Hà Tĩnh: Đưa hàng Việt về nông thôn

Thứ tư - 07/06/2017 15:27
Hà Tĩnh: Những năm gần đây, cùng với đẩy mạnh sản xuất, kết nối giao thương, các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối của Hà Tĩnh đã chú trọng tìm kiếm và mở rộng thị trường. Nông thôn - nơi tập trung hơn 80% dân cư được coi là thị trường tiêu thụ chủ yếu mà các doanh nghiệp hướng tới, nhất là trong việc thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Thạch – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở công thương Hà Tĩnh, những năm gần đây, chương trình xúc tiến thương mại nội địa được các doanh nghiệp, nhất là các nhà phân phối rất quan tâm. Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc tổ chức các chuyến hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các hình thức phong phú được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng.

Những chuyến hàng Việt về với nông thôn

Với ưu thế là những mặt hàng công nghiệp nhẹ, thiết yếu và tiêu dùng giá rẻ, đơn giản, dễ sử dụng, hàng Việt Nam khi về các vùng nông thôn đều được bà con rất ưa chuộng. Nắm bắt được tình hình đó, các doanh nghiệp đã tổ chức rất tốt các kênh phân phối để đưa hàng hóa về với nhân dân. Đáng chú ý như CTY TNHH TM&DV Sài Gòn – Hà Tĩnh (COOPMART) với tổng lượng hàng hóa hơn 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao, riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã đưa 24 chuyến hàng Việt về nông thôn tại các khu tái định cư (Kỳ Anh), xã Đức Bồng (Vũ Quang), Hương Trà (Hương Khê), Sơn Hồng (Hương Sơn)... với doanh thu đạt 2.375 triệu đồng.

Các doanh nghiệp khác như CTY CP vật tư nông nghiệp, CTY CP muối và thương mại Hà Tĩnh… cũng như các nhà phân phối cấp 1, 2 đều thường xuyên tổ chức các chuyến hàng lưu động về tận vùng sâu, vùng xa phục vụ giao hàng trực tiếp các đại lý vừa và nhỏ. Đáng chú ý vào dịp tết Nguyên đán 2012, Sở Công thương đã phối hợp các nhà phân phối tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia phục vụ bà con vùng biên giới tại các xã Sơn Hồng (Hương Sơn), Hương Quang (Vũ Quang), Hương Lâm (Hương Khê) được bà con đánh giá cao.

Tại xã Cẩm Duệ, bà con nơi đây rất hưởng ứng và đón nhận những chuyến hàng Việt về nông thôn. Chị Nguyễn Thị Hương – chủ một đại lý ở xóm 11 tâm sự: “Bà con ở đây vốn nghèo, điều kiện giao thông lại xa nên việc mua sắm chủ yếu là ở các cửa hàng tạp hóa. Bây giờ các nhà phân phối đã chủ động đưa những mặt hàng tiêu dùng phong phú về tận thôn xóm nên đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà con nông dân ở đây”.

Cũng như phần đông các cửa hàng bán lẻ khác, cửa hàng chị Hương bán 100% hàng Việt Nam. Những năm gần đây việc kinh doanh của hàng chị ngày càng phát đạt với 2 – 3 chuyến hàng, đạt doanh số 20 – 30 triệu đồng trong 1 tuần.

Chị Nguyễn Thị Hương – chủ một đại lý buôn bán hàng Việt Nam lâu năm tại xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên)

Khác với Cẩm Duệ, xã Bình Lộc (Lộc Hà) mấy năm gần đây do ảnh hưởng hạn hán cộng với diện tích đất chật, cằn cỗi nên bà con phát triển nghề tay trái buôn bán, tư thương với hơn 35 % dân cư tham gia vào lĩnh vực dịch vụ. Năm bắt được nhu cầu kinh doanh cũng như mua sắm hàng hòa ngày càng tăng của nhân dân, mới đây UBND xã đã xây dựng trung tâm chợ Bình Lộc khang trang trên diện tích 1.3000m2 với tổng đầu tư 7.8 tỷ đồng.

Ông Lê Trọng Ấn – Chủ tịch UBND xã Bình Lộc khẳng định: “UBND luôn ủng hộ việc các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam về với xã cũng như phối hợp giúp đỡ với các doanh nghiệp trong việc giao lưu, trao đổi hàng hóa tại địa phương. Hàng Việt Nam đều được bà con nơi đây ưa chuộng vì phù hợp với điều kiện kinh tế đồng thời cũng được các đại lý nhập hàng thường xuyên vì dễ tiêu thụ”.

Chợ Bình Lộc (Lộc Hà) dự kiến hoàn thành 7/2012 là trung tâm tiêu thụ, mua bán lớn của xã và các vùng lân cận

Nhìn chung việc đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa thông qua các kênh phân phối trực tiếp cũng như gián tiếp những năm gần đây đã tỏ rõ hiệu quả trong thực tế. Hiệu quả đến cả từ phía doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như từ phía người dân ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.

Để duy trì cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ ở đây, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp, các nhà phân phối là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, mở rộng hệ thống kinh doanh tại các vùng trọng điểm để việc tiêu dùng hàng Việt trở thành thói quen của nhân dân.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây