Vụ "đánh thuế nhà trên 700 triệu": Tại sao phải mở rộng nguồn thu thuế?

Thứ tư - 02/05/2018 22:10
Liên quan đến vụ "đánh thuế nhà trên 700 triệu", Bộ Tài chính cho biết phải mở rộng nguồn thu trong bối cảnh hội nhập, cắt giảm thuế quan.
(Ảnh minh họa: Di Linh)

Mới đây, dư luận trong nước xôn xao trước việc có thể "đánh thuế nhà trên 700 triệu" đến từ dự án Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính.

Sau buổi họp báo chuyên đề vào ngày 13/4, trước những bức xúc của người dân với việc có thể phải chịu cảnh "thuế chồng thuế", Bộ Tài chính mới đưa ra cách tính thuế một căn hộ chung cư và Dự thảo xin ý kiến hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản.

Ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng tiếp tục đăng đàn trả lời báo chí về dự án luật này.

Theo ông Dũng, thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều về dự án Luật Thuế tài sản và đây là "bước giúp Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật".

Ông Dũng cũng cho biết Bộ Tài chính rất hoan nghênh, lắng nghe ý kiến người dân, chuyên gia...

Đáng chú ý, đối với câu hỏi của báo chí rằng tại sao không đẩy mạnh tiết kiệm chi mà lại mở rộng đối tượng thu thuế, Bộ trưởng Tài chính cho rằng điều quan trọng nhất là phải cơ cấu lại nguồn thu và "các quốc gia đều như vậy".

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng phải mở rộng nguồn thu trong bối cảnh hội nhập, cắt giảm thuế quan.

Về vấn đề tiết kiệm chi, ông Dũng cũng cho rằng thời gian qua đã giảm tiết kiệm chi ngân sách, giảm chi thường xuyên (thời gian qua đã tiết kiệm các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, khoán xe công...).

Và trong thời gian tới là tinh giản bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị công lập. Theo đại diện Bộ Tài chính, tiết kiệm chi là giải pháp song song để cơ cấu lại nguồn thu.

Việc có thể bị "đánh thuế nhà trên 700 triệu" khiến nhiều người lo lắng. Ảnh: Di Linh

Đáng chú ý là trong báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017, Chính phủ có nêu rõ việc Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 257 cuộc kiểm toán trong năm 2017.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 43.660 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 32.609 tỷ đồng, kiến nghị khác 11.051 tỷ đồng).

"Qua công tác thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương phát hiện tình trạng chi ngân sách nhà nước sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn xảy ra tại nhiều đơn vị...

Chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn", báo cáo nêu rõ.

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.

Quản lý tốt thu ngân sách, chống chuyển giá, trốn thuế, mở rộng cơ sở thuế; mở rộng việc áp dụng hóa đơn điện tử.

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi phí hội họp, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, đi công tác trong và ngoài nước.

Tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.


Theo Vietnammoi.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây