Theo đó, tính đến ngày chốt chu kỳ tính giá mới đây (18/3), giá CIF xăng RON 92 vào Việt Nam là 53,61 USD một thùng, tương đương 7.527 đồng một lít. Giá bán lẻ cùng lúc sau khi trích lập quỹ bình ổn phổ biến được áp dụng là 14.420 đồng.
Như vậy, số tiền thuế phí mà người mua phải trả là gần 7.900 đồng, chiếm tỷ lệ 54,7% giá bán lẻ hiện tại, tức là cứ 100.000 đồng tiền xăng, người tiêu dùng phải trả 54.700 đồng cho thuế, phí. Con số này cao hơn nhiều mức 43% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong số thuế phí nêu trên, thuế nhập khẩu là 1.360 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 753 đồng, chi phí định mức của doanh nghiệp là 1.050 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.436 đồng.
Với xu thế giảm giá nói chung từ giữa năm 2015, tổng số tiền thuế phí mà người tiêu dùng phải nộp khi mua nhiều loại xăng dầu hiện đã cao hơn giá trị nhập khẩu của bản thân hàng hóa.
Cơ cấu thuế phí trong một lít xăng ngày 18/3. Đơn vị: đồng |
Tuy nhiên, theo Bộ Tài Chính, thuế phí trong cơ cấu một lít xăng của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với một số nước.
Cụ thể, Cổng thông tin Bộ Tài Chính dẫn lại số liệu của Global Petrol Price, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam hiện đứng vị trí 27 trên tổng số 180 quốc gia, thấp hơn cả 3 nước có chung đường biên giới. Theo đó, giá một lít xăng của Việt Nam thấp hơn Campuchia là 0,79 USD, Thái Lan là 0,88 USD, Trung Quốc là 0,91 USD, Lào là 1,17 USD.
Giá xăng Việt Nam so với một số nước trên thế giới |
"Giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Lý do các nước trong khu vực cao hơn nước ta chủ yếu là do cơ cấu thuế, phí của họ trong giá xăng dầu cao hơn vì xăng dầu nhập khẩu đều có giá chung của thế giới, điều kiện nhập khẩu xăng dầu của các nước trong khu vực, đặc biệt 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam về cơ bản như nhau", Bộ Tài Chính cho biết.
Hiện giá xăng của Việt Nam chỉ bằng 82,3% giá xăng của Campuchia, bằng 73,9% giá xăng Thái Lan, bằng 71,4% giá xăng Trung Quốc và chỉ bằng 55,6% giá xăng của Lào.
Về việc doanh nghiệp xăng dầu đã được hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng do chênh lệch giữa thuế nhập khẩu từ ASEAN và giá bán lẻ tới tay người dân từ 5 đến 10% với diesel, Bộ Tài Chính khẳng định trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, trong đó mới chỉ có 3.502 tỷ đồng đã được hoàn cho doanh nghiệp có chứng nhận xuất xứ nhập khẩu từ ASEAN. Số liệu hoàn thuế nhập khẩu này cho doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo.
Như vậy theo thống kê sơ bộ, người dân đã chịu thiệt ít nhất 3.502 tỷ đồng thuế chênh lệch và khoản tiền này doanh nghiệp đang được hưởng.
Bộ Tài Chính cho biết, đến nay Việt Nam đã ký kết 11 Hiệp định thương mại tự do trong và ngoài khu vực. Theo cam kết, các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu đang trong lộ trình giảm dần.
Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn mà mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu được giảm mạnh, do việc đàm phán ký kết của từng Hiệp định tại các thời điểm khác nhau nên có các mức cam kết cắt giảm thuế suất khác nhau và vào các thời điểm khác nhau tùy theo từng Hiệp định. Theo đó, việc chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định là tất yếu.
Theo Bạch Dương Vnexpress.net
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn