Chàng sinh viên đáng thương đó là Phạm Xuân Khiêm (SN 1993), quê ở thôn Tròn, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Mới 21 tuổi thôi, nhưng Khiêm đã có tới 12 năm sống chung với căn bệnh nhiệt miệng quái ác (còn gọi after miệng). Tuổi thơ của Khiêm là chuỗi ngày dài gắn liền với tật bệnh nên em dường như chẳng một ngày được yên thân.
Khiêm là con thứ 4 trong gia đình nông dân nghèo có 6 thành viên, từ khi sinh ra, Khiêm là đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên đến năm 11 tuổi, chứng lở loét bắt đầu xuất hiện trong miệng khiến em luôn ở trong trạng thái đau nhức, mệt mỏi. Khi biết bệnh tình của con, bố mẹ Khiêm đã đưa em đi chữa bệnh nhiều nơi nhưng cũng không thuyên giảm hơn là bao.
Mỗi khi lên cơn đau, nấm nem ở lưỡi em cứ lại xuất hiện cộng thêm nước bọt tiết ra nhiều khiến miệng bị sưng lên rất đau đớn, nhất là ở lưỡi, trong khoang miệng, còn trên người em lại mọc lên những nốt mụn đỏ. Đau đớn khiến Khiêm không thể nuốt nỗi dù chỉ là một hạt cơm vào miệng, thức ăn hàng ngày của em được mẹ nấu riêng, đó là một bát cháo gạo được ngâm rồi nấu, xay thật nhuyễn em mới có thể nuốt được, còn mỗi khi uống nước, em phải dùng đến ống hút.
Dù bị bệnh tật hành hạ liên miên, nhưng em học rất giỏi, nhìn vào bảng thành tích học tập của em, ai ai cũng phải nể phục. Suốt 12 năm học cấp bậc phổ thông, em đều đạt học sinh tiên tiến, xuất sắc. Năm 2011, em thi đậu vào trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành Xây dựng Cầu đường.
Đang là sinh viên học giỏi, chăm ngoan, vừa kết thúc học phần năm thứ 2, nhưng do bệnh tình ngày một trầm trọng, Khiêm đành phải tạm gác nghiệp đèn sách để tiếp tục hành trình chữa bệnh đầy gian nan.
Từ ngày Khiêm đổ bệnh, gia đình đã đưa em đến nhiều bệnh viện lớn như Da Liễu, K, Bạch Mai ở Hà Nội, hay Bệnh viện Trung ương Huế, Da Liễu Đà Nẵng… để khám và điều trị, tuy nhiên cứ điều trị được một thời gian, em bị tái phát trở lại. Không chỉ điều trị bằng Tây y, gia đình còn đưa Khiêm đi chạy chữa nhiều nơi, trong đó có cả các hiệu thuốc Đông y từ Bắc chí Nam.
Nói về bệnh tình của con, bà Trần Thị Duyến (54 tuổi), giọng buồn rầu: “Cứ nghe ai chỉ ở mô mà chữa được bệnh cho cháu là ngày hôm sau hai vợ chồng lại chạy vạy tiền nong để đưa con đi ngay. Suốt hơn 12 năm qua, vợ chồng đã đưa con đi không biết đến bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu thầy thuốc nhưng bệnh tình của cháu vẫn không khỏi hẳn. Mỗi khi cháu lên cơn đau, vợ chồng tui thương con lắm, nhưng cũng không biết mần (làm) răng cả chú ơi!”.
Hành trình suốt 12 năm ròng rã đưa Khiêm đi chữa bệnh đã khiến gia đình lâm vào cảnh bần cùng. Cầm trên tay tập sổ nợ dày cộm, bà Duyến nước mắt tủi phận nói nhỏ vì sợ các con nghe lại buồn lòng: “Nợ nần giờ nhiều lắm chú ạ! Nào là nợ quỹ tín dụng nhân dân xã, nợ tiền vay sinh viên, nợ anh em làng xóm cũng lên đến 400 triệu đồng. Không biết số tiền nợ đó đến khi mô gia đình mới trả hết, nhưng giờ trước mắt tui chỉ biết chắp tay cầu mong có phép màu nào đó để chữa khỏi bệnh cho con thôi”.
Càng hỏi mới biết gia đình Khiêm nghịch cảnh lắm. Cả nhà sống bằng 5 sào ruộng khô cằn nơi vùng quê nghèo. Bố em là ông Phạm Đức Quyến (SN 1960), ngày xưa từng là Công an Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên Huế), nhưng năm 1993, khi hay tin vợ bị bệnh tim, ông đã xin phép nghỉ hẳn về nhà để có thời gian chăm lo cho vợ bệnh, con đau. Nghèo khó là thế, nhưng 4 đứa con của vợ chồng ông Quyến đều chăm ngoan, học giỏi và đều học đại học.
Nhiều năm trước, còn sức khỏe, ông Quyến là lao động chính trong gia đình, hằng ngày ông làm đủ thứ việc để kiếm tiền nuôi vợ con. Thế nhưng, nghiệt ngã thay, cuối năm 2013, một cơn bão lớn đã quật hết mái nhà của gia đình. Trong lúc lên sửa sang mái nhà không may bị trượt chân rơi xuống khiến xương sườn ông bị gãy. Nỗi đau chồng chất cứ ngày một ấp đến với gia đình nghèo, bất hạnh.
Chiều xuống, ngồi bên hai bao tải thuốc Nam của một thầy thuốc ở tận Cao Bằng gửi vào để chữa trị, Khiêm nấc nghẹn trong đau đớn: “Anh ơi! anh xem có cách mô cứu lấy em với, em muốn được quay trở lại trường để đi học, sau này còn có cơ hội đi làm kiếm tiền trả nợ cho ba mẹ. Cũng chỉ vì em mà ba mẹ khổ nhiều lắm rồi!”. Nghe lời kêu cứu đến tội nghiệp của Khiêm, trong tôi dường như nước mắt đang rơi...
Theo Đặng Tài Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn