Công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15B đoạn qua xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Công trình trọng điểm chào mừng 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc.
Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15B đoạn từ ngã ba Đồng Lộc đến Quốc lộ 1, tỉnh Hà Tĩnh do Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; Cty CP Tư vấn 6 làm tư vấn giám sát và 06 đơn vị tham gia thi công (trong đó 04 đơn vị làm nền móng đường gồm Cty CP tự vấn xây dựng Thành Sen; Cty CP xây dựng Hồng Ngọc; Cty CP xây dựng Hợp Lực; Cty CP đầu tư Thành Công. Hai đơn vị rải thảm mặt đường là Cty TNHH Hòa Hiệp và Cty CP tư vấn xây dựng Biển Đông).
Phần bóc phong hóa hết sức sơ sài, lấp đất lên cả gốc cây, rác rưởi.
Chiều dài tuyến đường nâng cấp, mở rộng là 10,703km (điểm đầu tại Km2+678,87 tại ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc; điểm cuối Km13+720,40 giao với tuyến Quốc lộ 1 tại ngã ba Giang thuộc địa phận xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Tổng mức đầu xây dựng dự án gần 250 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp gần 140 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư giai đoạn 2014 - 2016 của các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Nhìn bằng mắt thường cũng nhận biết được loại đất này không đạt yêu cầu.
Phần tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 7,0m, bề rộng lề gia cố 4,0m và bề rộng lề đất 1,0m. Đối với đoạn qua khu vực đông dân cư có bố trí hệ thống thoát nước dọc.
Theo quy định, nền đường được đắp bằng đất, lu lèn đạt độ chặt K=0,95; riêng lớp đất dày 50cm dưới kết cấu áo đường lu lèn đạt độ chặt K=0,98; mặt đường bê tông nhựa trên lớp móng cấp phối đá dăm, mô đuyn đàn hồi 140Mpa. Riêng đoạn Km8+998-Km9+176 qua Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng dài 178m tận dụng toàn bộ nền, móng, mặt đường cũ, chỉ thảm thêm một lớp bê tông nhựa.
Mục tiêu xây dựng dự án là tạo điều kiện đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn cho nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương về tham quan, dâng hương, tưởng niệm tại khu di tích lich sử ngã ba Đồng Lộc, Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, thu hút đầu tư của địa phương và của tỉnh Hà Tĩnh.
Mỗi ngày mỏ đất Hân Thương (Phú Lộc) cung cấp hàng trăm xe đất cho dự án này và vận chuyển ra các địa bàn huyện ngoài.
Nhà thầu tiếp tay tiêu thụ đất trái phép
Ghi nhận tại hiện trường vào những ngày đầu triển khai dự án là một không khí tấp nập, khẩn trương, chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ. Các đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện để hoàn thành dự án trước ngày 24/7, nhằm phục vụ hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 10 Nữ liệt sỹ Thanh niên xung phong (24/7/1968 - 24/7/2018) theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, sau khi có chủ trương xây dựng dự án, thay vì hợp đồng với các doanh nghiệp có mỏ đất được UBND tỉnh cấp phép, chủ đầu tư lại cho mua đất tại chân công trường khiến tình trạng khai thác đất trái phép tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà trở thành điểm nóng, gây bất bình, bức xúc trong dư luận.
Mỏ đất Hoàng Phương (Thượng Lộc) bị yêu cầu đình chỉ sau khi khai thác, sử dụng sai mục đích.
Theo điều tra của phóng viên, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở đất từ các xã Ngọc Sơn (Thạch Hà), Thượng Lộc, Phú Lộc (Can Lộc) về đổ tại công trình. Điều đáng nói là các mỏ đất này không đảm bảo độ K và chỉ cấp phép cho việc phục vụ xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Tùng - Giám đốc BQLDA Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Theo quy định trong thiết kế và bản vẽ thi công là lấy đất ở mỏ Ngọc Sơn, mỏ Thượng Lộc và mỏ Phú Lộc. Sau khi làm thí nghiệm, riêng mỏ Ngọc Sơn do trữ lượng ít, đá nhiều, không đảm bảo chất lượng nên không cho sử dụng”.
“Vì các nhà thầu không có mỏ đất nên sau khi thí nghiệm đạt yêu cầu thì doanh nghiệp sẽ cung cấp đến chân công trình. Thực chất ở đó, một số mỏ có phép, một số mỏ không có phép, một số mỏ thì cấp cho giao thông nông thôn”, ông Tùng nói thêm.
Phóng viên thắc mắc về việc công trình này lấy đất ở các mỏ được cấp phép để phục vụ Nông thôn mới là đúng hay sai, ông Tùng quả quyết: “Chúng tôi có lấy đâu. Nếu chúng tôi dùng xe cọ, máy móc lên xúc tại mỏ không được cấp phép, hoặc mỏ phục vụ nông thôn mới là sai. Còn ở đây, tất tần tật là liên quan đến hợp đồng mua bán tại chân công trình”.
Cũng theo ông Tùng, việc doanh nghiệp khai thác đất không đúng quy định, sử dụng không đúng mục đích là họ sai. Tại công trình, đất đảm bảo theo quy định là lấy, còn họ sai là chuyện của họ.
Tình trạng khai thác đất tràn lan, mất kiểm soát trên trục đường 70 xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc.
Việc mua đất tại chân công trình dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15B đã khiến cho các doanh nghiệp ồ ạt khai thác đất trái phép. Tại địa bàn xã Thượng Lộc (Can Lộc), tình trạng đào trộm đất diễn ra thường xuyên, dày đặc, mất kiểm soát, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Xe vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại dự án này.
Riêng mỏ đất Hân Thương ở xã Phú Lộc (Can Lộc), được cấp phép phục vụ xây dựng Nông thôn mới tại các xã Kim Lộc, Song Lộc, Phú Lộc. Tuy nhiên, mỗi ngày đã cung cấp hàng trăm xe đất cho dự án này. Ngoài ra còn vận chuyển đến các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Không những vậy, mặc dù thí nghiệm không đạt yêu cầu nhưng hiện tại mỗi ngày vẫn có hàng trăm xe tải lớn nhỏ vận chuyển đất từ mỏ Ngọc Sơn (Thạch Hà) về đổ tại công trình này. Vấn đề đặt ra là khi vật liệu không đạt yêu cầu thì chất lượng công trình sẽ đi về đâu?
Chúng tôi sẽ làm rõ nội dung này trong các bài viết tiếp theo.