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Hàng chục nghìn hécta caosu đang thời kỳ thu hoạch bị gãy đổ tan tành. Ngay sau bão, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và người dân đều khẳng định, sẽ trồng lại caosu để làm lại cuộc đời. Thực tiễn này đặt ra một vấn đề rất nóng: Không thể để người nông dân tiếp tục tự bơi trong cuộc thử nghiệm vô cùng đắt đỏ “cây gì, con gì” mãi được(?!).

Nông dân Quảng Trị vẫn quyết định trồng mới lại vườn caosu bị đổ sau bão. Ảnh: Hưng Thơ.

Bài 1: Mọi câu hỏi đều bị từ chối 

Liên quan đến hàng chục ngàn hécta caosu mất trắng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ sau cơn bão số 10, phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NNPTNT) để làm rõ trách nhiệm về quy hoạch, quản lý quy hoạch trồng cây caosu tại khu vực này. Tuy nhiên, mọi câu hỏi đều bị từ chối hoặc không đưa ra bất cứ bình luận gì mà yêu cầu chờ cho đến khi diễn ra cuộc họp vào giữa tháng 10 này giữa Bộ NNPTNT với các tỉnh bị thiệt hại cây caosu do bão số 10.

Caosu không thuộc tôi quản lý

Sáng 8.10, phóng viên đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (phụ trách Cục Trồng trọt) để hỏi về vấn đề quản lý quy hoạch trồng caosu tại miền Trung. Ông Doanh cho biết: “Chúng tôi đang chờ các tỉnh báo cáo chi tiết ra, đồng thời cử cán bộ vào thị sát thực tế, sau đó Bộ NNPTNT sẽ có một cuộc họp với các tỉnh rồi mới đưa ra những thông tin cụ thể”. Khi được hỏi có hay không việc quy hoạch thiếu hợp lý cây caosu tại miền Trung, miền Trung có thuộc quy hoạch trồng cây caosu của bộ hay không, ông Doanh cho hay điều này cần liên hệ trực tiếp với Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng (phụ trách về lĩnh vực cây công nghiệp) để biết thêm thông tin, và từ chối trả lời các câu hỏi của PV Báo Lao Động.

Nhiều cây caosu có đường kiính thân lên đến 20cm vẫn bị bão số 10 quật ngã. Ảnh: Anh Tuấn.

Sau một ngày mất tín hiệu liên lạc điện thoại, sáng 9.10, chúng tôi đã liên hệ được với ông Phạm Đồng Quảng. Trước các câu hỏi về cây caosu ở miền Trung, vị phó cục trưởng này chỉ trả lời một cách chóng vánh rằng: “Cục đang tổng hợp thông tin và sẽ họp bàn với các tỉnh vào giữa tháng 10. Từ nay cho đến lúc đó chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thông tin gì về điều này”. Cùng ngày, chúng tôi cũng đã kết nối điện thoại với ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NNPTNT (kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp), ông Tuấn cũng chưa đưa ra bình luận gì do đang bận... đi học chính trị nhiều tháng nay(!). Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định rằng, quản lý cây caosu không thuộc phạm vi của Tổng cục Lâm nghiệp mà được giao hoàn toàn cho Cục Trồng trọt. Vì vậy ông không có... ý kiến gì thêm(!).

Trắng tay... trách nhiệm?


Một nguồn tin đáng tin cậy từ Bộ NNPTNT khẳng định rằng, Bộ NNPTNT có tham gia vào quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển cây caosu, nhưng đơn vị có vai trò chủ đạo trong vấn đề này còn có Tập đoàn Công nghiệp Caosu VN (trực thuộc Chính phủ), đồng thời phân cấp quản lý cho từng địa phương. Cũng theo nguồn tin này, ngay từ đầu, Bộ NNPTNT đã có khuyến cáo không trồng caosu ở Đông Bắc

Bộ, còn ở khu vực miền Trung thì cần cân nhắc việc trồng cây caosu bởi đặc thù nhiều thiên tai, bão lũ. Việc quản lý nhà nước là có sự tham gia của bộ này. Song với những hộ caosu tiểu điền mọc lên như nấm, “góp phần” phá vỡ quy hoạch do Chính phủ phê duyệt, thì hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của Bộ NNPTNT.

Dù thế nào thì một thực tế đang hiện hữu: Hàng chục DN, hàng chục ngàn công nhân caosu, hàng ngàn nông hộ caosu tiểu điền ở miền Trung đang lâm vào phá sản vì mất trắng caosu. Ngoài Bộ NNPTNT, Tập đoàn Công nghiệp Caosu VN và chính quyền các tỉnh có vai trò, trách nhiệm đến đâu trong quy hoạch, quản lý quy hoạch cây caosu? Có hay không lợi ích nhóm trong câu chuyện này, dẫn đến tình trạng DN và cả hộ cá thể ồ ạt trồng caosu đến phá vỡ quy hoạch? Về điều này, ông Tô Xuân Phúc – đại diện Tổ chức Forest Trends của Mỹ tại VN, người đã từng nhiều năm nghiên cứu về trồng cây cao su tại VN, đặc biệt khu vực miền Trung – Tây Nguyên, lập luận: “Quản lý quy hoạch caosu của Bộ NNPTNT quá lỏng lẻo. Các tỉnh có cơ chế chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt để trồng caosu, nhưng ai “thổi còi” cho việc này thì chẳng ai biết!”.

Theo ông Phúc, về mặt quản lý nhà nước thì Tổng cục Lâm nghiệp phải chịu trách nhiệm về chuyện này vì liên quan đến phá vỡ quy hoạch đất rừng. Tuy nhiên về phân cấp quản lý thì UBND tỉnh dựa trên tiêu chí của Bộ NNPTNT đưa ra để làm căn cứ chuyển đổi, nghĩa là cứ có đất rừng nghèo kiệt thì được trồng caosu. Cho đến khi tỉnh nào cũng vượt quy hoạch đề ra thì không ai đứng ra nhận trách nhiệm! “Bộ NNPTNT có thể nói rằng không phải chức năng của họ vì họ chỉ tham gia về phương diện kỹ thuật thôi. Còn các tỉnh lại bảo là đã có cơ chế chuyển đổi rừng nghèo rồi, vì thế được quyền trồng caosu!” – ông Phúc nói.
Theo Laodong.com.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây