Những quả ớt cay chín không thu hoạch kịp đã chín thối.. (Ảnh: Hoài Nam)
Theo người dân nơi đây cho biết, vào tháng 9/2017, qua sự giới thiệu của một công ty có trụ sở ở Thanh Hóa, nhiều hộ dân tại hai thôn thôn Ngụ Phúc và Ngụ Quế (xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã thỏa thuận để trồng liên kết ớt cay.
Tại thời điểm này, doanh nghiệp thỏa thuận sẽ bán giống, tấm nylon bọc đất, phân bón cho nông dân, ngoài ra hứa sẽ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
Vì tin tưởng công ty nên người dân đã không làm hợp đồng thu mua sản phẩm với doanh nghiệp này.
Ruộng ớt cay chín rộ nhưng người dân không mặn mà thu hoạch (Ảnh: Hoài Nam)
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (40 tuổi, trú thôn Ngụ Quế) cho biết, sau khi được giới thiệu và hứa hẹn sẽ thu mua ớt với giá cả thị trường nên có khoảng 20 hộ dân tại thôn này đã trồng ớt liên kết với công ty có cơ sở ở Thanh Hóa. Nhưng từ khi ớt chín đến kỳ thu hoạch thì doanh nghiệp này lại bỏ rơi.
“Toàn bộ tiền chi phí phân bón, giống.. hết hơn một triệu đồng, ngoài ra chưa kể công chăm sóc mấy tháng này. Bình quân thì ngày nào chúng tôi cũng ra đồng để chăm sóc, tưởng chừng đến ngày ớt chín sẽ bán bù chi phí nhưng nào ngờ giờ họ không mua nữa. Ớt thì chín thối ngoài mà không biết làm cách nào, vì bán chả ai mua”, bà Nguyệt buồn rầu nói.
Ớt chín đỏ cây, nhiều quả đã thối rữa (Ảnh: Hoài Nam)
Đứng giữa ruộng ớt chín thối, bà Trần Thị Hạnh (55 tuổi, trú tại thôn Ngụ Quế) cho biết, gia đình bà trồng gần 2 sào ớt theo mô hình liên kết sản xuất với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, doanh nghiệp này lại “bỏ rơi” các hộ dân, khiến người dân sản xuất lâm vào cảnh khốn đốn, có nguy cơ trắng tay.
“Ớt nay chín hết, dân nơi đây chả ai còn mặn mà để thu hoạch vì bán cũng không ai mua. Ra chợ bán không được, đem đi cho cũng chả ai muốn lấy vì cả xóm tôi đều như này hết. Ớt thì chất đầy nhà, ăn đâu được hết, còn phía doanh nghiệp này thì mới thu mua một lần mà cũng có trả tiền cho dân đâu. Vì vậy dân ở đây ai cũng bức xúc, ban đầu thì hứa hẹn, còn giờ thì..”, bà Hạnh nói.
Bà Hạnh đau lòng nhìn ớt chín thối tại đồng (Ảnh: Hoài Nam)
Được biết, vào khoảng tháng 3, doanh nghiệp nghe tin ớt chín đã về hai thôn Ngụ Quế và Ngụ Phúc (xã Cẩm Vịnh) thu khoảng 8 tạ ớt tươi, giá từ 5.000-6.000 đồng/kg. Tuy mua nhưng công ty chưa trả tiền đầy đủ. Trước tình trạng này, một số hộ dân đã thu hoạch ớt mang ra chợ bán để vớt vát số vốn bỏ ra.
Ớt cay không tiêu thụ được khiến người nơi đây đứng ngồi không yên (Ảnh: Hoài Nam)
Ông Nguyễn Trọng Quế - Trưởng thôn Ngụ Quế cho biết, thôn có khoảng 20 hộ trồng ớt liên kết với Công ty TNHH A.T ở Thanh Hóa với diện tích 1,3ha.
“Do tin tưởng DN nên chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề hợp đồng. Trước tết, DN có gửi bản thảo hợp đồng vào cho chúng tôi hoàn tất, song vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thể ký kết”, ông Quế nói.
Ớt chín thối trên cây, dân nhặt đem vứt bỏ (Ảnh: Hoài Nam)
Liên quan đến tình trạng này, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho biết, phía chính quyền địa phương đã liên hệ với phía doanh nghiệp vào thu mua ớt cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa thấy.
“Liên hệ phía doanh nghiệp, họ nói do thời tiết chưa thuận lợi nên hẹn đợt sau sẽ vào, nhưng nay chưa thấy. Trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp không vào thu mua, phía xã sẽ vận động cán bộ, kết nối các nhà hàng giải cứu ớt cho người dân”, ông Chiến nói.
Hoài Nam
Theo ĐSPL, Vietnammoi.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn