Kẻ Gỗ công trình xóa đói giảm nghèo thế kỷ của xứ Nghệ

Thứ tư - 02/05/2018 22:09
Công trình đại Thủy nông Kẻ Gỗ được đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc và xóa đói giảm nghèo của người dân xứ Nghệ.

Hồ Kẻ Gỗ ( Ảnh Quang Diện)


Người đi xây hồ Kẻ Gỗ

Công trình đại Thủy nông Kẻ Gỗ được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số: 318/TTg, vào ngày 23/12/1974. Đây là công trình đại Thủy nông có quy mô lớn nhất miền Trung vào thời điểm đó; lòng hồ có lưu vực rộng tới 223km2, dung tích 345 triệu m3 nước, trải rộng khắp các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh và Hương Khê.

Nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt khi nhận được quyết định hệ trọng ấy đối với tỉnh nhà, không cầm được cảm xúc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Chương cho biết về một hồi ức dường như còn nóng hổi rằng: “Mặc dù hồi đó cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang vô cùng khốc liệt. Song quyết định của Chính phủ về xây dựng hồ Kẻ Gỗ đã tạo nên một sự vui mừng không xiết, cả tập thể Thường vụ Tỉnh ủy khi nghe được thông tin này đã xúc động đến mức không cầm nổi nước mắt, lòng dạ cứ bâng khuâng sung sướng vô cùng, tưởng như cuộc đời mình trẻ lại hàng chục tuổi!”

Và không phải đợi lâu, ngay sau khi nhận được quyết định của Chính phủ, giữa lúc đại ngàn Kẻ Gỗ còn ngổn ngang hố bom, cùng với các loại xác pháo, xe tăng, ô tô và hàng chục nghĩa tang dã chiến... chồng chất, gắn liền với những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh như đường Trường Sơn 22A , 21A; ngã ba Thình Thình; rào Cời, rào Ly Bi; Đá Bạc…vào tháng 6 năm 1974 tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng thành lập 2 Công ty xây dựng thủy lợi và giao thông, huy động 600 thanh niên xung phong (TNXP) của các Tổng đội TNXP trong tỉnh hành quân ngay vào Kẻ Gỗ, phối hợp với nhân dân địa phương các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch và Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên ( Hà Tĩnh), với sự tham gia của hơn 6.000 người, mở màn cho “mặt trận xung kích” chiến dịch giải phóng lòng hồ, khai thác vật liệu xây dựng, làm đường giao thông, đồng thời thi công các hạng mục công trình phụ…

Cầu bắc vào đảo cụ Duẩn (Đền thờ Lê Duẩn trên đảo giửa lòng hồ)

 

Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, lực lượng xung kích đi xây hồ Kẻ Gỗ đã làm được hơn 24.000m2 kho tàng, lán trại; hơn 20km đường giao thông phục vụ vận chuyển cho xe cơ giới; hoàn thành hệ thống đường dây tải điện, mạng lưới thông tin liên lạc; sản xuất hàng chục ngàn rổ, sọt,  quang gánh…. cơ bản giải phóng mặt bằng lòng hồ.

Cùng thời điểm ấy, Bộ Thủy lợi cũng đã điều động 2 đơn vị cơ giới mạnh là Công ty Thủy lợi 3, Công ty Thủy lợi 4 và cả một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo vào Hà Tĩnh hòa chung vào đoàn người đi xây hồ Kẻ Gỗ hừng hực khí thế, triển khai các phương tiện máy móc ào ạt xây dựng các hạng mục công trình!

Tuy vậy, phải đến năm 1976 khi hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An sáp nhập với nhau thành Nghệ Tĩnh, trên cơ sở có được sự chuẩn bị từ trước của Bộ Thủy lợi và tỉnh Hà Tĩnh, công trình đại Thủy nông Kẻ Gỗ mới chính thức được phát lệnh khởi công vào ngày 26/3/1976 cùng với sự tham gia của hơn 1,6 vạn người, trong đó ngoài các công ty cơ giới của Bộ Thủy lợi, Công ty cơ khí Hà Nam Ninh thì mỗi huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Nghệ Tĩnh đều thành lập một công trường tại đại công trường Kẻ Gỗ.

Cống chính đập Kẻ Gỗ 

 

Sức hút của công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ ngày đó chính là sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngoài lực lượng xây dựng, nơi đây còn tập trung các cơ quan thương nghiệp, bệnh viện, công an, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật…

Xuyên suốt trong quá trình đi xây hồ Kẻ Gỗ đã có rất nhiều phát minh khoa học kỹ thuật và tác phẩm văn học nghệ thuật được ra đời. Nổi bật phải kể đến bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Bài hát như một liều thuốc kích thích làm cho tuổi trẻ thêm hăng say lao động. Bởi vậy, theo dự kiến công trình xây dựng trong vòng 10 năm, nhưng rút xuống 6 năm và cuối cùng chỉ trong vòng 3 năm là khánh thành đi vào hoạt động vào cuối năm 1978.

Theo thiết kế, Hồ Kẻ Gỗ có quy mô gồm một đập chính, 3 đập phụ dài 3,215m; 1 cống dưới đập với tháp đóng mở được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến, có cửa cống rộng 15m nằm sâu dưới chân đập, 1 tràn xả lũ 2 cửa cánh cung tiêu năng với hình thức máng phun có lưu lượng thiết kế 1080m3/s; 1 trạm thủy điện sau đập với 3 tổ máy có công suất 2.110kw và một hệ thống kênh, mương trải dài trên 3 huyện, thị xã gồm 17,2km kênh chính chuyền tải 30m3/s, 98,7 km kênh cấp 1, hàng ngàn km kênh cấp 2 và cấp 3 cùng với 3.168 công trình lớn nhỏ trên kênh…

Để giải quyết một khối lượng công việc lớn có tính chất kỹ thuật phức tạp trong điều kiện máy móc thiết bị thi công lạc hậu, và trong thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung với cái nóng có thời điểm lên tới trên 400 C, mùa đông có thời điểm lạnh xuống tới 70 C. Đặc biệt, đó là giai đoạn đất nước vô cùng khó khăn, có lẽ suốt những năm tháng vất vả thấm mặn mồ hôi trên công trường, những người đi xây hồ Kẻ Gỗ chỉ lấy bát mỳ, củ sắn thay cơm; phải ngủ trong những lán trại tạm bợ... quả là một thách thức ngoài tưởng tượng!

Tuy vậy, chỉ trong một gian ngắn vỏn vẹn 3 năm thực hiện, công trình đã đi vào hoàn thành với khối lượng đào đắp hơn 10 triệu m3 đất; gần 90.000m3 bê tông các loại; 1.800 tấn sắt thép; 96.000 m3 đá xây lát cùng hơn 1.200 tấn thiết bị cơ khí…

Ông Đào Xuân Tinh, nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Tĩnh, là một trong những người đầu tiên có mặt tại công trường với vai trò chỉ huy lực lượng TNXP cho biết, công trình đại Thủy nông Kẻ Gỗ là sự kế thừa và sáng tạo khoa học kỹ thuật của các thời kỳ. Thành công của công trình không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hàng chục vạn ha diện tích đất đai các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh với 2 vụ chính, mà nó còn có tác dụng cải tạo môi trường, điều tiết lũ, điều hòa không khí; phục vụ khai thác mỏ sắt Thạch Khê và cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nuôi trông thủy sản cho thành phố Hà Tĩnh cũng như các vùng phụ cận…

 

Đập Kẻ Gỗ xả lũ vào mùa mưa lũ


Niềm tự hào xứ Nghệ

Tuy nhiên, trong quá trình thi công công trình đại Thủy nông Kẻ Gỗ không thể tránh khỏi những thiếu sót. Đáng tiếc nhất phải kể đến công tác giải phóng mặt bằng do nóng vội nên vẫn còn sót lại một số nghĩa trang dã chiến với hàng trăm bộ hài cốt liệt sỹ  các lực lượng bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến…hy sinh trong suốt thời kỳ chống Mỹ chưa được di dời về nơi hương khói chu đáo để linh hồn họ phải  mắc kẹt lại dưới biển nước mênh mông.

Dẫu vậy, nhờ sự giúp đỡ của các nhân chứng sống và những tài liệu thu thập được, hàng năm cứ đến mùa khô hạn, Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên lại phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm, cất bốc và di dời các bộ hài cốt liệt sĩ trong lòng hồ. Cho tới nay đã cất bốc được 97 bộ hài cốt về an táng chu đáo tại nghĩa trang liệt sĩ Cẩm Xuyên. Ngoài ra, gần đây Sở Giao thông công chính thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý rừng phòng hộ Kẻ Gỗ, Trạm kiểm lâm Kẻ Gỗ, Ban quản lý Công trình Thủy lợi Nam Hà Tĩnh… xây dựng một miếu thờ tại cửa rào Li Bi gần sân bay Li Bi cũ để thờ cúng các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ. 

Đổi lấy tất cả, công trình đại Thủy nông Kẻ Gỗ sau khi đi vào khai thác chỉ tính riêng về giá trị sản xuất nông nghiệp đã chấm dứt hoàn toàn nạn thiếu đói triền miên ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, biến hàng trăm ngàn ha diện tích đất đai ở đây vốn cằn cỗi  trở nên màu mỡ và trở thành vựa lúa lớn nhất miền Trung. 

Ông Quang Diện (61 tuổi) người dân làng Chi Quan, xã Cẩm Quan,huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nói rằng, thời chưa có đập Kẻ Gỗ, người nông dân ở quê ông dù quần quật ngoài đồng vẫn không bao giờ làm đủ ăn, nhưng từ khi có nước Kẻ Gỗ về bỗng dưng không những no đủ, mà nhiều gia đình còn giàu lên nhanh chóng!

Đường lên hồ Kẻ Gỗ 

 

Vậy là vừa tròn 40 năm, kể từ ngày đi vào khai thác (1978-2018), dẫu trải qua bao đổi thay của đất nước và bao biến thiên của đất trời, trong đó phải kể  đến những cơn hạn hán khủng khiếp vào các năm: 1993, 1998, 2005 làm cho mực nước lòng hồ cạn kiệt, hay những cơn bão lũ lịch sử năm: 1978, 2007, 2010, 2013 khiến cho mực nước lòng hồ dâng cao đến mức báo động khẩn cấp, buộc các nhà quản lí phải sử dụng phương án xả lũ gây ngập lụt trên diện rộng để cứu lấy thân đập và tính mạng của hàng chục vạn hộ dân vùng hạ du... thì Kẻ Gỗ vẫn sừng sững giữa thời gian bất biến!

Hiện nay, việc quản lý khai thác công trình Thủy nông Kẻ Gỗ đang đặt ra nhiều thách thức mới trước diễn biến khôn lường của biến đổi khí hậu, trong lúc đó nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày một lớn, nên áp lực đặt ra càng lớn.  Nhưng đứng sau những người làm công tác quản lý công trình hiện nay là cả một niềm kiêu hãnh của lịch sử, với những hình ảnh không có gì lãng mạn hơn của những người đi xây hồ Kẻ Gỗ.

Vậy thì không có lý do gì không thể khẳng định rằng, công trình đại Thủy nông Kẻ Gỗ muôn thuở vẫn là biểu tượng về tinh thần bất khuất của con người Nghệ Tĩnh. 

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG


Theo Báo Dân sinh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây