Mẹ mất do ung thư khi Tặng lên 7 tuổi, 5 năm sau người anh trai đầu của em cũng qua đời vì tai nạn giao thông. Bố và người anh thứ (hơn Tặng 1 tuổi) lặn lội ngược xuôi với nghề chài lưới nhưng vẫn không đủ ăn...
Khó khăn, túng quẫn càng dồn ép khi cách đây 3 năm, cả nhà sững sờ phát hiện Tặng mắc bệnh tiểu đường khá nặng. Năm nay, 21 tuổi, người Tặng gầy còm, chân tay không tự cử động được, giọng nói cũng yếu dần… Một mình em đơn độc chống chọi với bệnh tật trong Khoa Nội tiết – BVĐK Hà Tĩnh bởi người cha đang phải tất tả mưu sinh.
Cha con Tặng trong căn nhà tồi tàn, chẳng có vật dụng gì đáng giá
Đã 3 năm nay, Tặng trở thành người quen bất đắc dĩ ở Khoa Nội tiết tại các bệnh viện từ Nghệ An đến Hà Tĩnh. Trước đây, mỗi đợt điều trị chỉ kéo dài ít ngày, nhưng càng ngày bệnh càng nặng, thời gian em ở viện nhiều hơn ở nhà. Mỗi đợt điều trị từ 5 ngày, lên 7 ngày giờ thành nửa tháng… Sau một đợt điều trị, em được về nhà vài ba ngày, nhưng sức khỏe yếu lại phải quay trở lại nhập viện không lâu sau đó.
Bác sỹ Thái Thọ - Phó trưởng Khoa Nội tiết (BVĐK Hà Tĩnh), bác sỹ trực tiếp điều trị cho Tặng, cho biết: Bệnh nhân Phạm Văn Tặng nhập viện từ đầu tháng 6/2016 trong tình trạng nguy kịch do bệnh đái tháo đường tuyp 1. Đây là căn bệnh mãn tính, không thể chữa lành, số người mắc phải rất ít, biến chứng rất nguy hiểm.
Anh Sự (bố của Tặng) nghẹn ngào: “Tặng thèm ăn, muốn ăn nhưng không được ăn, nhà cũng không có tiền để mua đồ ăn cho con. Mấy hôm nay, nó chủ yếu chỉ ăn cháo trắng vì ăn những thứ khác sợ lượng đường lại tăng cao nguy hiểm. Tặng cứ nói với tôi, con thèm ăn hoa quả… Nhìn con mà ứa nước mắt, đến muốn ăn quả thanh long mà bố cũng bất lực.”
Bị căn bệnh đái tháo đường typ1, sức khỏe Tặng yếu dần và hiện tại gần như không thể tự đi lại.
Xuống viện điều trị nhưng Tặng phải tự chăm sóc mình. Nhà neo người, ông bà nội ngoại đều đã mất, họ hàng người ở xa, người ở gần cuộc sống cũng không khá hơn là bao. Những khi quá yếu, em nhờ sự giúp đỡ của những “hàng xóm” giường bên hay các anh chị bác sỹ, y tá. Mỗi ngày, Tặng phải một mình chịu đau đớn với 4 phát tiêm. Chỉ khi gần ngày xong đợt điều trị bố mới xuống làm thủ tục xuất viện và đưa Tặng về.
Đau đớn vì không thể săn sóc con, nhưng anh Sự không còn cách nào khác, bởi còn phải bươn chải để kiếm miếng cơm qua ngày và chi phí chữa bệnh cho Tặng. Ngoài đi đánh cá, hễ ai thuê gì anh Sự làm nấy, rồi vào rừng đốn củi… Thế nhưng, bản thân anh cũng thường xuyên đau yếu, mắc bệnh thần kinh tọa, làm nhiều nhưng số tiền mang lại không là bao, trong khi sức khỏe ngày càng giảm sút.
Gia đình anh Sự không có đất sản xuất nông nghiệp, theo nghề chài lưới, nay đây mai đó, từ Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ. Thậm chí căn nhà nơi bố con anh trú ngụ cũng chỉ là túp lều nhỏ được bà con hàng xóm thương tình dựng lên, bởi căn nhà trước đây đã phải bán đi trả nợ ngày chữa bệnh ung thư cho vợ. Thậm chí mảnh đất ở cũng đã cắt đi bán dần. Sau ngày mẹ mất, nhà nghèo, 3 anh em Tặng đều phải bỏ học. Cảnh gà trống nuôi con, nheo nhóc và khổ cực không buông tha 4 cha con. Năm 2010, trên đường đi làm chài về, anh trai đầu của Tặng bị tai nạn giao thông không qua khỏi. 10 năm nay, với ba cha con Tặng là chuỗi ngày cùng cực. Nợ chồng nợ, khó khăn chồng chất khó khăn.
Lần nhập viện này, Tặng bị đau đầu dữ dội do biến chứng bệnh đái tháo đường. Bác sỹ đề nghị chuyển tuyến Trung ương nhưng gia đình em không có tiền trang trải nên xin ở lại.
Bằng tất cả hơi thở, niềm hi vọng mong manh, Tặng vẫn từng ngày đối chọi với căn bệnh nguy hiểm. Cầu mong các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân hãy giúp đỡ em và gia đình vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Anh Phạm Văn Sự, xóm 6, xã Sơn Giang, Hương Sơn, Hà Tĩnh. SĐT: 0949.135.623
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn