Cô gái 8X đi tìm vẻ đẹp cho… than

Thứ tư - 02/05/2018 22:05
Than cũng có tâm hồn, nó cần được thổi hồn bằng khoa học và công nghệ để trở nên đẹp và có sức hấp dẫn.

Những lời ví von ngộ nghĩnh như tâm huyết của Lê Thị Hiền (sinh năm 1984) khiến nhiều người bật cười. Nhưng nhiều năm dành tâm sức cho than, Hiền càng ngày càng cảm thấy yêu thứ vật liệu mà nhiều người cho là xấu xí này. Hiền đã thổi hồn vào than và làm cho than trở nên “xinh xắn” hơn nhờ giá trị gia tăng mà nó mang lại. 

Lê Thị Hiền và các sản phẩm than không khói từ gáo dừa được đóng gói cẩn thận và làm thương hiệu tại một giang hàng về khởi nghiệp nông nghiệp ở TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Than thiên nhiên, than không khói

Hiền từng là sinh viên chuyên ngành Hóa thực phẩm của ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và ĐH công nghệ Sài Gòn. Tốt nghiệp ĐH, Hiền “đầu quân” làm ở phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) cho một công ty nước ngoài.

Những tưởng cô gái này sẽ gắn bó và “an phận” với thu nhập cao từ công việc hiện tại. Nhưng không, Hiền lại rẽ sang một hướng khác, và đây có lẽ là bước ngoặt lớn nhất cuộc đời của Hiền.

Sinh ra từ vùng quê nghèo Quảng Trị, Hiền hiểu được những sản phẩm từ nông nghiệp thường có giá trị thấp. Nhiều sản phẩm nông nghiệp nông dân chỉ bán thô, được mùa thì có lời chút đỉnh, mất mùa thì có khi thu lỗ nặng.

“Để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, không còn cách nào khác là ứng dụng khoa học và công nghệ vào đó” - Hiền nói.

Nhiều lần đến các chợ, Hiền nhận thấy những vỏ gáo dừa được vứt la liệt. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu cô kỹ sư trẻ “liệu có thể biến gáo dừa thành một vật phẩm hữu ích”. Mặt khác, trong quá trình làm việc ở doanh nghiệp, Hiền nhận thấy, các công ty làm thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa thường không tận dụng hết công năng của than hoặc xuất thô làm than củi sang Trung Quốc, giá trị kinh tế rất thấp.

Những kiến thức có được trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường được Hiền sử dụng trong nghiên cứu về gáo dừa. Sau hai năm làm thí nghiệm, Hiền đã cho ra đời quy trình sản xuất một loại than từ gáo dừa không hề có khói.

Sau khi chọn được kỹ thuật làm than, cô bắt đầu lao vào làm thử. Hiền bảo công việc những ngày đầu làm than gáo dừa của mình giống như người lao công lượm rác. Những ngày tháng đầu năm 2015, với chiếc xe máy cà tàng Hiền lui tới các vựa bán trái dừa, quán nước dừa, cơ sở nạo dừa để gom lượm từng vỏ gáo, đóng vào bao tải.

Cũng có hôm, Hiền liều chạy xe máy một mạch xuống Bến Tre tìm mua gáo dừa. Có được nguyên liệu rồi, cô lại đích thân đi tìm kiếm các lò đốt than nhờ đốt gáo dừa, đích thân lựa từng gáo than đã đốt xem đã đạt chưa.

Theo Hiền, để làm được than, gáo dừa sau khi đốt bẻ ra phải có ánh kim mới chuyển hóa hoàn toàn (cháy hết), nếu không khi xay ra làm than, đốt sẽ bị khói.

“Ngày nào cũng phải chui vào lò than để đốt gáo dừa, có được than rồi thì đem vào xay nhuyễn ra để đóng thành cục than. Ngày đó, người mình lúc nào cũng đen thùi lùi”, Hiền hóm hỉnh, nhớ lại. Hiền tin rằng than không khói sẽ có chỗ đứng trên thị trường vì đây là loại vật liệu chưa có nhiều người nghiên cứu và hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Than không khói có 4 đặc tính vượt trội gồm: không khói, không mùi, không chất hóa học, không nổ. Nguyên liệu làm than tận dụng từ nguồn phế thải nông nghiệp như gáo dừa, vụ than củi, than mùn cưa…

“Nhờ những đặc tính như vậy mà than thành phẩm có thể dùng trong các nhà hàng nướng và phụ nữ sau khi sinh cũng có thể dùng được nhờ độ an toàn cao” - Hiền nói.

Lê Thị Hiền (giữa) nhận giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp của BSA tổ chức năm 2017. Ảnh: BSA.

Cô “bảo mẫu” đưa than ra thế giới

Câu chuyện gáo dừa và than với thành công hiện tại không phải đến dễ dàng. Đặc tính của than không khói thì không còn bàn cãi. Nhưng vấn đề làm thế nào để than không khói tiếp cận thị trường không phải là bài toán dễ giải.

Vốn là người học kỹ thuật, Hiền không có những kỹ năng làm thương mại, marketing cho sản phẩm. Vậy là cô gái trẻ này vừa tự học, vừa tự mình điều hành doanh nghiệp non trẻ.

Hiền tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM (BSA). Cuộc thi này cho Hiền nhiều bài học cũng như kiến thức về hoạt động thương mại hóa sản phẩm từ đội ngũ chuyên gia.

“Quả ngọt” đến với Hiền khi dự án của cô giành được giải Nhất của cuộc thi với tính sáng tạo và khả năng tiếp cận thị trường lớn.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc công ty tư vấn chiến lược và thương hiệu The Pathfinder, thành viên ban giám khảo cuộc thi chia sẻ, dự án than không khói đoạt ngôi quán quân là hoàn toàn xứng đáng.

Đây là dự án có sự ứng dụng công nghệ tốt trong sản xuất, phù hợp với xu hướng bảo vệ môi trường hiện nay trên thế giới. Trong đó, nguồn nguyên liệu cũng chỉ là những loại phế phẩm trong nông nghiệp như gáo gừa…

“Đặc biệt, than không khói là giải pháp giúp cho người dân được thưởng thức các món ăn, nhất là món nướng ngay trong nhà mà không sợ bị ngạt khói, độc hại. Tiềm năng thị trường trong nước và quốc tế cho sản phẩm này là cực kỳ lớn” - ông Tuấn chia sẻ.

Có được thành công bước đầu nhưng đôi chân Hiền vẫn không ngừng nghỉ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. “Có lẽ cái tính ham việc đã thấm vào máu mình. Mình hiểu rằng, nếu những khó khăn sẽ không bao giờ được giải quyết nếu mình lười biếng”- Hiền trải lòng.

Hiện nay, than không khói của Hiền đã xuất khẩu sang một số thị trường như Hồng Kông, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… Hiền tìm kiếm đầu mối phân phối là các sàn thương mại điện tử toàn cầu để xuất sản phẩm sang các thị trường đó. Những đơn hàng cứ nhiều lên, nhiều lên, và ước mơ làm cho than “đẹp như hoa” của cô gái này đang trên đường đi đến hiện thực.

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, Nguyên thành viên Tổ tư vấn của Chính Phủ (1996 – 2006), cho rằng, than không khói cũng như các dự án khởi nghiệp nông nghiệp tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm 2017 đều có tính sáng tạo, đổi mới trong việc sản xuất, kinh doanh.

"Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án với quyết tâm đóng góp những điều hay, tích cực đối với cộng đồng của các dự án được thể hiện rất rõ. Các dự án đều bám sát với lĩnh vực nông nghiệp, khai thác tốt nguồn tài nguyên bản địa" - bà Lan chia sẻ.


Theo Hà Thế An Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây