Qua tìm hiểu, hiện nay, mức lương trả cho một tiến sĩ vừa mới vào làm việc tại các cơ quan nghiên cứu của nhà nước chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng. Số tiền này rất đáng để suy nghĩ khi đây đều là những người lao động có học hàm học vị, có hàm lượng chất xám cao mang lại nhiều giá trị lợi ích cho sự phát triển của toàn xã hội.
Làm một phép tính vui, mức lương 3 triệu đồng sẽ tương ứng với khoảng 100 tô phở. Nếu một ngày ăn 3 bữa, trong một tháng vị tiến sĩ sẽ ăn hết 90 tô. Còn lại 10 tô, tức khoảng 300 ngàn đồng. Đây là số tiền dùng để chi dùng cho các hoạt động thường ngày như uống nước, xăng xe, mua sắm...
Theo PGS.TS Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học Việt Nam, mức thu nhập này không đủ để đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống thường ngày chứ chưa kể đến việc tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, vốn là những hoạt động rất cần thiết để nhà nghiên cứu, nhà khoa học trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm của bạn bè trong và ngoài nước về lĩnh vực của mình.
“Với mức lương thấp như vậy, nhiều bạn trẻ phải làm thêm những công việc khác để có tiền trang trải cho cuộc sống. Thời gian nghiên cứu cũng vì thế mà eo hẹp đi. Trong khi đó, khi làm đề tài nghiên cứu, việc hoàn tất hồ sơ thủ tục lại chiếm rất nhiều thời gian. Đây là những khó khăn, thách thức lớn đối với nhà khoa học khi muốn tận tâm cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của nước nhà”, PGS.TS Dương nói
Mức lương thấp khiến nhiều nhà khoa học không quá mặn mà làm việc tại các cơ quan nghiên cứu Nhà nước
GS. Ngô Việt Trung, Viện trưởng viện Toán học Việt Nam cũng cho rằng, khi tìm kiếm nơi làm việc, điều đầu tiên người ta quan tâm tới đó là lương bổng. Nhà khoa học cũng không phải là ngoại lệ. Với việc trả lương quá thấp, chúng ta rất khó thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành về làm việc.
“Mức lương của một giáo sư như cũng chỉ tương đương anh đi thu tiền điện. Với đồng lương như vậy, không đảm bảo cuộc sống thì dù có tâm huyết với đất nước bao nhiêu, người ta cũng không thể toàn tâm toàn ý để cống hiến và làm việc lâu dài”.
Cũng theo GS. Ngô Việt Trung, chế độ lương bổng hiện nay của chúng ta chưa phản ánh đúng năng lực của người lao động mà dường như vẫn mang tính cào bằng, cảm tính. Công việc của nhà khoa học là nghiên cứu và giảng dạy. Đây là những thứ phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài chứ không phải ngắn hạn như một cơ sở kinh doanh, có thể thấy lợi ngay trước mắt.
“Vấn đề ở đây không phải là làm việc được bao nhiêu, mà phải nhìn vào đóng góp chung của nhà khoa học cho sự phát triển của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước phát triển xung quanh ta như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... có chế độ đãi ngộ rất cao cho các nhà khoa học. Họ trả lương cho nhà khoa học không tính theo sản phẩm, bởi làm sao tính được giá trị sản phẩm trí thức. Đây là họ tính đến việc giá trị đầu tư cho tương lai. Vì khoa học là cốt lõi để phát triển xã hội. Có khoa học, anh sẽ là người làm chủ công nghệ, có thể cạnh tranh hàng hóa với các nước khác thay vì là hoạt động sản xuất đơn thuần và xuất khẩu sản phẩm thô”.
Theo mục tiêu mà Bộ Khoa học & Công nghệ đã đề ra, đến năm 2020, cả nước sẽ hình thành 25 Viện, Trung tâm nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế do các nhà khoa học đầu ngành Việt Nam ở trong và ngoài nước giữ vị trí lãnh đạo. Để đạt được mục tiêu này, cần thiết phải có sự thay đổi về cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các nhà khoa học. Bởi một khi chưa gạt bỏ được gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhà khoa học không thể toàn tâm toàn ý làm việc, hoạt động khoa học không mang lại hiệu quả là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Vừa qua, TP.HCM là đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc thí điểm chương trình thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Theo đó, lương dành cho chuyên gia có thể lên đến 150 triệu đồng/ tháng. Số tiền chi trả này được lấy từ ngân sách nhà nước. Trước mắt, TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm tại 4 đơn vị gồm: Viện Khoa học Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Công nghệ cao và Khu Nông nghiệp công nghệ cao. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn