Đó là những gì đang diễn ra tại Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đền thờ Mai Hắc Đế. Hạng mục xây dựng Tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư, công ty cổ phần xây dựng Thăng Long thi công.
Phần mặt bằng đã cơ bản hoàn thành sau một buổi làm chui của nhà thầu
Được đầu tư hơn 105.681.738.000 đồng, trong đó phần tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ là 52.592.516.000 đồng từ nguồn vốn huy động xã hội hóa đầu tư và chủ đầu tư huy động các nguồn hợp pháp để thực hiện dự án.
Mục đích của Dự án nhằm nâng cao, bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa và nghệ thuật của di tích đã được xếp hạng, đảm bảo sự tôn nghiêm, thể hiện đúng mục đích tri ân, tôn vinh nhân vật lịch sử vua Mai Hắc Đế. Đồng thời phục đời sống văn hóa tâm linh cho nhân dân trong vùng, giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lộc Hà nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Không thực hiện nạo vét hữu cơ, không bơm nước vẫn cho thi công
Dự án được thực hiện trên diện tích 4,58 héc ta, thời gian thực hiện kéo dài trong hai năm từ 2016 – 2018. Với ý nghĩa thiết thực như vậy, tuy nhiên khi mới bắt đầu tiến hành xây dựng thì đã xuất hiện nhiều sai phạm, khiến người dân bức xúc.
Sáng ngày 16/12, sau khi có phản ánh của người dân về việc nhà thầu thi công san lấp nền của quảng trường mà không tuân thủ theo thiết kế quy định, PV báo Công lý đã có mặt để xác minh. Những gì đang diễn ra trước mắt khiến chúng tôi không thể tin vào mắt mình.
Cả một hồ nước mênh mông, cỏ cây um tùm, nguyên sơ không được nhà thầu bốc đi, thay vào đó nhà thầu đã đổ cát trùm lên rồi cho máy san gạt. Theo dự toán thiết kế thì trước khi đổ cát để san lấp, đơn vị thi công bắt buộc phải nạo vét hữu cơ, bơm sạch nước và bốc lớp bùn nhão 20cm đem đổ vào bãi thải cách đó chừng 300m.
Tuy nhiên, khi chưa thực hiện đầy đủ các công đoạn nói trên thì nhà thầu đã cho triển khai việc san lấp. Hơn nữa trước khi đưa vật liệu đầu vào để sử dụng, công ty cổ phần xây dựng Thăng Long đã “qua mặt” chủ đầu tư để bỏ qua công đoạn nghiệm thu vật liệu đầu vào, chưa có hồ sơ quản lý chất lượng, thiếu nhật ký công trình, công tác san nền chưa thực hiện vét hữu cơ, bơm nước theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Tạp chất, bùn non, nước đã không được bốc đi theo thiết kế
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Trường -Trưởng BQL Dự án huyện Lộc Hà cho biết: “Chúng tôi cũng đã nắm được vấn đề này, và đã cho cán bộ kỹ thuật lập biên bản xử lý”.
Được biết công trình này do BQL Dự án huyện Lộc Hà vừa là chủ đầu tư, cũng là đơn vị tư vấn giám sát chất lượng công trình. Khi được hỏi vì sao để xảy ra tình trạng nhà thầu thi công ẩu như thế mà không hề bị phát hiện. Một cán bộ kỹ thuật BQL cho biết, hôm diễn ra sự việc là vào thứ bảy, trùng vào ngày nghỉ nên không có cán bộ giám sát, hơn nữa khi bắt đầu công tác san lấp nhà thầu đã không báo cho BQL nên không nắm được.
Hàng chục chiếc xe tải phục vụ công trình cho công ty Thăng Long đang tàn phá mái đê chắn sóng
Không những làm chui để qua mặt chủ đầu tư, mà công ty cổ phần xây dựng Thăng Long cũng đã cho xe tải “cày nát” hành lang đê chắn sóng huyện Lộc Hà.
Theo đó, vào sáng ngày 16/12, theo chân đoàn xe chở cát từ điểm tận thu cát tại cảng cá Thạch Kim, sau khi đến điểm đổ các đoàn xe nối đuôi nhau chạy ra hướng bãi biển Xuân Hải, xã Thạch Bằng băng qua đê chắn sóng để xuống bờ biển đi về hướng xã Thạch Kim lấy cát.
Không có biển báo an toàn, đổ vật liệu tràn lan lên đường gây mất an toàn giao thông
Số lượng xe đông, đi lại nhiều lần đã khiến cho hành lang của bờ đê bị sụt lún nghiêm trọng. Trước sự việc này, đơn vị thi công phần đê chắn sóng đã phải cầu cứu đến Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn