Thời gian qua, VietNamNet đã nhận được nhiều phản ánh của người dân cũng như chính quyền địa phương về tình trạng mặt đường xuống cấp gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, trên tuyến đường 1A đoạn qua địa bàn phường Đậu Liêu, TX. Hồng Lĩnh.
Bóc tách mặt đường hỏng bằng máy chuyên dụng |
Ngày 28/7, phóng viên VietNamNet đã trực tiếp hiện trường để ghi nhận và phản ánh tình trạng này qua bài “Nguy hiểm vì “rồng rắn” xuất hiện trên QL 1A”.
Ngay sau đó, lãnh đạo Khu quản lý đường bộ IV đã chỉ đạo nhà thầu là Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Biển Đông khẩn trương lập kế hoạch thi công khắc phục tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người dân.
Đến nay sau 1 tháng, đoạn đường hư hỏng đã được sửa chữa, mặt đường được rải thảm.
Phần bóc là 13cm, mỏng hơn rất nhiều so với truyền thống. |
Ông Nguyễn Nam Trung, PGĐ Cty CP TV&XD Biển Đông cho biết: “Sau khi báo VietNamNet phản ánh, chúng tôi đã cho triển khai thi công ngay.
Thực ra, việc sửa chữa đoạn đường này cùng với một đoạn khác trên tuyến QL 1A qua địa phận huyện Kỳ Anh vốn nằm trong một dự án được chúng tôi ký với Khu quản lý đường bộ số IV từ tháng 6/2012 nhưng do thiếu vốn nên bị chậm trễ.
Tại Đậu Liêu, lần đầu tiên chúng tôi áp dụng máy SaKai chuyên dụng để bóc tách mặt đường hỏng (độ dày 13cm – pv) thay thế cho cách đào đường truyền thống.
Phương pháp này giúp tiết kiệm thời gian, mặt đường sau khi bóc tách sẽ phẳng hơn và không bị ảnh hưởng đến kết cấu bên dưới nên sức chịu đựng của mặt đường sẽ được kéo dài”.
Mặt đường sau khi bóc bằng máy chuyên dụng phẳng và không ảnh hưởng đến kết cấu bên dưới. |
Lý giải về tình trạng xuất hiện “rồng rắn” tại nhiều điểm trên tuyến QL 1A, ông Trung cho biết, những đoạn đường dốc, có khúc cua hoặc cấm vượt, xe buộc phải đi “theo vệt” nên dẫn đến tải trọng trùng trục, gây lún, tạo “sóng” trên mặt đường.
“Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện còn nhiều điểm đường xuất hiện tình trạng này”- ông Trung cho biết thêm.
Trước đó, trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ số IV cho rằng, việc giải ngân nguồn vốn cho các dự án chỉ đạt khoảng 30% nên nhiều dự án bị chậm trễ hoặc khó triển khai.
Theo VNN