Đã một tháng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày nào chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (31 tuổi), giáo viên trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên cũng bật đài, xem tivi để theo dõi thông tin về tình hình biển Đông và nghe ngóng thông tin của chồng. Chồng chị Ánh là trung úy Phí Ngọc Khiêm, 34 tuổi, sỹ quan chuyên nghiệp ngành thông tin, hiện đang công tác trên tàu CSB 8003.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Khiêm thì đang có rất nhiều người đến hỏi thăm tình hình sức khỏe ông Phí Ngọc Sáng - bố anh Khiêm - khi ông mới ra viện sau thời gian điều trị tai biến mạch máu não. Tâm sự với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Chinh (mẹ anh Khiêm, 63 tuổi) bật khóc: “Lúc thằng Khiêm đi làm làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi biển đảo xa xôi, nguy hiểm cận kề cũng là lúc bác trai bị bệnh phải đi cấp cứu. Con trai đi xa, chồng ốm liệt giường, tôi nghĩ ngợi nhiều lắm. Chẳng dám nói với nó, chỉ động viên nó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thương con nhưng tôi lại nghĩ nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc là vô cùng quan trọng, đó cũng là vinh dự của gia đình”.
Mẹ trung úy Khiêm không thể kìm được nước mắt khi nhắc đền con
Anh Khiêm và chị Ánh có hai cô con gái rất dễ thương. Lúc gặp chúng tôi cô con gái đầu tên Phí Ngọc Hoa (4 tuổi) cứ quấn lấy mẹ để hỏi thăm thông tin về bố.
Ôm bé gái 2 tuổi Phí Ngọc Hà vào lòng, chị Ánh bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khi hai anh chị gặp nhau. Hẹn hò đến lúc kết hôn, tất cả như một giấc mơ màu hồng nhưng những tháng ngày anh Khiêm phải ra biển làm nhiệm vụ lại là lúc chị thấy thiếu thốn và mệt mỏi nhất.
Chị tâm sự: “Nhiều hôm mưa gió, điện hỏng, chỉ có mình tôi với bố mẹ già chả biết làm thế nào. Ước gì có anh Khiêm ở nhà thì mọi chuyện chẳng có gì phải lo”.
Với chị Ánh, khoảnh khắc khiến chị sợ hãi nhất là khi nghe điện thoại của chồng từ tàu CSB 8003. “Trưa hôm đó, khi anh Khiêm gọi điện về hỏi thăm sức khỏe cả gia đình và thông báo đang ra chỗ giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Buổi tối cùng ngày, khi đang rửa bát, tôi nghe tivi nói về tàu CSB 8003 bị tàu Trung Quốctấn công liền chạy vào xem thì thấy đúng là con tàu nơi chồng mình làm nhiệm vụ. Từ lúc ấy chân tay tôi bủn rủn, chỉ mong không có chuyện gì xảy ra. Đến khi báo chí đưa tin tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam, tôi càng lo lắng cho chồng hơn, đêm nào cũng trằn trọc không ngủ được. Không thể liên lạc được với chồng, tôi chỉ biết theo dõi tin tức của anh và các đồng đội qua các tin tức về tàu CSB 8003 qua truyền hình và báo chí”.
Từ khi anh Khiêm ra biển làm nhiệm vụ, việc chăm sóc ông Sáng do một mình chị Ánh lo toan. Vì là một giáo viên nên công việc của chị khá bận rộn. Chỉ đến cuối tháng 5, khi học sinh được nghỉ hè chị mới có thêm nhiều thời gian chăm sóc bố mẹ chồng và hai cô con gái.
Chúng tôi rời ngôi nhà của chiến sỹ Phí Ngọc Khiêm khi cơn mưa rào mùa hạ ùn ùn kéo đến, lao nhanh về phía có ánh mặt trời le lói để tránh cơn mưa chúng tôi chợt nhớ câu nói yêu thương mà chị Ánh muốn gửi đến anh Khiêm khi trao đổi với chúng tôi: “Cả nhà đều khỏe anh cứ yên tâm, em và hai con rất nhớ anh, mong anh ở đó công tác tốt, nhanh đuổi được giàn khoan của Trung Quốc ra khỏi vùng biển của nước mình. Sớm về với mẹ con em, anh nhé”.
Một ngày sau khi chúng tôi về thăm gia đình chiến sỹ Phí Ngọc Khiêm, tình hình biển Đông tiếp tục có nhiều chuyển biến. Bất ngờ chị Ánh liên lạc lại với chúng tôi. Chị Ánh hào hứng nói: “Bộ tư lệnh vừa cho anh Khiêm điện về nhà, anh ấy bảo hãy yên tâm, ở đây vẫn bình an, gia đình đừng lo lắng quá”. Nói đoạn chị thông báo cho chúng tôi về tình hình sức khỏe của ông Sáng, chuyện cả gia đình xem tivi, thấy anh Khiêm trên chương trình thời sự 19h00 của Đài Truyền hình Việt Nam. “Sau khi nghe thông tin về tình hình biển Đông và nhìn thấy anh Khiêm trên tivi, tâm trạng của bố tôi thoải mái hơn nhiều. Có lẽ vậy nên bệnh tình, sức khỏe của ông có những chuyển biến tích cực, tôi thấy ông vui hơn rất nhiều”.
Theo Nguyễn Hinh Trí thức trẻ
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn