Nông dân Hương Sơn thoát nghèo nhờ nhung hươu

Thứ tư - 02/05/2018 22:01
Những ngày đầu xuân là những ngày vui của bà con nhân dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), vì đây là thời điểm hươu sao cho ra lộc, bà con thu hoạch nhung hươu – sản vật giúp bà con thoát nghèo từ bấy lâu nay…
Hươu sao vốn là một loài thú hoang được thuần hóa từ thế kỷ 18, ban đầu chúng được nuôi trong những gia đình quý tộc. Tại huyện Hương Sơn, từ năm 1990, người nông dân nơi đây đã nuôi hươu sao một cách phổ biến, và tới nay được coi là cách để họ thoát nghèo của bà con.

Về Hương Sơn những ngày này, đến đâu cũng nghe chuyện nhung hươu. Sau một năm được đầu tư chăm sóc, khi mùa xuân đến, con hươu trút khối sừng cứng trên đầu (gọi là đế), để mọc lên một cặp lộc nhung hồng tơ.

Khi cặp nhung được khoảng 43-45 ngày, chủ hộ tổ chức cắt nhung, thu hoạch. Thời điểm cắt cũng phải phù hợp, nếu sớm quá sẽ bị non, muộn quá sẽ bị già, chất lượng nhung đều không tốt cũng như ảnh hưởng đến việc ra lộc lần tiếp theo.

Đối với những hộ nuôi hươu, ngày cắt nhung là ngày vui nhất của gia chủ. Vui vì sau những ngày chăm sóc, giờ là lúc họ được thu về thành quả lao động bằng giá trị hàng triệu đến hàng chục triệu đồng từ những cặp lộc nhung.

Mấy năm gần đây, đời sống người dân đã ổn định, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nối với nước bạn Lào luôn tấp nập, bộ mặt nông thôn miền núi dần khởi sắc. Có vốn, bà con gây dựng lại đàn hươu. Hơn ai hết, họ biết hươu sao là con vật quý trời ban cho Hương Sơn, không thể để mất nên đã trở thành nghề chăn nuôi chính để vươn lên làm giàu.

Hươu và nhung hươu Hương Sơn là đặc sản nổi tiếng cả nước mà không vùng nào có được, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2009 và đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý để bảo vệ, phát triển và quảng bá thương hiệu.

Người dân Hương Sơn cắt nhung hươu vào mùa xuân bán cho khách hàng.

Là một hộ nuôi hươu lâu năm và có kinh nghiệm, ông Bùi Kim Thịnh – một người dân nuôi hươu ở thị trấn Tây Sơn cho biết, trước đây hươu đắt đỏ chỉ những gia đình có kinh tế mới giám nuôi, nhưng bây giờ hươu sao trở thành con vật nuôi phổ biến đối với người dân Hương Sơn. Cây cỏ trong vườn đều có thể làm thức ăn cho hươu. Hươu không kén thức ăn, nhưng yêu cầu đầu tiên đối với thức ăn là phải sạch.

“Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa lộc nhung nhưng giờ đã có cách chăm sóc hươu đặc biệt để thu mỗi năm hai lứa. Gia đình tôi ngoài nuôi hươu cái để sinh con thì còn nuôi 2 con hươu đực, bình quân mỗi năm cắt “lộc” cho thu nhập hơn 30 triệu đồng” – ông Thịnh nói.

Theo thống kê nếu như từ năm 2005 - 2010, đàn hươu của huyện mới ở mức 11.000 con thì đến nay, tổng đàn đã tăng lên trên 36.000 con, trong đó khoảng 20.000 con hươu đực đã cho lộc nhung.

“Tổng đàn hươu cả huyện Hương Sơn là 36.000 con, trong đó có 26.000 hươu đực, khoảng 20.000 con cho thu hoạch nhung. Nếu tính trung bình 0,55 kg/1 con thì tổng sản lượng nhung là 11 tấn, giá nhung hiện tại 10 triệu đồng/1 kg, ước tính thu hoạch từ nguồn nhung khoảng 110 tỷ đồng. Ngoài ra đàn hươu nái ước tính 10.000 con, trong đó có khoảng 70% sinh sản sẽ có 7.000 con giống. Mỗi cặp giống 3 tháng tuổi giá hiện thời khoảng 10 triệu đồng trở lên, tổng thu nhập khoảng 35 tỷ” – ông Thịnh cho hay.

Xác định đây hươu là vật nuôi chủ lực, huyện Hương Sơn đang tiếp tục chỉ đạo phát triển và xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi hươu.

Hiện nay, UBND, Hội đồng nhân dân huyện Hương Sơn đang có chính sách khuyến khích “Doanh nghiệp, Hợp tác xã thu mua, chế biến nhung hươu trên địa bàn huyện. Mức hỗ trợ không quá 250 triệu đồng/doanh nghiệp, Hợp tác xã”, tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ sở chế biến ở Hương Sơn.

Bùi Diễm Phước
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây